Thứ 6, 26/04/2024, 19:56[GMT+7]

Cây cỏ nhọ nồi chữa những bệnh gì?

Thứ 2, 12/07/2021 | 08:41:25
11,953 lượt xem
Một số bạn có thể mới nghe ở đâu đó nói, hoặc hiểu chưa tường tận về cây cỏ nhọ nồi. Xin chia sẻ về loài thảo dược quý này.

A. TÊN GỌI
Miền Bắc, miền Trung gọi là cỏ nhọ nồi, miền Nam gọi là cỏ mực. Đông y gọi là hạn liên thảo.

B. NHẬN BIẾT CÂY CỎ NHỌ NỒI
- Xem hình ảnh để nhận biết.
- Cần hỏi người đã có kinh nghiệm đã dùng và xem cây thực tế.
- Khi dùng tay cấu cây cỏ nhọ nồi thì nước và nhựa của nó làm đen da và móng tay chỗ tiếp xúc.
- Nhai nếm vào miệng thấy vị hơi ngọt hơi chua và hơi đắng.

C. BỘ PHẬN DÙNG VÀ THU HÁI
- Dùng cả cây lá và hoa.
- Dùng cây tươi khi mới lấy về.
- Dùng cây khô: Lấy về rửa sạch phơi khô để nơi mát, tránh ẩm mốc.

D. TÁC DỤNG CỦA CỎ NHỌ NỒI
- Bổ thận âm, chỉ huyết lỵ. Dùng chữa can thận âm kém, chữa lỵ và đại tiện ra máu, tác dụng đen tóc.
- Tác dụng cầm máu: Cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu giống như vitamin K .
- Cỏ nhọ nồi làm tăng trương lực của tử cung. Trường hợp chảy máu tử cung, nếu dùng cỏ nhọ nồi thì có tác dụng làm tăng prothrombin cầm máu chảy và còn làm nén ép thành tử cung, góp phần vào việc chống chảy máu.
- Cỏ nhọ nồi còn có tác dụng hạ sốt nhẹ.
- Cỏ nhọ nồi không gây tăng huyết áp, không làm giãn mạch và hầu như không có độc.

E. CÁCH DÙNG VÀ LIỀU DÙNG
1) Lượng dùng từ 6 - 12g/ngày loại khô, nếu tươi có thể dùng nhiều hơn.

2) Chảy máu cam:
Dùng cỏ nhọ nồi cả cành và lá tươi giã vắt lấy nước, nhỏ vào mũi vài giọt, nước còn lại thì uống, bã vê nút vào hai lỗ mũi.

3) Đi đại tiện ra máu:
Cỏ nhọ nồi sao lên cho khô, tán bột. Mỗi lần dùng (8g = 1 thìa nhỏ) pha với nước ấm mà uống.

4) Đi tiểu ra máu:
Cỏ nhọ nồi và cây mã đề, 2 vị bằng nhau, giã vắt lấy nước ngày uống 3 bữa, mỗi bữa lưng bát lúc đói.

5) Trĩ ra máu:
Lấy một nắm cỏ nhọ nồi rửa sạch để cả rễ, giã nhuyễn, cho vào 1 chén rượu nóng quấy thành dịch đặc vắt lấy nước uống, còn bã đắp vào chỗ trĩ chảy máu.

6) Chảy máu dạ dày - hành tá tràng:
Cỏ nhọ nồi 50g, bạch cập 25g, đại táo 4 quả, cam thảo 15g sắc uống, ngày 1 thang chia uống làm 2 lần.

7) Vết đứt da nhỏ có chảy máu:
Một vài ngọn cỏ nhọ nồi sạch nhai hoặc vò nhuyễn đắp ngay lên vết thương.

8) Chữa tóc bạc sớm, tinh huyết hao tổn:
Cỏ nhọ nồi 5kg rửa sạch, nấu kỹ vớt bỏ bã rồi cô đặc thành cao. Lấy 100g gừng giã vắt lấy nước và lấy 1/2 lít mật ong tất cả cho vào cao nhọ nồi rồi đun cô lại lần nữa.
Cho cao vào lọ, khi dùng lấy 1 - 2 thìa canh hòa nước đun sôi còn ấm mà uống. Ngày uống 2 lần, cao này có tác dụng bổ thận, ích tinh huyết, đen tóc.

9) Rong kinh:
- Nếu nhẹ, lấy một nắm cỏ nhọ nồi tươi rửa sạch giã vắt lấy nước cốt uống hoặc cỏ nhọ nồi khô một nắm sắc nước uống. Uống trong vài ngày khi có kinh.
- Nếu huyết ra nhiều, cần tư vấn thêm bác sĩ đông y để cho bài thuốc phối hợp nhiều vị khác nhau sẽ cho hiệu quả tốt hơn.

10) Trẻ tưa lưỡi:
Cỏ nhọ nồi tươi 4g, lá hẹ tươi 2g giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt hòa mật ong chấm lên lưỡi cách 2 giờ 1 lần.

11) Chữa phụ nữ chảy máu tử cung:
Cỏ nhọ nồi 15g, lá trắc bá diệp 15g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 7 ngày.
Tuy nhiên, có những bệnh nếu phối hợp cỏ nhọ nồi với các vị thuốc khác thì sẽ cho hiệu quả cao hơn, cần tư vấn bác sĩ đông y.

F. KIÊNG KỊ
- Phụ nữ có thai không dùng cỏ nhọ nồi.
- Người đang dùng thuốc chống đông không dùng cỏ nhọ nồi.
- Nếu có băn khoăn điều gì thì hỏi bác sĩ đông y để tư vấn thêm.

G. CÁCH TRỒNG CÂY CỎ NHỌ NỒI
Cuối mùa thu cỏ nhọ nồi đã có hoa già và khô lại, bạn chỉ cần xin vài đài hoa khô đem gieo vào một chậu đất luôn giữ ẩm, đến sau tết các hạt nhọ nồi tự nảy mầm thành cây, khi dùng thì nên để lại 1 - 2 cây nó lại ra hoa, ta lấy giống gieo tiếp (hoặc gói hoa khô lại để khô ráo tránh mốc, sau tết đem gieo vào chậu đất ẩm).

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc