Thứ 3, 21/01/2025, 09:24[GMT+7]

Giá trị của bào chế thuốc chữa bệnh theo đông y nên biết để bào chế thảo dược, chữa bệnh tại nhà

Thứ 4, 31/08/2022 | 10:22:22
3,419 lượt xem
Bào chế thuốc có nghĩa là chế biến, làm biến đổi thiên tính (tính chất tự nhiên) của dược liệu thành những vị thuốc theo yêu cầu của việc phòng và chữa bệnh.

Bào có nghĩa là dùng sức nóng để làm thay đổi lý tính và dược tính của dược liệu, cho ra những vị thuốc nhằm phục vụ điều trị bệnh. Chế có nghĩa là dùng công phu thay đổi hình dạng và tính chất của dược liệu cho ra những vị thuốc để phục vụ điều trị bệnh. Thực tế, người làm bào chế thuốc trong đông y cũng giống như người đầu bếp, nếu chế biến giỏi sẽ đem lại các món ăn ngon, thơm, hợp khẩu vị, dễ ăn và giàu dinh dưỡng, mang lại sức khỏe cho con người.

Chữa bệnh theo đông y muốn có hiệu quả thì nhất thiết phải kết hợp 3 thành tố quan trọng là: khám bệnh, kê đơn và bào chế thuốc tốt.

1. Khám và chẩn đoán đúng bệnh
Thầy thuốc giỏi là phải giỏi cả vọng, văn, vấn, thiết (nhìn, nghe, hỏi và bắt mạch - kể cả là kết hợp sờ, ngửi, nếm...).

2. Kê đơn thuốc chuẩn

Thầy thuốc giỏi là phải biết chọn các vị thuốc chuẩn, định lượng vị thuốc tương ứng, phối hợp các vị thuốc một cách tài tình, kê đơn thuốc đúng với bệnh đã được khám và chẩn đoán.

3. Bào chế thuốc đúng quy cách và hướng dẫn cách sắc thuốc, cách uống thuốc thật tỉ mỉ cho bệnh nhân
Thầy thuốc giỏi là phải biết bào chế thuốc đúng quy cách, phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể. Chính vì vậy mà lương y Trần Gia Mô (đời nhà Minh) có câu nói nổi tiếng: “Bào chế thuốc cốt là ở chỗ vừa chừng, nếu non quá thì kém kiến hiệu, nếu già quá thì mất khí vị”; điều này muốn khẳng định rằng: bệnh gì, vị thuốc nào, sao tẩm ra làm sao, liều lượng bao nhiêu, sắc thuốc và uống thuốc như thế nào, người thầy thuốc phải làm đúng, làm đủ, làm thật cặn kẽ, tỉ mỉ, thả tâm hồn của thầy thuốc vào từng vị thuốc, từng thang thuốc cho từng người bệnh.

Cũng chính từ điều này muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Nếu có bệnh cần phải đến thầy thuốc đông y thì nhất thiết phải tìm đến những thầy thuốc giỏi, có kinh nghiệm, có lương tâm mà chữa bệnh. Thầy thuốc chỉ cần sơ ý một chút, chỉ cần đại khái qua loa một chút, hoặc thiếu lương tâm một chút, vì lợi nhuận mà dùng thuốc kém chất lượng, thuốc tẩm hóa chất bảo quản độc hại là đã đi xa hàng dặm rồi.

4. Bào chế cây, lá thuốc đơn giản, chữa bệnh tại nhà
- Nếu là thầy thuốc đông y thì sẽ có vô số cách bào chế dược liệu để cho ra các vị thuốc với tính dược khác nhau, có thể ở dạng thuốc cao, dạng thuốc viên, dạng thuốc bột, dạng thuốc sắc, dạng thuốc bôi, đắp... nhằm mục đích chữa các bệnh khác nhau.

- Tuy nhiên, với tinh thần “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn”, thông qua tìm hiểu sách báo, chúng ta có thể tự bào chế ngay từ những cây, cỏ, dược liệu có trong vườn nhà thành những vị thuốc chữa một số bệnh thông thường, đem lại hiệu quả bất ngờ.

- Nhiều khi ta biết được tác dụng của các cây, lá, củ, hoa, quả thảo dược dùng để chữa bệnh này, bệnh kia; tuy nhiên, cách bào chế như thế nào để cho ra các vị thuốc nhằm đem lại công hiệu chữa bệnh tốt nhất thì chúng ta lại chưa rõ. Xin giới thiệu một số nguyên tắc chung đơn giản nhất khi sao cây, lá, hoa, củ, quả thảo dược để dùng tại nhà như một vị thuốc.

- Có rất nhiều loại cây lá, hoa, củ, quả thảo dược, chúng ta có thể dùng tươi để chữa bệnh nhưng nhiều khi chúng ta cần chuyển thành dạng khô nhằm làm tăng tác dụng, nhằm tích trữ lâu dài và tiện vận chuyển từ vùng này tới vùng khác không có các vị thuốc đó.

+ Dùng tươi:
Tùy từng loại thảo dược chúng ta có thể bào chế đơn giản bằng cách: chọn hái, rửa sạch rồi ăn tươi trực tiếp, hoặc nấu thành nước uống, hoặc xay giã, vắt lấy nước uống, đắp bã lên da hoặc đắp lên vùng tổn thương (ví dụ: lá tía tô, lá diếp cá, lá bồ công anh, lá rau ngót, gừng, tỏi, nghệ, hoa hòe...). Tất nhiên là phải dùng với liều lượng phù hợp đối với từng loại thảo dược, cho từng loại bệnh.

+ Dùng khô:
Chúng ta có thể bào chế đơn giản bằng cách: chọn hái thảo dược rửa sạch, cắt đoạn ngắn, nếu là củ quả thì thái lát sau đó phơi héo qua từ 1 - 2 nắng, tiếp tục đem bỏ vào chảo sao nhỏ lửa, đảo đều cho thấu lửa, khi thảo dược chuyển sang màu sậm là được, đừng sao non lửa quá mà cũng không để cháy, rồi hạ thổ từ 10 - 15 phút (úp xuống đất đậy kín bằng vung hoặc chậu nhôm) sau đó đem phơi hong trong bóng râm hoặc dưới nắng dịu, chờ tới khi khô kiệt thì đựng vào túi giấy bên trong, ngoài bọc 1 lần túi ni lon kín, nếu có nhiều thì chia ra làm nhiều túi nhỏ, dùng tới đâu lấy tới đó, tránh bị ẩm mốc. Dùng với liều lượng phù hợp đối với từng loại thảo dược, cho từng loại bệnh.

- Lưu ý:
+ Bài viết này chỉ cho chúng ta góc nhìn khái quát về bào chế thuốc và  hướng dẫn cách sao đơn giản đối với một số cây lá thảo dược thường dùng trong vườn nhà.

+ Tất cả các loại dược liệu khi dùng phải tuân thủ liều lượng theo quy định, nếu là dược liệu tươi thì lượng dùng nhiều hơn, nếu là dược liệu khô thì lượng dùng ít hơn (khi dùng phải theo chỉ dẫn và tư vấn của các lương y hoặc các bác sĩ đông y).

- Các cây, lá thảo dược khi đã sao và phơi khô thì khó phân biệt, cho nên khi bào chế xong cho vào túi cần ghi tên loại thảo dược ở ngoài bao bì để tránh nhầm lẫn khi dùng.

- Thảo dược khô để lâu rất hay bị mốc, mọt, vì vậy cần bảo quản nơi khô ráo, thỉnh thoảng đem phơi nắng lại, nếu đã bị mốc thì bỏ đi không dùng.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày