Thứ 7, 04/01/2025, 20:58[GMT+7]

Sức khỏe và nồi nước xông

Thứ 2, 05/07/2021 | 10:38:49
10,898 lượt xem

Chúng ta ai cũng hiểu rằng:

* Tài sản lớn nhất của đời người là SỨC KHỎE.

* Quà tặng giá trị nhất cho sức khỏe của con người không phải là thuốc mà chính là KIẾN THỨC VỀ SỨC KHỎE.

* Không có sức khỏe cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa.

Bài viết này xin được chia sẻ cùng các bạn một góc rất nhỏ về sức khỏe và nồi nước xông.

Thực vậy, nước xông với các loại lá thảo dược dùng để chữa bệnh, thư giãn, nâng cao sức khỏe đã được cha ông ta sử dụng cách đây hàng nghìn năm, ngày nay được phát triển nâng cao dưới nhiều hình thức khác nhau như phòng xông hơi, máy xông hơi...
Theo quan điểm thầy tại chỗ, thuốc tại nhà thì nồi nước xông vẫn có giá trị thiết thực cho mỗi gia đình, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh.
Tuy nhiên, có khá nhiều bạn cứ thấy các biểu hiện cảm cúm là dùng nước xông chứ chưa chắc đã hiểu rõ về nước xông và nên dùng nước xông thế nào cho đúng. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.

Nên dùng nước xông khi nào?

Theo kinh nghiệm nhân dân và theo đông y thì nước xông dùng để giải cảm khi mắc các chứng hoặc bệnh cảm cúm; có sổ mũi, ngạt mũi, nhức đầu, đau mình mẩy, ho hắt hơi, ngây ngấy sốt, sợ lạnh, không ra mồ hôi, người mệt mỏi khó chịu...

Ai không nên dùng nước xông?

Mặc dù khi bị cảm nhưng các bạn cần biết là có một số trường hợp chống chỉ định xông, vì nếu xông sẽ làm cho bệnh nặng thêm hoặc gây nguy hiểm.

Cụ thể là người đang sốt cao, sợ nóng, ra nhiều mồ hôi, cơ thể suy nhược, người già yếu, trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai hoặc vừa mới sinh, mới sảy thai hoặc đang trong kỳ kinh, người đang bị tiêu chảy, sốt xuất huyết, sau khi uống rượu say nôn mửa, mắc bệnh lở loét da, bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, người bệnh tâm thần..., những trường hợp trên không được xông.

Dùng lá gì để nấu nước xông?

Dùng một vài loại lá có tinh dầu, mùi thơm và có tính sát khuẩn trong các loại lá sau: ngải cứu, bạc hà, hương nhu, sả, đài bi, tía tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, lá chanh, lá tràm, húng chanh, gừng... (tùy từng vùng miền có lá gì phổ biến). Không nhất thiết phải kiếm đủ các loại lá nói trên mà kiếm được tới đâu thì dùng tới đó, mỗi thứ lấy một nắm rửa sạch cho vào nồi đổ ngập nước rồi đậy kín vung đun sôi khoảng 5 - 7 phút.

Khi nấu nước xông không nên cho muối, vì muối có tính chất chìm nặng, kéo xuống làm hạn chế các tinh dầu của lá xông thăng hoa bay lên.

Cách xông đúng:

- Khi xông cần có người khác hỗ trợ, để nồi nước xông đã đun sôi kỹ nơi rộng phẳng, thoáng nhưng không bị gió lùa (không để nồi nước xông trên ghế cao dễ đổ gây bỏng), dùng ghế thấp ngồi vững chãi, đầu cách nồi nước xông khoảng 70cm, trùm một tấm ga (mền) kín cả người và nồi xông; mở hé từ từ vung nồi để điều tiết lượng hơi và đủ độ nóng chịu được.

- Xông từ 10 - 15 phút cho mồ hôi toát khắp người. Mở tấm ga (mền) trùm ra từ từ rồi lấy khăn lau khô hết mồ hôi. Lấy cốc múc một cốc nước xông uống một hai ngụm rồi súc miệng vài lần bằng nước xông.

- Không tắm sau khi xông mà dùng khăn xấp với nước xông bao khắp người rồi mặc quần áo là xong.

- Chỉ xông 1 lần trong ngày và cũng chỉ xông 1 - 2 ngày chứ không được xông nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.

Lưu ý chế độ dinh dưỡng và dùng thuốc khi cảm, sau xông

Cảm cúm cần được ăn uống đủ chất, ăm mềm, nhừ, dễ tiêu, uống bổ sung các loại vitamin nhóm B, nhóm C.

Chỉ uống kháng sinh khi có nhiễm khuẩn và theo chỉ định của bác sĩ, cần theo dõi sát vì kháng sinh dễ gây dị ứng nguy hiểm.

Kết hợp dùng nước xông đúng cách sẽ mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe của bạn.

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày