Thứ 3, 07/01/2025, 16:43[GMT+7]

Kho bạc Nhà nước Thái Bình: Hướng tới Chính phủ điện tử

Thứ 5, 19/11/2020 | 15:52:05
3,232 lượt xem
Nhằm đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, từ quý II/2019, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Bình chính thức áp dụng việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh, từ đó góp phần tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị khi giao dịch với hệ thống KBNN; đồng thời, tạo tiền đề hướng tới Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại trụ sở Kho bạc Nhà nước Thái Bình.

Nếu như trước đây việc kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) của KBNN được thực hiện thông qua nhiều thủ tục giấy tờ và phải nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ thì nay đã được thực hiện bằng giao dịch điện tử thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của KBNN. 

Bà Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng phòng Kế toán Nhà nước kiêm Kế toán trưởng nghiệp vụ, KBNN Thái Bình cho biết: Việc thực hiện bằng giao dịch điện tử thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của KBNN không những bảo đảm sự công khai, minh bạch về thủ tục hành chính, minh bạch trong quá trình kiểm soát mà còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách bởi các đơn vị sử dụng ngân sách có thể gửi được hồ sơ 24/7. Đặc biệt, trong thời điểm dịch covid-19 bùng phát, các đơn vị có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến của KBNN để gửi các chứng từ chi NSNN mà không cần phải trực tiếp đến Kho bạc, từ đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đến hết tháng 10/2020, toàn tỉnh đã có 1.297/1.303 đơn vị sử dụng NSNN sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giao dịch với hệ thống KBNN, đạt 99%. Qua quá trình thực hiện, dịch vụ công trực tuyến của ngành Kho bạc đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện chuyển, gửi hồ sơ thanh toán và nhận kết quả kiểm soát chi NSNN một cách nhanh chóng, chính xác. Tuy nhiên, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến lại tạo áp lực đối với đội ngũ cán bộ giao dịch của hệ thống KBNN. Bởi ngoài việc kiểm soát về độ chính xác, lô gic của chứng từ còn phải bảo đảm quy định về thời gian đối với kiểm soát hồ sơ nhất là đối với các hồ sơ thông thường tối đa chỉ 1 ngày làm việc. 

Bà Nguyễn Thị Minh Đức cho biết thêm: Đến ngày 30/10, trên địa bàn tỉnh có 292 đơn vị giao dịch tại KBNN Thái Bình là 292 với trung bình khoảng 300 chứng từ giao dịch/ngày, trong khi đó số lượng kế toán viên chỉ có 17 người nên áp lực trong quá trình kiểm soát rất lớn. Trước yêu cầu nhiệm vụ và áp lực triển khai dịch vụ công trực tuyến, Phòng Kế toán Nhà nước luôn nêu cao tinh thần học hỏi, chú trọng nghiên cứu quy trình nghiệp vụ, xây dựng quy trình hướng dẫn chi tiết phương pháp kiểm soát và ghi chép cho đơn vị, trong đó có hướng dẫn cụ thể cho đơn vị trong việc ghi chép một số mẫu biểu theo đúng quy định của Bộ Tài chính; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động, động viên cán bộ, nhân viên nâng cao tinh thần học tập và lòng yêu nghề, gắn bó với đơn vị, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị được giao.

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Giám đốc KBNN Thái Bình cho biết: Để bảo đảm hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN vận hành thông suốt, hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu giao dịch thanh toán ngày càng tăng cao, thời gian tới, KBNN Thái Bình tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật bổ sung hạ tầng của hệ thống, nâng cấp cấu hình của máy chủ, hệ thống server, tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát của hệ thống. Bên cạnh đó, KBNN Thái Bình thường xuyên tuyên truyền cho các đơn vị sử dụng NSNN biết về cẩm nang hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến được đăng tải trên Cổng dịch vụ công KBNN và không gian mạng google drive, qua đó có thể chủ động tải về và tự xử lý khi gặp vướng mắc trong quá trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, KBNN Thái Bình còn tăng cường tập huấn quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên xử lý công việc bảo đảm đúng quy trình nghiệp vụ một cách chính xác và nhanh chóng.

Việc thực hiện kiểm soát chi thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến được Kho bạc Nhà nước Thái Bình bắt đầu triển khai thực hiện từ quý II/2019. 

Đến nay, hệ thống KBNN đã tích hợp 7 loại thủ tục hành chính có tần suất giao dịch lớn trên Cổng dịch vụ công quốc gia, gồm:

- Thủ tục kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước qua KBNN;

- Thủ tục kiểm soát chi vốn nước ngoài qua KBNN;

- Thủ tục kiểm soát thanh toán thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN;

- Thủ tục kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp;

- Thủ tục đăng ký, mở và sử dụng tài khoản;

- Thủ tục ghi thu, ghi chi vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài;

- Thủ tục tất toán tài khoản KBNN.


Đến ngày 31/10/2020:

- KBNN Thái Bình đã thực hiện kiểm soát thanh toán chi thường xuyên 8.728 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương theo dự toán là 6.490 tỷ đồng; kiểm soát thanh toán chi đầu tư xây dựng cơ bản 3.909 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch vốn;

- Thông qua dịch vụ công trực tuyến, KBNN Thái Bình đã yêu cầu 65 món thanh toán bổ sung các hồ sơ cần thiết; đồng thời thực hiện từ chối thanh toán 3 món với số tiền gần 1 tỷ đồng.


Minh Hương 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày