Thứ 6, 29/03/2024, 14:55[GMT+7]

Làm gì để phòng mỡ máu tăng cao?

Thứ 2, 21/06/2021 | 14:35:11
1,436 lượt xem

Hiểu một cách đơn giản hơn về mỡ máu
Có rất nhiều thông tin khoa học về mỡ máu, tuy nhiên bạn đọc nên tiếp cận và hiểu một cách đơn giản hơn về mỡ máu, chính từ cách nhìn đơn giản như vậy sẽ giúp chúng ta có được những giá trị rất hữu ích trong theo dõi và bảo vệ sức khỏe đối với bản thân mình.

- Bây giờ chúng ta đi tìm hiểu hai từ khóa: MỠ MÁU
Mỡ máu là mỡ có ở trong máu, nó bao gồm nhiều thành phần mà trong đó chủ yếu là Cholesterol, đây là một chất rất quan trọng đối với cơ thể con người, giúp cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Cholesterol có mặt trong nhiều bộ phận như cấu trúc màng tế bào, tiền chất tạo vitamin D và một số chất nội tiết... Tuy nhiên, nếu cơ thể có sự rối loạn chuyển hóa giữa các loại Cholesterol thì sẽ rất có hại, dẫn tới những dạng bệnh lý khác nhau, trong đó bệnh lý nguy hiểm điển hình gây ra là xơ vữa động mạch.

Do Cholesterol là chất mỡ không hòa tan trong nước nên buộc phải kết hợp với chất dễ tan trong nước đó là Lipoprotein để dễ dàng di chuyển trong máu. Bởi vậy khi xét nghiệm mỡ máu, ngoài việc định lượng Cholesterol, các bác sĩ chuyên khoa còn phân tích theo các dạng loại Lipoprotein như LDL (lipoprotein có tỷ trọng thấp - có hại) và loại HDL (Lipoprotein có tỷ trọng cao - có lợi). Trong trường hợp mỡ máu tăng cao nếu loại LDL tăng và loại HDL giảm sẽ gây ra những bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...

- Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm mỡ máu
Khi chúng ta đi làm xét nghiệm mỡ máu, thấy có tới 4 loại chỉ số mỡ máu khác nhau: một là Cholesterol toàn phần, hai là LDL - Cholesterol (có ký hiệu là LCL-c),  ba là HDL - Cholesterol (ký hiệu là HDL-c) và  bốn là Triglyceride. Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi tại sao lại phải làm nhiều chỉ số mỡ máu như vậy? Thực ra các chỉ số này liên quan mật thiết với nhau nhưng mỗi chỉ số lại phản ánh một góc độ khác nhau; các chỉ số khác nhau đó giúp thầy thuốc phân tích để chẩn đoán, điều trị và tư vấn phòng bệnh cho bệnh nhân.

Cholesterol kết hợp với LDL khi tăng cao trong máu sẽ gây hại cho sức khỏe, loại này vận chuyển trong máu dễ lắng đọng ở thành mạch máu, hình thành các mảng xơ vữa động mạch.  

Cholesterol kết hợp với HDL là dạng có lợi cho sức khỏe, loại này phá hủy các xơ vữa động mạch để mạch máu lưu thông tốt hơn.

Triglycerid là một thành phần quan trọng khác thuộc mỡ máu, còn được gọi là chất béo trung tính, đóng vai trò quan trọng là nguồn cung cấp năng lượng và chuyên chở các chất béo trong quá trình trao đổi chất. Nhưng nếu chỉ số Triglycerid tăng cao sẽ là nguyên nhân gây xơ vữa mạch máu. Tăng Triglycerid thường gặp ở người béo phì, người lười vận động, bệnh nhân đái tháo đường, người uống nhiều rượu bia và hút nhiều thuốc lá...

- Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm mỡ máu
Cholesterol lưu thông trong máu hình thành qua 2 nguồn gốc: nguồn ngoại sinh do thức ăn cung cấp và nguồn nội sinh do gan và ruột tổng hợp. Theo đó, xét nghiệm mỡ máu chịu ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống của người bệnh. Nếu bệnh nhân mới ăn thực phẩm giàu Cholesterol (như trứng, dầu mỡ hoặc đồ xào rán nhiều dầu mỡ...) sẽ làm tăng nồng độ Cholesterol trong máu.

Bên cạnh đó, kết quả các chỉ số xét nghiệm mỡ máu cũng bị chi phối bởi một số yếu tố khác như:
+ Mùa đông lượng mỡ máu thường cao hơn mùa hè khoảng 8%.
+ Đối tượng thường tăng Cholesterol trong máu đó là: người nghiện thuốc lá, uống nhiều rượu, tuổi cao (trên 45 tuổi) người cao huyết áp (trên 140/90 mmHg) hoặc người dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, người bệnh tim và đái tháo đường.
+ Ảnh hưởng từ một số loại thuốc: Thuốc an thần, thuốc lợi tiểu, thuốc uống ngừa thai, vitamin D, Corticoid ...

- Những lưu ý cần thiết trước khi xét nghiệm mỡ máu
+ Nhịn ăn uống.
Phải nhịn tất cả các đồ ăn và nhịn đồ uống như sữa, nước ngọt và các đồ uống dinh dưỡng khác, tốt nhất là nhịn ăn trước thời điểm lấy máu xét nghiệm 12 tiếng đồng hồ.
+ Bệnh nhân không hút thuốc, không uống cà phê, nước có ga, rượu bia, chất có cồn hoặc chất kích thích trước khi xét nghiệm 24 giờ. Các loại này sẽ tác động ảnh hưởng làm cho kết quả xét nghiệm không chính xác.
+ Thời điểm lấy máu xét nghiệm.
Thời điểm lấy máu xét nghiệm tốt nhất là vào buổi sáng.

Làm gì để đề phòng mỡ máu tăng cao?
- Cách kiểm soát mỡ máu tốt nhất là các bạn nên làm xét nghiệm định kỳ 6 tháng một lần. Riêng đối với những bệnh nhân có các bệnh về tim mạch, huyết áp và một số bệnh mãn tính khác thì nên xét nghiệm mỡ máu 3 tháng một lần (hoặc làm xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ điều trị).
- Khi có kết quả xét nghiệm mỡ máu tăng cao hơn bình thường thì việc đầu tiên là phải gặp thầy thuốc để được tư vấn và chỉ định điều trị, khi cần phải dùng thuốc điều trị giảm mỡ máu. Tuyệt đối không được chủ quan để kéo dài thời gian tăng mỡ máu mà không được tư vấn và điều trị.
- Điều chỉnh giảm chế độ ăn các đồ ăn thức uống có nhiều dầu mỡ, đồ xào rán, giảm ăn trứng, phủ tạng động vật và không nên ăn nhiều mì tôm, bởi lẽ mì tôm được chao qua dầu.
- Rượu bia và thuốc lá có ảnh hưởng rất rõ tới kết quả điều trị của thuốc giảm mỡ máu. Đối với người đang uống thuốc điều trị giảm mỡ máu mà vẫn uống nhiều rượu bia thì chỉ số mỡ máu giảm rất chậm so với người không uống rượu bia. Vì vậy, người có chỉ số mỡ máu cao không nên uống rượu bia và hút thuốc lá.
- Kết hợp dùng một số cây thuốc nam để hỗ trợ làm giảm mỡ máu.
Có rất nhiều vị thuốc nam có tác dụng hỗ trợ làm giảm mỡ máu như: trạch tả, cà gai leo, thảo quyết minh, lá sen, atisô, nhân trần, cỏ xước; tuy nhiên không phải những vị thuốc đó ai cũng dùng được, bởi vì đối với những bệnh nhân tim mạch, đặc biệt là bệnh nhân đã can thiệp tim mạch, đang dùng thuốc chống đông, nếu dùng thêm một loại thuốc khác (dù chỉ là thuốc nam) cũng phải tìm hiểu kỹ và hết sức thận trọng (nên xin tư vấn thêm bác sĩ đông y).

Giảm mỡ máu từ quả cà tím (cà dái dê)

- Có một vị thuốc, đồng thời cũng là một món ăn rất ngon, bổ, an toàn mà lại có tác dụng hỗ trợ làm giảm mỡ máu, ai cũng có thể dùng hàng ngày được đó là cà tím (còn có tên gọi khác là cà dái dê). Đối với các loại cà khác khi ăn vào đều có tính độc và nhiệt, riêng cà tím rất lành mà còn giúp cho gan tăng cường thải độc tố.
- Cà tím: Vị ngọt hơi chát, tính bình, tác dụng lợi mật, giảm mỡ máu, phòng xơ vữa động mạch, mát gan giải độc, giảm đau xương khớp.
- Liều lượng và cách dùng:
Cách 1: Cà tím loại bánh tẻ (không già không non) rửa sạch thái lát phơi khô để dùng dần hàng ngày, mỗi ngày mỗi người dùng 15 gam, nấu nước uống (lưu ý tránh để mốc).
Cách 2: Cà tím loại bằng quả dưa chuột to, rửa sạch nướng kỹ cho chín nhừ mỗi ngày ăn 1 quả (có thể ăn thường xuyên hoặc cách nhật).
Cách 3: Cà tím rửa sạch xắt khoanh luộc qua, đổ nước đi rồi cho cà vào nấu nhừ cùng với thịt nạc băm nhỏ hoặc xương hầm, tra mắm muối vừa vặn, bắc ra thái lá tía tô và đập tỏi tra vào,  ăn cùng bữa cơm (nên ăn 3 bữa một tuần).

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc

  • Từ khóa