Thứ 4, 21/05/2025, 11:16[GMT+7]

Chọn mật ong tốt và những lưu ý khi dùng

Thứ 2, 25/07/2022 | 08:30:30
1,118 lượt xem

Ong làm mật như thế nào?

Các nhà nghiên cứu chuyên ngành ong ước tính rằng, một cá thể ong cần phải bay xa đến 5km để tìm mật hoa và ghé thăm từ 1.000 - 1.500 bông hoa trong mỗi chuyến đi để làm đầy dạ dày của chúng. Và nếu để sản xuất ra được 500g mật ong thì 1 cá thể ong cần phải bay 88.000km và hút mật từ hai triệu bông hoa mới có được. Theo các nhà nghiên cứu thì trong thế giới tự nhiên có hơn 20.000 loài ong và chỉ có một số loài ong tạo ra mật, trong đó có ong mật màu vàng. Yếu tố cấu thành đàn ong hoặc tổ ong gồm: một ong chúa, hàng trăm con đực và hàng nghìn ong thợ (vốn là những con cái vô sinh). Nhiệm vụ của ong thợ là lấy mật từ hoa, tạo sáp, xây tổ và làm mật để nuôi sống những cá thể khác trong đàn.

Khi tìm được nguồn mật, các công nhân ong này sẽ dùng vòi dài để hút từng giọt từ tuyến mật của hoa vào dạ dày. Tiếp đó, dạ dày ong sẽ phân tích các loại đường phức hợp từ mật hoa thành nhiều loại đường đơn giản hơn và ít có xu hướng tinh thể hóa (còn gọi là kết tinh).

Ong thợ trở về đàn rồi chuyển nhượng mật này cho con khác gọi là ong nhai. Các ong nhai này tiếp tục thu thập mật hoa và nhai trong 30 phút, các enzyme trong tuyến nước bọt của chúng sẽ biến mật hoa thành chất chứa mật ong cùng với nước trong lúc nhai. Chu trình này nhằm hạn chế khả năng xâm nhập của các loại vi khuẩn khi cất giữ.
Sau đó, ong sẽ đem mật hoa phân phối vào những lỗ sáp hình lục giác, mục đích khiến nước bay hơi để mật ong chứa ít nước hơn. Bên cạnh đó, chúng còn dùng cánh của mình quạt ra luồng khí nhằm đẩy nhanh sự bốc hơi nước cho đến khi mật ong đạt đến độ bão hòa (tỷ lệ nước gần 17%). Khi mật đủ đặc, chúng sẽ đóng những lỗ chứa mật bằng một lớp sáp tươi, giúp lỗ sáp trở thành một lọ mật tí hon.

Ước tính một con ong trung bình có thể tạo ra 55 - 91kg mật trong một năm. Người nông dân sẽ kích thích cho ong sản xuất dư thừa lượng mật trong tổ để có thể thu thập mà không gây hại cho đàn.
Trong quá trình đi hút mật, ong còn thu thập cả phấn khi ghé thăm các loài hoa khác nhau. Quá trình đem phấn hoa từ cây này sang cây khác, loài ong cũng giúp thụ phấn cho hoa.
Ong thu thập mật từ nhiều loài hoa, do đó mật của chúng sẽ có hàng trăm loại, có màu sắc, mùi và vị khác nhau. Một số loại mật ong còn dùng làm thuốc.

Công dụng của mật ong

Mật ong có rất nhiều tác dụng khác nhau, vừa bồi bổ sức khỏe vừa kết hợp chữa nhiều bệnh: Chữa ho khan, ho đờm, tăng cường trí nhớ nhờ chất acetylcholine, ngăn ngừa trào ngược dạ dày thực quản, làm dịu bệnh trĩ, nâng cao hiệu quả chữa lành vết thương, chữa bỏng...

Lưu ý khi sử dụng mật ong cho các đối tượng khác nhau

Phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ nếu dùng mật ong có thể gây kích thích co tử cung, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Người bị rối loạn chức năng đường ruột nếu sử dụng mật ong có thể gây các chứng đi ngoài hoặc táo bón. Người bị huyết áp thấp sử dụng mật ong có chất acetylcholine có thể gây giảm huyết áp. Người bệnh tiểu đường dùng nhiều mật ong làm tăng đường huyết...

Quan tâm bảo đảm chất lượng mật ong

- Nên lựa chọn mật ong nguyên chất, cơ sở phân phối uy tín.
- Không dùng mật ong trong nhiệt độ cao, điều này có khả năng khiến mật ong biến chất.

- Tuyệt đối không được sử dụng mật ong có dấu hiệu hư hỏng, không còn mùi thơm của mật ong, có mùi chua, hôi hắc, hoặc sủi bọt, đổi màu. Bởi khi đó, thành phần của mật bị biến chất, phá hủy. Nếu sử dụng dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, với các biểu hiện như khàn tiếng, nôn mửa, đau bụng, váng đầu.

- Không sử dụng đồng thời mật ong với các loại thuốc đặc trị, đặc biệt là thuốc tránh thai, thuốc hạ đường huyết... Việc sử dụng thuốc cùng mật ong có thể gây ra một số trường hợp tương tác xấu và làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cách bảo quản mật ong

- Mật ong để được bao lâu?
Trung bình mật ong chỉ nên sử dụng trong vòng từ 1- 2 năm kể từ khi khai thác. Với các loại mật ong không rõ ngày lấy mật thì bạn không nên mua nhiều và cần sử dụng nhanh, không dự trữ lâu để tránh mật ong bị hư hỏng.

- Mật ong nên đựng vào chai, lọ, bình thủy tinh.
- Bảo quản mật ong ở nhiệt độ bao nhiêu?

Tránh ánh sáng và nên để ở nhiệt độ mật ong là từ 21 - 27 độ C, vì thế việc để mật ong trong bếp sẽ nhanh hỏng, để tủ lạnh là không nên vì sẽ làm mật ong cô đặc và sau đó là kết tủa thành đường. Không để mật ong gần những nơi có mùi vì khá dễ bị hút mùi từ những vật phẩm khác.

- Hạn chế không khí và nước lọt vào lọ mật ong.
Nước và không khí là những nguyên nhân gây hư hại mật ong. Trong không khí có nhiều bụi bẩn dễ làm mật ong bị oxy hóa làm biến đổi chất dinh dưỡng vốn có của mật ong. Còn nước thì khi kết hợp với mật ong trong thời gian nhất định sẽ làm lên men, hỏng mật.

Cách chọn và thử mật ong tốt

- Mật ong tự nhiên lấy từ trong rừng là mật tốt nhất, tuy nhiên ngày nay kỹ thuật nuôi ong phát triển cho nên nếu ong nuôi ở vùng có nhiều hoa tự nhiên và thời gian chờ thu mật đủ ngày, lấy mật đúng kỹ thuật và vệ sinh thì vẫn cho mật ong có chất lượng tốt.

- Quan sát mật có màu vàng đượm đồng nhất, mùi thơm đặc trưng của mật ong, mật có độ đặc sánh... nếm thấy ngon thơm là được.

- Cách tốt nhất là lấy một cốc nước lọc nguội, nhỏ vài giọt mật ong vào đó, quan sát thấy các giọt mật cuộn tròn và từ từ rơi xuống đáy cốc, không bị tan ra, thì đó là mật ong tốt. Nếu giọt mật biến dạng méo mó, tan nhanh thì đó là mật kém chất lượng hoặc là mật  không tốt.

Bác sĩ Bùi vũ khúc



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày