Thứ 7, 27/04/2024, 17:54[GMT+7]

Nghỉ hưu, cô giáo thành chủ trang trại

Thứ 3, 12/03/2024 | 07:36:35
782 lượt xem

Bà Bé thu hoạch na Thái cuối vụ.

Sau mấy chục năm cần mẫn “gieo chữ”, được nghỉ hưu theo quy định nhưng cô giáo Vũ Thị Bé, xã Trọng Quan (Đông Hưng) không an hưởng tuổi già mà mạnh dạn tích tụ ruộng đất xây dựng thành công trang trại rộng trên 8.000m2 để hiện thực hóa đam mê trồng trọt, chăn nuôi của mình. Làm kinh tế giỏi, năm 2023 bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khen thưởng.

Lúc còn đi làm, bà Bé luôn ao ước có một mảnh vườn, một cái ao nhỏ để trồng cây, thả cá thư giãn sau các buổi lên lớp. Khi nghỉ dạy về quê, mấy lần đi qua cánh đồng thôn Tràng Vinh thấy cả khu ruộng trũng cấy lúa bị đổ, không năng suất, bà Bé đã xin ý kiến chính quyền xã cũng như các hộ dân. Năm 2019, được sự đồng ý của chính quyền xã và hộ có ruộng, bà Bé vận động các con vay vốn và đầu tư trên 2 tỷ đồng thuê máy đào ao, xây chuồng, làm vườn xây dựng thành một trang trại quy mô, khang trang, bài bản, khoa học để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. 

Bà Bé chia sẻ: Lúc đầu xây dựng trang trại, gia đình gặp khó vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm. Song chính quyền và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã luôn đồng hành, chỉ đạo, phối hợp với ngân hàng cho gia đình vay vốn để triển khai mô hình. Bản thân tuy đã có tuổi nhưng muốn “bắt đất trũng cho mật ngọt”, tôi vẫn “sách, bút” cùng chiếc xe máy cũ tìm đến một số trang trại lớn học tập kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức, nhờ con cháu dạy sử dụng máy tính để tự tìm hiểu kiến thức trên mạng internet, lựa chọn rồi áp dụng vào thực tiễn trang trại của gia đình. Năm đầu kinh nghiệm chưa nhiều, chăn nuôi ít song theo hướng truyền thống, hiệu quả kinh tế chưa cao. Không chùn bước trước khó khăn, tôi vừa làm vừa tích lũy kiến thức, đặc biệt là kỹ thuật đúc rút qua thực tế chăn nuôi vịt đẻ, bò giống, trồng cây ăn quả tại trang trại. Năm 2020, gia đình tôi đào 2 ao với tổng diện tích trên 3.000m2 để thả các loại cá truyền thống. Ao nhỏ tôi nuôi cá giống rồi chuyển ao lớn nuôi thành cá thịt. Thức ăn cho cá tôi tận dụng từ trang trại như phân vịt, phân bò, cỏ Thái, cây chuối... vì thế chi phí giảm, thu lãi cao. Mỗi năm trừ chi phí gia đình thu từ thả cá khoảng 40 triệu đồng.

Bà Bé đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi vịt và bò giống.

Khi trang trại dần đi vào ổn định, bà Bé đầu tư mở rộng chuồng trại lên trên 2.000m2. Hiện trang trại đang có 7 con bò giống, 1.200 con vịt, trong đó 600 con vịt đang đẻ trứng. Bà Bé cho biết: Cái khó của nuôi vịt đẻ là phải canh thời gian để đêm thức dậy lấy trứng và phải chú ý 3 thứ: nước, thức ăn và xử lý phân. Hàng ngày phải quan sát phân vịt để điều chỉnh khẩu phần ăn cho phù hợp, vì vịt ăn nhiều quá sẽ béo đẻ ít, vịt ăn ít quá thì đẻ trứng bé. Sau 18 tháng thì phải thay lứa vịt đẻ khác. Trong khu nuôi vịt phải có “sân chơi”, xây bể bơm nước giếng khoan vào cho vịt tắm hàng ngày, giữ chuồng sạch sẽ. Chuẩn chỉ từ khâu chọn giống, chăm sóc, cho ăn, vì thế mỗi ngày bà Bé thu khoảng 600 quả trứng. Trứng vịt của trang trại bà Bé thường to hơn các hộ chăn nuôi khác, được khách hàng đánh giá cao, bán được giá hơn. 80 - 90% số trứng vịt bà Bé mang đi ấp ở lò, tỷ lệ ấp nở cao. Vịt con ấp nở, một phần bà Bé để nuôi, còn lại bán cho các hộ chăn nuôi khác trong và ngoài xã. Nếu năm đầu tiên nuôi vịt đẻ bà Bé chỉ thu được 160 - 170 triệu đồng thì nay bà thu được gấp đôi.

Trên vườn và quanh bờ ao, bà Bé trồng 80 cây na Thái, 20 cây bưởi, cây ổi và hàng trăm gốc đào, chuối, rau màu các loại theo mùa. Bà còn tận dụng khoảng đất trống dưới gốc cây trồng cỏ Mombasa Ghine làm thức ăn cho bò và cá. Tổng doanh thu hàng năm của trang trại trên 800 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 400 triệu đồng. Hàng ngày, ngoài nhân lực là 2 mẹ con, bà Bé thuê thêm 1 lao động chính và 4 - 5 lao động thời vụ. 

Nói về dự định sắp tới của mình, bà Bé cho biết: Để tăng hiệu quả của trang trại, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương hơn, gia đình sẽ xây dựng thêm chuồng để tăng đàn vịt đẻ và bò; đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản trứng vịt, nhất là vào mùa hè, xây dựng lò ấp trứng nhằm chủ động trong khâu giống, giảm chi phí. Tôi mong cấp ủy, chính quyền tiếp tục tạo điều kiện để gia đình tích tụ ruộng đất, mở rộng diện tích và có nguồn vốn đầu tư phát triển trang trại bền vững.

Bà Trần Thị Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Quan cho biết: Trên địa bàn xã có nhiều chị em phụ nữ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả mà điển hình nhất là bà Vũ Thị Bé. Bà Bé không chỉ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm giàu cho gia đình mà còn gương mẫu, đi đầu hưởng ứng các phong trào thi đua, nhất là chung tay xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, bà Bé còn vận động, cấp con giống giá rẻ, bảo đảm chất lượng, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các chị em khác để cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đây là mô hình tốt, xã đang chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tuyên truyền, nhân rộng.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày