Chủ nhật, 05/01/2025, 11:54[GMT+7]

Chào mừng Hội thảo Khoa học quốc gia “chuyển đổi số báo chí, xuất bản - lý luận và thực tiễn” Thái Bình xây dựng và phát triển chính quyền số

Thứ 2, 27/11/2023 | 09:30:01
12,621 lượt xem
Chuyển đổi số được Thái Bình xác định là động lực mới, là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình thực hiện chuyển đổi số, tỉnh chú trọng xây dựng chính quyền số từ nền tảng chính quyền điện tử, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nộp hồ sơ trực tuyến.

Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Để xây dựng và phát triển chính quyền số, tỉnh đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo về công tác chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số, trong đó nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận trên 170.000 hồ sơ, trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chiếm khoảng 82%. 

Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: Trung tâm đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền tổ chức, cá nhân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thông qua DVCTT đã được cung cấp. Phối hợp với đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng, chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng, cải tiến chất lượng DVCTT. Đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC bảo đảm kết nối, chia sẻ, kế thừa dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, qua đó hoàn thành chỉ tiêu nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT được UBND tỉnh giao. 10 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết gần 66.000 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 85%, trong đó phần lớn hồ sơ đều được giải quyết trước và đúng hạn, tỷ lệ quá hạn chỉ chiếm 0,06%.

Chị Phạm Thị Loan, cán bộ Phòng Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Dệt nhuộm xuất khẩu Thăng Long, khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình chia sẻ: Trước đây, mỗi khi Công ty chuẩn bị xuất hàng tôi đều phải trực tiếp đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh làm thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), sau đó lại quay trở lại nhận kết quả. Hiện tôi chỉ cần hoàn thiện hồ sơ trên máy tính và nộp trên Cổng dịch vụ công. Mọi việc tiếp nhận hồ sơ, trả lời kết quả đều công khai, minh bạch, rất thuận lợi cho doanh nghiệp. Điều này cũng giúp cá nhân tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí đi lại. 

Chị Mai Thị Phương, cán bộ tiếp nhận hồ sơ của Sở Công Thương tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Hiện nay, các TTHC lĩnh vực xuất nhập khẩu được tiếp nhận hồ sơ qua hệ thống quản lý và cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử ecosys.gov.vn theo mức độ 3, 4; 100% hồ sơ được trả đúng hạn và đính kèm trên hệ thống. Trong đó, trên 90% kết quả cấp C/O được trả trước hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Đầu tư hạ tầng đồng bộ

Trong những năm qua, hạ tầng viễn thông và CNTT đã được tỉnh đầu tư xây dựng đồng bộ, sóng di động, mạng internet băng rộng cáp quang đã phủ 100% xã, phường, thị trấn; cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước được đầu tư với 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ, kết nối mạng diện rộng của tỉnh và kết nối internet tốc độ cao; tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%... Bên cạnh đó, Thái Bình cũng đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng dùng chung của tỉnh, hạ tầng các cơ quan, đơn vị cũng như tích hợp các cơ sở dữ liệu đưa vào hoạt động. 4 hệ thống và phần mềm tích hợp là cổng thông tin điện tử tỉnh, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, mạng văn phòng điện tử liên thông đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, được kết nối với nhau, kết nối với hệ thống quốc gia và các bộ, ngành đem lại nhiều tiện ích cho các tổ chức và mỗi người dân khi cần khai thác và sử dụng. Hiện nay, cả 4 hệ thống và phần mềm dùng chung của tỉnh đang được khai thác, sử dụng hiệu quả, không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin, giải quyết TTHC của người dân mà còn phục vụ tốt các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức. 

Theo ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư: Vũ Thư đã triển khai ứng dụng đồng bộ, hiệu quả mạng văn phòng điện tử liên thông trong toàn bộ các cơ quan hành chính từ huyện đến cơ sở. Hiện tất cả các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thực hiện ký số văn bản điện tử trên hệ thống mạng văn phòng điện tử liên thông của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý công việc, tiết kiệm thời gian cho cơ quan, đơn vị.

Người dân tới giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Kết nối liên thông, đồng bộ

Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Nhằm góp phần xây dựng và phát triển chính quyền số, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai các thành phần CNTT thiết yếu phục vụ đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Thái Bình là 1 trong 13 địa phương trên cả nước đáp ứng toàn bộ yêu cầu kỹ thuật triển khai Đề án 06 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã thực hiện kết nối chính thức với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với quyết tâm chính trị cao nhất, khắc phục mọi khó khăn cùng với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, cuối tháng 5/2023 Công an tỉnh đã hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% công dân trong độ tuổi, đủ điều kiện trên địa bàn, là 1 trong 19 địa phương hoàn thành chỉ tiêu trước thời hạn Bộ Công an giao. Tỉnh đã kết nối liên thông, đồng bộ cơ sở dữ liệu từ hệ thống phần mềm quản lý cán bộ, công chức tỉnh Thái Bình vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ quản lý. Các kênh zalo “Công dân số Thái Bình”, “Chính quyền số Thái Bình”, “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” thường xuyên cung cấp thông tin từ chính quyền tới người dân, doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện đã thực hiện liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng; tích hợp thành công dịch vụ công “giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên cổng dịch vụ công. Đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 9.445 hồ sơ liên thông khai sinh, khai tử, là một trong những địa phương có số hồ sơ phát sinh lớn của cả nước về 2 nhóm thủ tục liên thông. Khi thực hiện thủ tục liên thông trực tuyến, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 TTHC, cắt giảm bớt các giấy tờ, thời gian giải quyết, đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian đi lại. Với cơ quan nhà nước, việc liên thông 2 nhóm thủ tục này sẽ giảm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, thời gian luân chuyển hồ sơ; khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ, đơn giản hóa TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Cán bộ Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Duyên Hải (Hưng Hà) hướng dẫn người dân cách nộp hồ sơ trực tuyến.

Đào Quyên


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày