Thứ 4, 07/05/2025, 11:46[GMT+7]

Lưng gù và phòng bệnh gù lưng

Thứ 2, 04/10/2021 | 09:02:38
3,705 lượt xem
Bệnh gù cột sống hay bà con ta thường gọi là bệnh gù lưng, đó chính là hiện tượng biến dạng bất bình thường của cột sống, tại vị trí trên cột sống mà có ít nhất 3 đốt sống liên tiếp tạo ra một góc tù làm cho thân cột sống gập góc giống như hình chữ V.

TẠI SAO LƯNG GÙ?
1) Do tư thế đi, đứng, ngồi, nằm không ngay thẳng, không bình thường, lâu ngày thành thói quen tạo ra gù vẹo cột sống.
- Đối với trẻ nhỏ do xương còn đang phát triển mềm yếu dễ chịu tác động ảnh hưởng của tư thế, của vận động, của lực kéo nén... (đặc biệt là tư thế ngồi lệch, đeo khoác nặng ngay từ những ngày đầu khi đi học của trẻ) đó là nguyên nhân chính gây gù vẹo cột sống ở trẻ.
- Đối với người lớn tuy xương khớp đã ổn định nhưng nếu trong khi sinh hoạt và làm việc, các tư thế như đi, đứng, ngồi, nằm mà ta giữ sai lệch lâu ngày tạo thành thói quen cũng sẽ làm cho cột sống biến dạng gù vẹo.

2) Do bệnh loãng xương lâu ngày làm cho xương bị mỏng yếu, nén ép, nghiêng, xẹp, biến dạng gù vẹo cột sống. Bệnh loãng xương phổ biến nhất là ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ.
Những người dùng thuốc giảm đau xương khớp loại corticosteroid tùy tiện không đúng và kéo dài cũng là nguyên nhân gây loãng xương, gây ra bệnh gù cột sống.

3) Do thoái hóa xương khớp, thoái hóa đĩa đệm, thường là khi tuổi cao quá trình lão hóa gân cơ xương khớp tiến triển, bên cạnh đó cơ thể chuyển hóa và hấp thu kém dẫn đến sự thiếu hụt các chất tạo xương, tạo sụn, tạo dịch keo ở ổ khớp, làm cho đĩa đệm giữa các đốt sống bị khô, bị co kéo làm tăng tình trạng gù vẹo cột sống.

4) Do dị tật bẩm sinh ngay từ trong bào thai, hoặc do một số bệnh tật khác gây nên gù vẹo cột sống.

5) Do ung thư cột sống hoặc trong quá trình điều trị ung thư cột sống có thể do tác động ảnh hưởng của hóa chất, xạ trị dẫn tới sự biến dạng cột sống làm gù lưng.

PHÒNG BỆNH GÙ CỘT SỐNG
1) Đối với trẻ em, ngay từ khi còn nhỏ và đặc biệt là ngay từ những ngày đầu đi học thì người lớn trong gia đình kết hợp với giáo viên phải có trách nhiệm uốn nắn, nhắc nhở tư thế ngồi của trẻ thường xuyên, liên tục và kiên trì, giúp trẻ lớn lên có một dáng vóc khỏe đẹp.

2) Đối với người lớn kể cả trong lao động và sinh hoạt như đi, đứng, ngồi, nằm, đều phải giữ đúng như tư thế sinh lý bình thường của cột sống. Chỉ cần không chú ý về tư thế, nếu để lệch chuẩn lâu ngày thành quen, phần gân cơ xương khớp tại vị trí cong lệch lâu ngày sẽ xơ hóa giữ lại tư thế vẹo.
- Bạn thử ngồi thật thẳng lưng lên một lúc rồi ngẫm lại so sánh xem có đúng là thoải mái dễ chịu hơn lúc ngồi gò bó ngả ngón hay không? (đặc biệt là lúc ngồi trên xe ô tô và xe máy).

3) Phòng thoái hóa xương và loãng xương bằng cách bổ sung canxi cho người lớn tuổi.
Tốt nhất là cho uống sữa giàu canxi (bởi lẽ ở người lớn tuổi, nếu uống viên canxi tổng hợp thì rất khó hấp thụ nhưng uống sữa thì hấp thụ canxi rất tốt và lại bổ sung dinh dưỡng).

4) Dùng thuốc giảm đau xương khớp nhất thiết phải tuân thủ đúng chỉ định và tư vấn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng tùy tiện, nhất là thuốc giảm đau xương khớp loại corticosteroid.
Nên dùng thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược đông y là an toàn nhất.

5) Xoa bóp bấm huyệt và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là biện pháp chống gù vẹo cột sống hữu hiệu.
- Ở tất cả các khe giữa 2 đốt sống đều là các huyệt nằm trên đường kinh mạch đốc.
- Ở hai đường cạnh hai bên xương sống cũng là các du huyệt thuộc lục phủ ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận, vị, bàng quang, đại tràng, tiểu tràng, đởm, tam tiêu).
- Khi ta tác động day, bấm, xoa, bóp, chườm ấm, chiếu đèn hồng ngoại hoặc cứu hơi ngải nóng hàng ngày (khoảng 15 - 20 phút) lên các vị trí huyệt nói trên sẽ có tác dụng rất tốt cho cột sống và toàn thân, nâng cao chính khí, giữ cân bằng âm dương, giúp cơ thể cường tráng khỏe mạnh.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày