Thứ 3, 23/07/2024, 01:25[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024) Tình thế cách mạng ở Thái Bình trước và sau Hiệp định Giơnevơ 1954

Chủ nhật, 21/07/2024 | 22:26:18
543 lượt xem
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi. Quân và dân ta đã đánh bại ý chí của Pháp duy trì Đông Dương là lãnh thổ thuộc Liên hiệp Pháp. Ngày 8/5, hội nghị Giơnevơ bắt đầu họp bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương.

Cầu Bo bị giặc Pháp nổ mìn đánh sập một nhịp vào 17 giờ ngày 30/6/1954. Ảnh tư liệu

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết với nhiều văn kiện, trong đó chủ yếu là ba hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiệp định Giơnevơ có một số nội dung cơ bản là: Các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, không can thiệp vào công việc nội bộ 3 nước. Các bên tham chiến thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương. Các bên tham chiến thực hiện cam kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực, trao trả tù binh. Dân chúng mỗi bên có quyền di cư sang lãnh thổ do bên kia kiểm soát trong thời gian quân đội hai bên đang tập kết. Cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào Đông Dương. Nước ngoài không được đặt căn cứ quân sự tại Đông Dương. Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự tạm thời. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc, chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam. 

Hiệp định Giơnevơ không có điều khoản nào quy định chi tiết về thời điểm cũng như cách thức tổ chức tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam - Bắc Việt Nam, nhưng Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ ghi rõ cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956. 

Sau khi Hiệp định được ký kết, chính phủ và quân đội Quốc gia Việt Nam đã cùng quân Pháp tập kết về phía Nam vĩ tuyến 17. Ngày 28/4/1954, Ủy ban Bảo vệ Bắc Việt Nam của Quốc gia Việt Nam tìm cách kêu gọi dân chúng di cư vào Nam. Một kế hoạch di cư được đặt ra và một ủy ban di cư được thành lập. Ngày 30/7/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phát biểu cổ vũ dân chúng miền Bắc di cư vào miền Nam. Hơn một triệu người, chủ yếu là giáo dân đã di cư vào Nam. Sau đó, hậu thân của Quốc gia Việt Nam là Việt Nam Cộng hòa, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đã từ chối tổ chức tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, trái với Tuyên bố chung của Hiệp định Giơnevơ. 

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, từ sau ngày chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn, quân Pháp đã lần lượt rút khỏi các vị trí đang chiếm đóng. Quân và dân trong tỉnh gấp rút triển khai đấu tranh tiếp quản vùng mới giải phóng. Với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, lệnh ngừng bắn được ban hành. Đến cuối tháng 7/1954, một số vị trí thuộc huyện Phụ Dực (cũ) là nơi quân địch vẫn còn chốt giữ. Ngày 28/7/1954, địch rút khỏi vị trí Cao Mộc, Đào Động, Lai Ổn. Ngày 2/8/1954, địch rút khỏi Lộng Khê là vị trí cuối cùng. Toàn bộ đất đai Thái Bình được giải phóng. Hòa bình được lập lại. Khắp nơi rộn ràng không khí tưng bừng phấn khởi. Ngày 28/7/1954, các địa phương trong tỉnh hân hoan tổ chức mít tinh đón Hiệu triệu của Hồ Chủ tịch và lệnh ngừng bắn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hiệu triệu của Hồ Chủ tịch đã chỉ ra những nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào cuộc đấu tranh mới trong hòa bình nhưng không kém phần gay go gian khổ và phức tạp. 

Hòng thực hiện âm mưu chống phá lâu dài, khi địch rút quân đã cài lại một số bọn tay sai phản động ngoan cố tiến hành chống đối, phá hoại công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh của nhân dân ta. Thị xã Thái Bình là nơi diễn ra nhiều hoạt động chống phá phức tạp, thâm độc và trắng trợn nhất. Vào lúc 17 giờ ngày 30/6/1954, quân Pháp cho nổ mìn đánh sập cầu Bo. Đêm hôm đó chúng rút chạy khỏi thị xã. Ngay sau khi quân Pháp rút chạy, bọn phản động đã đốt 120 gian nhà của giáo dân quanh khu vực nhà thờ, rồi tung tin vu cho du kích của ta đốt, hòng gây chia rẽ lương - giáo. Chúng đã tiến hành các thủ đoạn trắng trợn như đốt trụ sở công an ngụy để tiêu hủy tài liệu, đánh cắp tài sản công, xé cờ, xóa khẩu hiệu, cắt dây điện thoại, ném lựu đạn vào cuộc họp... Lợi dụng tình thế tranh tối tranh sáng, bọn lưu manh trộm cướp nổi lên hoành hành. Tình hình trật tự trị an cực kỳ rối ren. 

Trước tình hình đó, chính quyền ta đã tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của địch nhằm phá hoại khối đoàn kết toàn dân, đồng thời kiên quyết trừng trị bọn phản động đầu sỏ, giáo dục nghiêm khắc bọn tay sai của chúng. Trật tự trị an dần được ổn định. 

Cùng với cuộc rút lui, kẻ địch đã thực hiện âm mưu cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam. Ở Gia Lạc (Thư Trì), Duyên Lãng (Duyên Hà), bọn phản động bắt giáo dân phải tập trung hết của cải vào nhà thờ, khi địch rút, chúng chuyển của cải của bà con xuống tàu, thứ gì không đem đi được thì chúng đốt phá. Nhằm tạo sức ép, buộc giáo dân phải theo chúng vào Nam, địch còn cho máy bay ném bom, cho lính đốt nhà thờ như ở Cổ Việt (Vũ Tiên), Gia Lạc (Thư Trì)... 

Từ sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai càng ráo riết tiến hành các âm mưu và thủ đoạn thâm độc dụ dỗ, cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam. Bọn phản động đội lốt tôn giáo lợi dụng thần quyền, mê hoặc, lừa gạt giáo dân với luận điệu Nam Bộ là đất Thánh, Chúa và các cha vào cả trong Nam rồi, giáo dân không đi, không có người chăm sóc phần hồn, chết không được lên thiên đàng... 

Bộ máy tuyên truyền của địch đã không ngừng xuyên tạc, lừa gạt bằng đủ mọi thủ đoạn thâm độc làm cho hầu hết giáo dân đều lo mất đạo, lo không có cha làm lễ, không có người chăm sóc phần hồn, đồng thời hoài nghi về các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Do bị lừa gạt, bị mê hoặc bởi những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, đe dọa của bọn phản động nhiều bà con giáo dân đang làm ăn yên ổn đã bán rẻ tài sản, giết gia súc, gia cầm, phá hoại hoa màu, ăn uống vô tội vạ, bồng bế con cháu, gồng gánh ra đi. 

Ngay sau khi rút các vị trí công giáo võ trang, bọn phản động đã ép buộc giáo dân đi theo chúng. Tại các điểm Lai Ổn, Cao Mộc, Bát Nạo (Phụ Dực); thị xã; Ninh Cù, Xá Thị (Thụy Anh)... kẻ địch đã ép gần hết giáo dân đi Nam. Theo Lịch sử Đảng bộ Thái Bình 1945 - 1975: “Trong vòng hơn 6 tháng (từ cuối tháng 7/1954, đến tháng 1/1955), địch đã dụ dỗ, cưỡng ép 28.374 người đi Nam, hầu hết là đồng bào theo đạo Thiên Chúa; trong đó số đồng bào ra đi nhiều nhất là huyện Tiền Hải, gần 7.000 người. Tình trạng trên đã dẫn đến hậu quả là: có những xóm, thôn đang đông vui, trở nên tiêu điều, vắng vẻ, nhà cửa, ruộng vườn bỏ hoang không có người trông nom cày cấy. Nhiều gia đình xảy ra cảnh chia ly thương tâm: kẻ đi, người ở, cha mất con, vợ mất chồng”... Biến cố di cư năm 1954 đã để lại cho giáo đoàn không ít tổn thương. Hơn một nửa giáo dân và hầu hết các linh mục, tu sĩ đã rời Thái Bình ra đi. Các giáo xứ trở nên hoang vắng, nửa số nhà thờ phải đóng cửa; nhiều cơ sở nhà đất, ruộng vườn bỏ hoang… 

Trước âm mưu thủ đoạn nham hiểm, trắng trợn của địch, lúc đầu do ta chủ quan chưa đánh giá hết mức độ khó khăn, phức tạp của tình hình nên chưa linh hoạt tổ chức tốt việc giáo dục với quần chúng nhân dân, phân hóa bọn tay chân mù quáng làm tay sai cho địch và chưa kiên quyết trừng trị bọn đầu sỏ, chủ mưu. Dưới sự chỉ đạo kịp thời và sát sao của Tỉnh ủy, các địa phương trong tỉnh đã huy động lực lượng quần chúng tiến bộ, vận động số giáo dân bị lừa gạt ra đi, trở về quê cũ. Lực lượng cán bộ và bộ đội đã chịu đựng biết bao gian khổ, cam go, ngày đêm kiên trì bám sát số đồng bào đang chuẩn bị ra đi và số đồng bào đang trên đường đến nơi tập trung đi Nam để giải thích, thuyết phục làm cho quần chúng hiểu rõ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nhất là chính sách tự do tín ngưỡng, chính sách khoan hồng đối với người lầm đường lạc lối làm tay sai cho giặc, đồng thời làm cho đồng bào thấy rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù trong việc dụ dỗ cưỡng bức đồng bào ta di cư vào Nam. Sau khi được giải thích và sự chăm sóc, đùm bọc của bà con quê hương, nhiều người trong số đông đồng bào bị lừa gạt đã nhận rõ đúng, sai, nhận rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù đã gồng gánh trở về quê hương. Ở Thượng Phúc (Thụy Anh), gần 1000 đồng bào ra đi đều đã quay trở về. Hầu hết đồng bào trong vùng đang chuẩn bị ra đi cũng vui vẻ yên tâm ở lại. Nhiều bà con không quản vất vả, tốn kém sang tận Hải Dương, ra tận cảng Hải Phòng vận động, giúp đỡ đồng bào bị lừa gạt, cưỡng ép đi Nam gồng gánh trở lại quê hương. Do đó, cuộc đấu tranh chống địch dụ dỗ cưỡng ép đồng bào giáo dân di cư vào Nam đã thu được những thắng lợi cơ bản, tình hình chính trị, xã hội ở Thái Bình sau Hiệp định Giơnevơ từng bước được ổn định. 

Thanh Nguyên 

( Vũ Quý, Kiến Xương)