Thứ 3, 23/07/2024, 09:41[GMT+7]

Khai mạc Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18

Thứ 2, 25/07/2011 | 07:46:25
1,189 lượt xem
Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18 (ARF 18) đã khai mạc ngày 23/07 tại Trung tâm hội nghị Quốc tế Bali (Indonesia).

Các đại biểu chụp ảnh tại hội nghị

Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18 có sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN, 10 bên đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Nga, cùng các nước Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Mông Cổ, Timor Leste, Papua New Guinea và Triều Tiên. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự ARF 18.       
                       
Trong phiên họp hẹp của ARF diễn ra sáng 23/7, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã khẳng định, xu thế hòa bình, hòa giải vẫn là hướng đi chủ yếu của khu vực nhưng vẫn còn không ít các thách thức; các nước cần tích cực thúc đẩy các nỗ lực vì hòa bình ở khu vực, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp và bất đồng thông qua đối thoại hòa bình. Phó Thủ tướng cho rằng, hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông là quan tâm và lợi ích chung của khu vực và tất cả các nước. Do đó, cần phải triệt để tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tiến tới xây dựng bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
 
Ngoại trưởng Phillipines ông Albert F. Del Rosario cũng cho rằng, trong bối cảnh diễn đàn ARF đang biến đổi từ diễn đàn mang tính chất xây dựng lòng tin sang ngoại giao phòng ngừa, Manila đã đề ra hai hướng xử lý vấn đề Biển Đông theo phương cách ngoại giao phòng ngừa mà ARF đang thúc đẩy. Đó là đề xuất tổ chức một cuộc hội thảo của các chuyên giá pháp lý hàng hải ASEAN để phân định rõ đâu là vùng tranh chấp và vùng không tranh chấp hoặc thứ hai là các bên cân nhắc xem xét tính hợp pháp của “đường lưỡi bò” chiểu theo Công ước ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
 
Việc ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về Bản quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông DOC đã được ngoại trưởng các nước đánh giá là tiến triển được hoan nghênh tại diễn đàn ARF năm nay.
 
Về vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, trong phiên họp sáng 23/7 đã lên tiếng khẳng định Mỹ phản đối việc đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực của bất kỳ bên tuyên bố chủ quyền nào ở Biển Đông nhằm mở rộng yêu sách chủ quyền hoặc nhằm can thiệp vào các hoạt động kinh tế hợp pháp.
 
Theo bà Hillary Clinton, Mỹ ủng hộ DOC và một tiến trình hợp tác ngoại giao của các bên tuyên bố chủ quyền để giải quyết những tranh chấp khác nhau ở Biển Đông.
 
Các ngoại trưởng cho rằng, các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ bản Quy tắc này cho đến khi một văn kiện pháp lý mang tính chất ràng buộc cao hơn là Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông COC được đồng thuận, nhưng để đạt được COC cần phải có thời gian.
 
Ông Marty M. Natalegawa, Ngoại trưởng Indonesia nói: “Diễn đàn ARF năm nay khác hẳn với các diễn đàn trước đây. Nó đã mở ra hành lang cho các vấn đề bức xúc tìm ra giải pháp. Tất nhiên là vẫn còn những quan điểm trái ngược nhau. Đây là những vấn đề không thể dễ đạt được giải pháp sau một đêm. Nó đòi hỏi nhiều năm dài đàm phán. Cũng như vấn đề giải quyết tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia, những tiến triển ngày hôm nay cho thấy ít ra ASEAn đã tạo ra một môi trường cho các bên giải quyết vấn đề của mình”.
 
Quan điểm này cũng được Tổng thư ký ASEAN chia sẻ. Ông cho rằng, cả Trung Quốc, ASEAN và các đối tác như Mỹ và Nga đều muốn khu vực này trở thành một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh với các tuyến hàng hải tự do và an toàn.
 
Ông Surin Pitsuwan, Tổng Thư ký ASEAN nói: “Đây là một nhu cầu cấp thiết trong khu vực và thế giới bởi ASEAN có tầm quan trọng lớn, có vai trò quan trọng đối với cộng đồng quốc tế”.
 
Như vậy, bên cạnh vấn đề hòa bình ổn định trên biển Đông và tranh chấp biên giới Thái Lan, việc hai miền Triều Tiên cho thấy dấu hiệu nối lại vòng đàm phán 6 bên đã là những kết quả đáng kể của diễn đàn ARF. Nó cho thấy hướng phát triển trong tương lai của diễn đàn ARF từ giai đoạn xây dựng lòng tin như hiện nay đã đạt được bước chuyển lên giai đoạn ngoại giao phòng ngừa.

Theo VTV

  • Từ khóa