Thứ 5, 09/05/2024, 00:38[GMT+7]

Những bài thuốc quý chữa bệnh từ khế

Thứ 2, 17/10/2022 | 08:27:51
5,268 lượt xem
Theo đông y, khế còn có tên gọi khác là ngũ liễm tử. Quả khế có vị chua và ngọt, lá khế, hoa khế và rễ khế có vị đắng và chát, tính bình, không độc. Khế có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải dị ứng, lợi tiểu...

Bên cạnh đó, khế còn có khả năng khử phong tán hàn, giải uế, thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, đặc biệt là ở vùng cổ họng. Khế có tác dụng làm dịu nhanh tình trạng đau rát cổ họng, kháng viêm, kháng khuẩn, long đờm, hạ sốt, giảm ngứa họng và cắt giảm cơn ho.

Ngoài ra, trong múi khế còn chứa nhiều chất xơ, hàm lượng acid oxalic cùng các yếu tố vi lượng như Ca, Fe, Na và khế có nhiều vitamin C, A, B1, B2, B5, B9...

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, kể cả đông y và tây y đã đưa ra khá nhiều công dụng chữa bệnh từ quả khế, lá khế, hoa khế, vỏ rễ cây khế, dùng chữa các bệnh thông thường như: cảm nắng, đau đầu, chữa ho, đau họng, chữa lở sơn, ngứa, dị ứng mày đay, chữa lở loét, mụn nhọt, bí tiểu, giảm cân, tiểu đường, tốt cho tim mạch...

MỘT SỐ BÀI THUỐC CHỮA BỆNH TỪ KHẾ

Bài 1. Chữa cảm cúm, viêm họng, ho có đờm dính tắc ở cổ
Cách 1: Lá khế tươi một nắm rửa sạch, tráng qua nước sôi nguội, cho thêm vài hạt muối, 3 lát gừng, đem giã nát hoặc xay sinh tố vắt nước cốt, mỗi lần ngậm một ít vào trong miệng và nuốt dần dần vào cổ họng, ngày ngậm nhiều lần. Dùng từ 5 - 7 ngày liền.

Cách 2:  Hoa khế nhặt và rửa sạch, sao qua, sau đó tẩm nước gừng rồi lại đem sao tiếp, cho vào lọ để dùng dần trong một đợt.  Mỗi ngày lấy 1 nhúm hoa khế đã sao (khoảng 20g) cho thêm vào vài lát cam thảo, đổ 2 bát nước, sắc nhỏ lửa khi cạn còn lại lưng bát thì gạn bỏ bã, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 1 tuần.

Cách 3: Lấy từ 2 - 3 quả khế cùng với 3 lát gừng tươi, đem gói vào lá chuối tươi rồi nướng, hoặc nếu không có lá chuối thì lấy mấy tờ giấy trắng xấp nước cho thật ướt rồi gói chặt vào quả khế cùng lát gừng, đem nướng hoặc đốt trên bếp ga cho đến khi khế chín. Lấy khế và gừng đã nướng bỏ vào ép lấy nước. Uống mỗi lần một ngụm nhỏ, ngậm lâu trong miệng và nuốt dần, ngày ngậm nuốt như vậy nhiều lần, dùng từ 5 - 7 ngày ngày liền.

Bài 2. Chữa cảm nắng, cảm sốt, nhức đầu, đi tiểu ít

Cách 1: Lá khế tươi một nắm (khoảng 100g) rửa sạch sao thơm, nấu với 3 bát nước, khi cạn còn 1 bát, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Dùng trong một vài ngày, khi thấy hết các triệu chứng trên thì dừng.

Cách 2: Lá khế tươi một nắm (khoảng 100g), 10 lá chanh tươi to (khoảng 30g), hai thứ rửa thật sạch, giã nát, thêm chút nước sôi nguội rồi vắt lấy nước chia uống  2 - 3 lần trong ngày, uống trước bữa ăn. Dùng trong một vài ngày, khi thấy hết các triệu chứng trên thì dừng.

Bài 3. Chữa đái rắt, đái buốt

Cách 1: Lá khế tươi một nắm (khoảng 100g), rễ cỏ tranh tươi 50g rửa sạch sao thơm. Nấu với 3 bát nước đun đến khi cạn còn 1 bát gạn bỏ bã, uống lúc còn ấm, chia uống 2 lần trong ngày. Uống liên tục 7 - 10 ngày, nếu không hết triệu chứng đái rắt, đái buốt thì nên đi khám kiểm tra.

Cách 2: Lá khế tươi một nắm (khoảng 100g), cây bông mã đề tươi 1 nắm (khoảng 100g), hai thứ rửa thật sạch, giã nát, vắt lấy nước chia uống  2 - 3 lần trong ngày, uống trước bữa ăn. Uống liên tục 7 - 10 ngày.

Bài 4. Chữa ngứa, lở loét, mày đay, dị ứng lâu ngày không khỏi

Cách 1: Lá khế tươi một nắm (khoảng 100g), cây bông mã đề tươi 1 nắm (khoảng 100g), lá bồ công anh tươi một nắm (khoảng 100g), ba thứ rửa thật sạch, giã nát hoặc xay sinh tố, cho thêm 2 cốc nước sôi nguội, vắt lấy nước, thêm chút đường cho dễ uống, chia đều uống  2 - 3 lần trong ngày, uống trước bữa ăn. Lấy một phần lá trên đã giã nát đắp lên chỗ ngứa và chỗ lở loét trong vòng 30 - 40 phút. Làm liên tục hàng ngày cho tới khi hết các triệu chứng thì thôi (nếu không có các loại lá khác phối hợp thì chỉ dùng lá khế cũng được).Đồng thời, cũng 3 loại lá trên, mỗi thứ một nắm rửa sạch, đun nước tắm hàng ngày.

Cách 2: Quả khế, mỗi lần 2 quả rửa sạch, cắt bỏ đầu, cắt nhỏ cho thêm vài hạt muối trắng ép hoặc xay sinh tố vắt lọc lấy 1 cốc nước uống. Ngày uống từ 2 - 3 lần, uống liên tục tù 3 - 4 tuần (Lưu ý: nếu uống vào thấy đau bụng, đau dạ dày thì dừng không nên uống tiếp). Đồng thời, tắm nước nấu lá khế hàng ngày.

LƯU Ý KHI DÙNG KHẾ CHỮA BỆNH

1) Khế ngọt và khế chua đều có thể dùng được nhưng dùng khế chua sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
2) Dùng quả khế chữa bệnh thì nên dùng liều lượng vừa phải như hướng dẫn, nếu thấy hiện tượng đau bụng, đau dạ dày thì dừng không nên cố uống.

3) Khi dùng lá khế phải lựa chọn nhặt sạch cẩn thận, vì lá khế hay có những con bọ nẹt màu xanh bám trên lá khế rất khó phát hiện.

4) Dùng kiên trì thì mới có tác dụng, vì các bài thuốc đông y tác dụng chậm, đem lại hiệu quả từ từ chứ không có tác dụng khỏi bệnh nhanh như thuốc tây nhưng đem lại kết quả ổn định lâu dài.

5) Các bệnh ngứa, lở loét, dị ứng mề đay cần phải tìm nguyên nhân gây bệnh để loại trừ các nguyên nhân đó, kết hợp với việc dùng các bài thuốc từ khế sẽ cho tác dụng khỏi bệnh tốt hơn.

Bác sĩ: Bùi Vũ Khúc