Thứ 5, 21/11/2024, 22:58[GMT+7]

Công tác dân số còn những khó khăn, thách thức

Thứ 4, 04/09/2024 | 08:32:05
7,037 lượt xem
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương cùng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số từ tỉnh đến thôn, công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay công tác dân số đang đối mặt với khó khăn, thách thức khi cơ cấu dân số đang trong giai đoạn chuyển dịch từ “dân số vàng” sang già hóa dân số, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao...

Tuổi thọ trung bình của người dân Thái Bình là 75,4 tuổi, cao hơn so với tuổi thọ trung bình của cả nước nhưng số năm sống khỏe thấp.

Chỉ số cần giảm vẫn tăng

Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tại xã An Ấp (Quỳnh Phụ) luôn ở mức cao. Cụ thể, năm 2023, số bé trai được sinh ra là 34 bé, bé gái là 27; 7 tháng đầu năm 2024, số bé trai được sinh ra là 23, trong khi đó số bé gái chỉ có 6 bé. Tại xã An Ninh (Quỳnh Phụ), theo thống kê của cán bộ dân số xã, số bé trai sinh ra cũng nhiều hơn số bé gái. 

Bà Bùi Thị Anh, cán bộ dân số Trạm Y tế xã An Ninh chia sẻ: Năm 2023, toàn xã có 90 trẻ sinh ra thì có 53 bé trai và 37 bé gái. Từ ngày 1/1 - 31/7/2024, trong 51 trẻ được sinh ra thì có tới 34 bé trai và chỉ có 17 bé gái. Việc mất cân bằng giới tính khi sinh có thể dẫn tới nhiều hệ lụy nên chúng tôi đã tập trung triển khai một số giải pháp, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các hội nghị, viết bài phát trên đài truyền thanh xã, nói chuyện chuyên đề ở các trường học và truyền thông trực tiếp tới từng gia đình qua 11 cộng tác viên dân số ở 8 thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái vẫn còn cao.

Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ xảy ra ở riêng một hay vài địa phương mà diễn ra ở nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đây cũng là mối lo ngại với nhiều địa phương. Thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh giảm chậm và không ổn định. Nếu như năm 2015 là 111,6 bé trai/100 bé gái, năm 2018 là 111,7 bé trai/100 bé gái thì đến năm 2023 là 116,6 bé trai/100 bé gái và 6 tháng đầu năm 2024 là 115,6 bé trai/100 bé gái.

Cơ cấu, chất lượng dân số, nhân lực làm công tác dân số cần được quan tâm

Bên cạnh tỷ số giới tính khi sinh giảm chậm thì vấn đề cơ cấu dân số cũng đang đặt ra những khó khăn, thách thức với ngành dân số. Hiện nay, cơ cấu dân số tỉnh đang trong giai đoạn chuyển dịch từ cơ cấu “dân số vàng” sang già hóa dân số. 

Bà Nguyễn Thị Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh chia sẻ: Già hóa dân số hay còn gọi là dân số đang già là tình trạng dân số có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% tổng dân số trở lên hoặc khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% tổng dân số, trong khi đó theo điều tra nhà ở vào năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh chiếm 18,7% dân số, trở thành tỉnh có tỷ lệ người cao tuổi cao. Cơ cấu dân số đang có sự chuyển dịch, trong khi chất lượng dân số chưa được cải thiện nhiều. Dù hiện nay, tuổi thọ trung bình của người dân trên địa bàn tỉnh là 75,4 tuổi, cao hơn so với tuổi thọ trung bình của cả nước nhưng số năm sống khỏe thấp; tỷ lệ người cao tuổi mắc các bệnh tật kép, bệnh không lây nhiễm còn cao.

Ngoài ra, quy mô dân số Thái Bình lớn, mật độ dân số cao, tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ngày một tăng. Công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển còn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ dân số khó tiếp cận với các nhóm vị thành niên, thanh niên, công nhân làm việc tại các công ty, xí nghiệp, trường học, vùng biển, ven biển để tuyên truyền. Cán bộ cơ sở thường xuyên biến động; cộng tác viên dân số đa phần có tuổi đời cao và còn thiếu so với quy định, chế độ phụ cấp thấp...

Biến khó khăn thành hành động

Trước những khó khăn, thách thức trong công tác dân số, nhiều giải pháp, hoạt động đã được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh triển khai. Nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, 6 tháng đầu năm 2024, Chi cục đã phối hợp với trung tâm y tế 8 huyện, thành phố tổ chức 27 hội nghị truyền thông trực tiếp kết hợp tuyên truyền trực quan về thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho hơn 2.100 người; in ấn, cấp nhiều tài liệu về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho các địa phương; duy trì mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái tại hơn 60 trường tiểu học và THCS của 8 huyện, thành phố... Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trước thách thức già hóa dân số, ngoài phối hợp tổ chức các hội nghị ra mắt câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, cấp dụng cụ luyện tập và các tài liệu truyền thông; tổ chức truyền thông trực tiếp; treo băng rôn tuyên truyền; duy trì hoạt động câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại 166 xã, phường, thị trấn, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh còn phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả dự án hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (JICA) tại xã Thụy Liên...

Nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, biến khó khăn thành hành động, đội ngũ cán bộ dân số các cấp đang tích cực triển khai các hoạt động để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Tuổi thọ trung bình của người dân trên địa bàn tỉnh là 75,4 tuổi song tỷ lệ người cao tuổi mắc các bệnh tật kép, bệnh không lây nhiễm còn cao.

Hoàng Lanh