Thứ 6, 03/05/2024, 17:01[GMT+7]

Thanh niên Đông Hoàng: Làm giàu trên quê hương

Thứ 2, 18/03/2024 | 08:48:14
4,495 lượt xem
Để làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương, nhiều thanh niên xã Đông Hoàng (Đông Hưng) đã chủ động, sáng tạo trên con đường lập thân, lập nghiệp. Dù mỗi người có cách làm riêng nhưng với sự nhiệt huyết và khát vọng của tuổi trẻ họ đều gặt hái được thành công, trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi của xã.

Anh Phạm Văn Hùng (người bên trái) chăm sóc mai vụ mới.

Đây là năm thứ 8, anh Phạm Văn Hùng, thôn Tống Khê đưa giống mai vàng từ Bình Định về trồng tại khu vực chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả của gia đình. Trên diện tích 1 mẫu vườn, anh trồng 2.000 gốc mai, trong đó có 600 gốc phục vụ thị trường tết năm 2025. Ngay từ khi trồng vụ mai mới, anh Hùng đã trồng trong chậu để thuận tiện cho việc chăm sóc, vận chuyển, giúp cây có bộ rễ khỏe, chơi tết được bền hơn. Mai vốn hợp với khí hậu, thổ nhưỡng miền Nam, song sau nhiều năm gắn bó với cây mai, anh Hùng đã thuần hóa thành công, làm chủ được kỹ thuật bảo đảm cây mai khoe sắc vàng đúng dịp tết ở miền Bắc. 

Anh Hùng chia sẻ: Ban đầu trồng mai do thiếu kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm chưa điều chỉnh được mai ra hoa đúng dịp tết dẫn đến thất thu. Song, tôi không nản vì qua đó tôi rút ra được bài học quý, để thành công tôi khăn gói vào Bình Định học kỹ thuật, tôi ứng dụng công nghệ can thiệp cho hoa nở đúng độ. Đầu tháng 12 âm lịch, tôi chuyển các chậu mai vào trong nhà kín, thắp điện, đốt lò giữ nhiệt độ ở 30 - 350C, khoảng 13 - 15 ngày sau mai sẽ nở hoa. Hiện nay, tôi đang tập trung trồng vụ mai mới, sau đó chăm sóc, tỉa cành, uốn nhiều thế độc đáo. Mỗi vụ mai, gia đình tôi thu 500 - 600 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn xây lò ấp trứng gà, vịt cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài xã, mỗi tuần khoảng 2.000 quả trứng; đào 1.000m2 ao thả cá truyền thống. Với mô hình này, tôi đã tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với thu nhập 250.000 đồng/ngày/người. 

Từ thành công đưa sắc vàng của hoa mai về trên đất Đông Hoàng, phục vụ thị trường tết ở Thái Bình đã giúp gia đình anh Hùng thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sau nhiều năm bôn ba tìm kiếm tương lai nơi xứ người nhưng mục tiêu làm giàu không đạt được, làm cực mà lương chỉ đủ tiêu, năm 2016 anh Phạm Văn Tiến, thôn Thanh Long, xã Đông Hoàng đã quyết định về quê khởi nghiệp bằng việc mở cơ sở cơ khí. Anh Tiến đã dùng kinh nghiệm nhiều năm làm thợ cơ khí ở Hà Nội để làm ra các sản phẩm có chất lượng cao, phát triển cơ sở cơ khí do mình làm chủ. 

Anh Tiến cho biết: Thời điểm đầu đi vào sản xuất, tôi gặp không ít khó khăn bởi quy mô sản xuất nhỏ, máy móc, trang thiết bị còn thô sơ, chủ yếu làm bằng phương pháp thủ công nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Chính vì vậy, lượng khách hàng tìm đến đặt mua chưa như mong đợi, chủ yếu là người quen. Song, tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền; Đoàn Thanh niên xã luôn đồng hành cùng tôi trong quá trình lập thân, lập nghiệp. Tôi đã mạnh dạn đầu tư trên 300 triệu đồng mua các loại máy móc như máy cắt 2 đầu tự động, máy khoét khóa, máy hàn… giảm việc nặng nhọc, nhanh, năng suất hơn. Vì vậy, các sản phẩm có độ chính xác ngày càng cao, bảo đảm tính thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cơ sở chủ yếu sản xuất các sản phẩm từ nhôm, kính, sắt thép, inox, tường nhựa... 

Ngoài phục vụ thị trường trong tỉnh, anh Tiến còn cung cấp sản phẩm của cơ sở cho thị trường Hà Nội. Hiện cơ sở của anh Tiến đang giải quyết việc làm cho 5 lao động, chủ yếu là thanh niên với thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm cơ sở cơ khí của anh Tiến cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Anh Tiến mới đầu tư hàng trăm triệu đồng mua xe ô tô tải để chở hàng đi giao cho khách.

Anh Phạm Văn Tiến lập nghiệp thành công với cơ sở cơ khí.

Những năm qua, các phong trào thi đua “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã được Đoàn Thanh niên xã Đông Hoàng cụ thể hóa bằng các chương trình, hoạt động sáng tạo, thiết thực và hiệu quả. 

Anh Phí Văn Hiệp, Bí thư Đoàn Thanh niên xã cho biết: Để giúp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, Đoàn Thanh niên xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích đoàn viên, thanh niên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương xây dựng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Để đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, Đoàn Thanh niên xã thường xuyên quan tâm định hướng lập nghiệp và khởi nghiệp cho thanh niên, hướng dẫn, giúp thanh niên tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức dạy nghề, tạo việc làm; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên. Động viên, khuyến khích thanh niên ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thông qua đó, đã giúp đoàn viên, thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Thời gian tới, Đoàn Thanh niên xã tiếp tục tăng cường hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cây, con giống chất lượng, tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên được vay vốn làm giàu.


Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày