Thứ 4, 24/04/2024, 15:29[GMT+7]

Để dùng thuốc hạ sốt giảm đau an toàn

Thứ 2, 10/10/2022 | 08:08:23
4,948 lượt xem

NÓI CHUNG VỀ THUỐC HẠ SỐT GIẢM ĐAU (PARACETAMOL)
Có rất nhiều loại thuốc hạ sốt giảm đau, đông y có, tây y có, đông tây y kết hợp cũng có. Bài viết này nói về thuốc hạ sốt, giảm đau có chứa Paracetamol.

Chắc hẳn trong mỗi gia đình chúng ta đều có dự trữ đề phòng một vài vỉ thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol (còn có tên là Acetaminophen) hoặc các thuốc có tên gọi như Panadol, Pamin, Hapacol, siro uống hạ sốt giảm đau, gói bột pha uống hạ sốt, giảm đau, viên sủi Efferalgan, cũng có thể là viên thuốc hạ sốt giảm đau đặt tại hậu môn...

Những loại thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường nói trên hầu hết đều có thành phần Paracetamol ở trong đó.
Thuốc được khuyến cáo để điều trị hầu hết các triệu chứng đau từ nhẹ đến vừa và hạ sốt, ví dụ như: đau đầu, đau nửa đầu, đau lưng, đau răng, đau khớp, đau bụng kinh, giảm các triệu chứng sốt, đau nhức mình mẩy, đau mỏi thường gặp ở cảm lạnh, cảm cúm và đau họng...

Tùy theo hãng sản xuất thuốc khác nhau mà người ta có thể chế thêm một số thành phần dược phẩm khác vào cùng với Paracetamol để phối hợp tác dụng, làm tăng tác dụng và từ đó lấy tên thuốc khác nhau.

Những loại thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nói trên, về cơ bản là dễ dùng, khá an toàn, có thể tự dùng nếu đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và dùng theo kinh nghiệm.

NHỮNG ĐIỀU CẦN QUAN TÂM KHI DÙNG THUỐC HẠ SỐT GIẢM ĐAU (có PARACETAMOL)
1) Không được dùng thuốc giảm đau, hạ sốt (Paracetamol) để tự điều trị giảm đau kéo dài quá 10 ngày đối với người lớn và quá 5 ngày đối với trẻ em (trừ khi có hướng dẫn của bác sĩ), vì đau kéo dài như vậy có thể là tình trạng bệnh lý nguy hiểm khác, cần phải được khám chẩn đoán nguyên nhân để điều trị kịp thời.

2) Không được tự ý dùng thuốc hạ sốt giảm đau (có Paracetmol) để điều trị cho người lớn và trẻ em sốt cao trên 39,5oC, sốt cao kéo dài trên 3 ngày hoặc sốt tái phát (trừ khi do bác sĩ hướng dẫn); bởi vì sốt cao trên 39,5oC để kéo dài sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh (đặc biệt là trẻ em) và có thể đó là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm khác cần phải đưa đến cơ sở y tế khám chẩn đoán và điều trị kịp thời.

3) Vì có nhiều loại thuốc hạ sốt giảm đau có tên gọi khác nhau nhưng lại có cùng thành phần là Paracetamol, bởi vậy khi dùng phối hợp các thuốc hạ sốt, giảm đau, cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tính toán lượng Paracetamol tương ứng, tránh dùng quá liều gây nguy hiểm.

4) Thận trọng khi dùng thuốc hạ sốt giảm đau (Paracetamol) đối với các đối tượng như: người mẫn cảm, dị ứng với Paracetamol; người có mắc các bệnh về gan thận (viêm gan, suy gan, xơ gan, suy thận, viêm cầu thận...); người nghiện rượu bia hoặc thường xuyên sử dụng các chất gây nghiện, gây kích thích. Phụ nữ có thai, đang cho con bú nên tham khảo tư vấn bác sĩ trước khi dùng.

5) Sự khác nhau giữa thuốc Panadol đỏ và thuốc Panadol-Extra xanh.
- Panadol xanh là ở vỉ ngoài của thuốc có màu xanh và ghi tên Panadol, dạng viên nén hàm lượng 500mg có thành phần chính là Paracetamol, đó là một chất hạ sốt, giảm đau.

- Panadol đỏ là ở vỉ ngoài của thuốc có màu đỏ và ghi tên là Panadol-Extra
Trong khi đó, Panadol-Extra (Panadol đỏ) ngoài thành phần Paracetamol còn chứa thêm thành phần caffeine (chất có trong cà phê) là một chất tăng cường tác dụng giảm đau của Paracetamol đồng thời giúp làm hưng phấn tỉnh táo, tập trung hơn khi mệt mỏi.

- Về mặt sử dụng, ngoài những lưu ý chung giống như khi dùng thuốc Panadol xanh, người sử dụng thuốc Panadol-Extra đỏ cũng cần chú ý, trong quá trình dùng thuốc, nên tránh dùng quá nhiều đồ uống có caffeine (ví dụ như cà phê, trà, bánh kẹo và một số đồ uống đóng hộp khác có chứa cafein). Vì nếu dùng như vậy sẽ gây ra các tác dụng phụ do quá liều caffeine như mất ngủ, thao thức, lo lắng, cáu kỉnh, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, hồi hộp...

Đối với phụ nữ mang thai, không khuyến nghị dùng thuốc Panadol-Extra trong thời kỳ mang thai vì chất caffeine có khả năng làm tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên, do liên quan tới việc tích lũy caffeine trong cơ thể.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc