Thứ 6, 02/05/2025, 12:12[GMT+7]

Quả La hán - một vị thuốc quý có giá trị đối với sức khỏe con người

Thứ 2, 09/05/2022 | 08:31:59
8,925 lượt xem


Quả La hán

Quả La hán còn có tên gọi khác là quả Mộc miết, Giải khổ qua (tên khoa học là Momordica grosvenori Swingle).
Nghiên cứu khoa học cho biết quả La hán có từ 25 - 38% đường (10 - 18% fructose, 5 - 15% glucose); có saponin tritecpen mang vị ngọt tự nhiên, chất nhầy (D-mannitol), protein, vitamin C và nhiều nguyên tố vi lượng có ích (Mn, Fe, Zn, Se, I-ốt...) có tác dụng tốt cho sức khỏe.

Quả La hán có vị ngọt, tính mát và không chứa độc, quy kinh vào kinh phế và kinh tỳ.
Quả La hán được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, được thu hái và bán nhiều ở các chợ dược liệu và các hiệu thuốc Nam Bắc.

Tác dụng chữa bệnh của quả La hán

- Theo đông y, dược liệu này có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, lương huyết, nhuận trường, tiêu đàm, giảm ho.
Quả La hán có tác dụng hỗ trợ chữa táo bón, nóng trong người, đại tiện bí, ho gà, ho có đờm, viêm khí phế quản, viêm họng, dị ứng, lao phổi... Nếu được phối hợp với các vị thuốc đông y khác sẽ làm tăng tác dụng chữa bệnh rất hữu hiệu.

- Nghiên cứu y học hiện đại cho thấy quả La hán có tác dụng kháng khuẩn, phòng, chống nhiễm trùng, có thể thay thế được thuốc kháng sinh trong các trường hợp bị nhiễm trùng không quá nghiêm trọng. Khi tiến hành nghiên cứu thực nghiệm trên các bệnh nhân bị sâu răng và nha chu, các nhà nghiên cứu nhận thấy dược liệu này có khả năng ức chế vi khuẩn một cách đáng kinh ngạc. Ngoài ra còn giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị nhiễm trùng do nấm candida.

- Cung cấp năng lượng, giảm mệt mỏi: Bởi quả La hán chứa chất ngọt tự nhiên giúp cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, giảm mệt mỏi sau lao động nặng nhọc hoặc khi tập luyện thể thao.

- Chống dị ứng: Các chất trong quả La hán có khả năng kháng histamin, chống mề đay, mẩn ngứa.
- Giải độc, kích thích tiêu hóa, làm mát máu, nhuận tràng: Quả La hán có tính hàn giúp làm mát máu, hỗ trợ giải độc gan, làm sạch đường ruột. Đồng thời, dược liệu này còn được biết đến với tác dụng nhuận tràng, chữa táo bón, kích thích tiêu hóa, giúp ăn uống ngon miệng hơn.

- Ngăn ngừa các bệnh lý về hô hấp, tim mạch: Uống nước sắc quả La hán có thể giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý ở đường hô hấp như ho gà, viêm phế quản, viêm thanh quản hay bệnh viêm amidan.
- Một số trường hợp bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch dùng dược liệu này cũng thấy các triệu chứng được cải thiện đáng kể.

- Dưỡng tóc, làm đẹp da: Quả La hán được nhiều người ưu ái gọi với cái tên là quả thần tiên. Lý do bởi không chỉ tốt cho sức khỏe, nó còn bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất quý giúp da dẻ mịn màng và nuôi dưỡng mái tóc óng mượt.
- Kéo dài tuổi thọ: Uống nước từ quả La hán trong nhiều năm có thể giúp kéo dài tuổi thọ, cải thiện sức khỏe tổng thể.

Cách dùng và liều lượng

Quả La hán được dùng để nấu nước hoặc sắc uống hàng ngày dưới dạng trà La hán. Liều dùng thông thường là 10 - 15g quả khô (1 quả to/ngày).

Tuy nhiên, tùy theo vấn đề sức khỏe bạn đang gặp phải, thầy thuốc có thể tăng hoặc giảm liều lượng cho phù hợp hoặc phối hợp với các vị thuốc trong từng bài thuốc cụ thể.

Một số bài thuốc sử dụng quả La hán

- Điều trị viêm phế quản, viêm khí quản, cảm mạo, ho nhiều đờm:
Chuẩn bị: 1 quả La hán, 10g hạnh nhân.
Cách sử dụng: Đập nhỏ, cho vào ấm sắc kỹ cùng với hạnh nhân và 1 lít nước. Chia uống 3 - 4 lần trong ngày.
- Điều trị ho gà, dị ứng:

Chuẩn bị: La hán và mứt hồng mỗi vị một quả.
Cách sử dụng: Tất cả đập vụn, thái nhỏ. Thêm 500ml nước sắc cạn còn một nửa. Chia thuốc làm 2 phần uống hết trong ngày.

- Điều trị bệnh lao phổi, viêm họng (có biểu hiện khô họng, ho khan, ít hoặc không có đờm):
Chuẩn bị: 1 quả La hán, 10g xuyên bối mẫu, một thìa đường mật mía.
Cách sử dụng: La hán đập ra cho vụn, cho vào ấm cùng xuyên bối mẫu và một thìa đường mật. Sắc kỹ uống 2 lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang.

- Điều trị viêm họng, khàn tiếng, mất tiếng, nóng trong người, táo bón:
Chuẩn bị: 1 quả La hán.
Cách sử dụng: Đập nhỏ quả La hán, cho vào ấm chế nước sôi hãm như pha trà hoặc nấu nước uống ngày vài lần.
- Cải thiện các triệu chứng bệnh lao:

Chuẩn bị: 50g quả La hán (3 quả), 1 lạng thịt lợn băm.
Cách sử dụng: La hán bỏ vỏ, bóc lấy phần thịt quả La hán, bỏ hạt đi cho vào với thịt băm xào chín. Thêm một tô nước vào nấu kỹ làm canh. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng, ăn với cơm.
- Thay thế đường trong các trường hợp bị tiểu đường: Vị ngọt trong quả La hán không làm tăng đường huyết như đường mía.

Chuẩn bị: 2 - 3 quả La hán
Cách dùng: Đập dập La hán nấu lấy nước đặc. Khi dùng chỉ cần lấy một ít nước thêm vào thức ăn hoặc đồ uống để tạo vị ngọt thay thế cho đường.

- Trà La hán thanh nhiệt, giải độc, làm đẹp:
Chuẩn bị: 2 quả La hán (có thể cho thêm mươi cái hoa cúc bất tử khô).
Cách thực hiện: Rửa sạch phần lông nhung phía bên ngoài quả La hán. Sau đó tách ra nhiều phần nhỏ cho vào bình cùng với hoa cúc, hãm với 1,5 lít nước sôi. Ủ trong 20 phút. Có thể uống nóng hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh uống dần.

Lưu ý khi sử dụng quả La hán

- Người có thể tạng hàn (lạnh) không nên dùng quả La hán. Biểu hiện của tình trạng này là sợ lạnh, da tái nhợt, đi ngoài phân lỏng, tứ chi lạnh, rêu lưỡi trắng...

- Khi dùng chung với các loại thuốc, thực phẩm chức năng hay bất kỳ dược liệu nào cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ, thầy thuốc để tránh hiện tượng tương tác không có lợi cho sức khỏe.
- Không dùng quả La hán đã bị mốc mọt, mất mùi thơm.

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày