Thứ 6, 19/04/2024, 17:10[GMT+7]

Bệnh đại tràng: Khi nào cần nội soi để tầm soát ung thư?

Thứ 2, 07/11/2022 | 08:43:47
6,742 lượt xem

Ảnh minh họa.

Quá trình chu chuyển thức ăn qua đại tràng như thế nào?
Đồ ăn thức uống qua miệng, vào dạ dày được nghiền nhuyễn, chưng ủ rồi đổ qua tá tràng để nhận các chất men tiêu hóa từ tụy, từ mật hòa quyện vào, rồi chảy xuống ruột non.

Tại ruột non chất dinh dưỡng (cốc tinh) được thẩm thấu vào máu rồi đi nuôi cơ thể. Chất cặn bã (chất trọc) được đẩy xuống ruột già.

Tại đại tràng, ruột già sẽ lọc hút nước từ chất cặn bã, tạo thành phân rồi đẩy dần xuống hậu môn.

Đại tràng làm việc cật lực không ngừng nghỉ, trong điều kiện môi trường yếm khí, có nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng hoạt động nên dễ bị viêm nhiễm và kích thích...

Đại tràng gồm những bộ phận nào?
Đại tràng có độ dài khoảng 1,5 mét và kích thước khác nhau ở mỗi người. Đại tràng gồm 3 phần chính là: manh tràng, kết tràng và trực tràng. Đại tràng nối với ruột non tại ranh giới giữa manh tràng và kết tràng.

Manh tràng: Có hình dạng giống như một cái túi, nằm ngay phía dưới khu vực hỗng tràng, từ ruột non đổ vào ruột già. Đầu túi manh tràng bịt kín, ở đó có một đoạn ngắn hình giun gọi là ruột thừa, nằm ở hố chậu bên phải.

Kết tràng: Là một phần của đại tràng, được chia thành 4 đoạn: kết tràng lên (bắt đầu từ manh tràng), kết tràng ngang, kết tràng xuống và kết tràng xích ma (nối với trực tràng).

Trực tràng: Là một ống thẳng, dài khoảng 15cm nối từ đại tràng xích ma và kết thúc ở hậu môn, có nhiệm vụ đào thải phân ra ngoài cơ thể.

Các bệnh ở đại tràng
* Viêm đại tràng: là bệnh lý phổ biến hiện nay, đó cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh lý nguy hiểm khác ở đại tràng như polyp đại tràng, ung thư đại tràng, ung thư đại trực tràng.

Viêm đại tràng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Viêm đại tràng co thắt còn gọi là hội chứng ruột kích thích.

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng như: Do vi khuẩn, vi rút hoặc nhiễm ký sinh trùng (giun, sán, Amibe); chế độ ăn uống không điều độ kéo dài hoặc các thức ăn gây kích thích như rượu, bia, chất cay nóng, làm tổn thương niêm mạc ruột; bị táo bón kéo dài gây tổn thương thành đại tràng...

* Bệnh Crohn (là một bệnh làm tổn thương ruột không rõ nguyên nhân).

* Ung thư đại tràng: Bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu phát hiện sớm, điều trị tích cực sẽ cho kết quả tốt.

Theo dõi bệnh đại tràng như thế nào?
* Theo dõi đau bụng: Đau ở các vị trí tương ứng dọc theo khung đại tràng, hay đau ở hố chậu phải và trái: thường là đau âm ỉ, đau văn vẳn, đau quặn, đau kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần.

* Theo dõi phân:
- Phân tốt là đại tràng khỏe: phân tốt là phân thành khuôn, mềm nhuyễn, mùi thối, màu vàng hơi xậm, dễ đi ngoài.

- Phân xấu là đại tràng bệnh: phân xấu là phân có một trong những sự bất thường như: phân nát, phân lỏng, có nhày mũi, có máu, màu đen, nhợt màu, mùi khắm, mùi chua, mùi tanh, đi ngoài ra ít phân và kéo dài như đuôi lươn, phân táo rắn như cứt dê...

Nội soi đại tràng khi nào?
Nội soi đại tràng là tiêu chuẩn vàng, giúp tầm soát, chẩn đoán sớm để điều trị kịp thời và có hiệu quả các bệnh lý đại tràng, loại bỏ sớm các nguy cơ gây ung thư đại tràng.

Tất cả những trường hợp đau bụng và đi ngoài có phân bất thường như mô tả ở trên, kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, nếu điều trị hết liệu trình theo chỉ định của bác sĩ mà không khỏi thì nên đi nội soi kiểm tra đại tràng.

Theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa thì mọi người dân trên 45 tuổi nên ít nhất nội soi đại tràng 1 lần để tầm soát ung thư.

* Khoảng cách giữa các lần nội soi là bao lâu?
- Đối với người bình thường (chưa từng có bệnh lý về đại tràng) thì từ 45 tuổi trở lên nên nội soi đại tràng để tầm soát ung thư sớm.

- Nếu soi đại tràng hoàn toàn bình thường, không có polyp thì sau 10 năm mới phải soi lại. Thời gian lý tưởng nhất là từ 5 - 10 năm nội soi 1 lần.

- Người có tiền sử bệnh lý liên quan đến đại tràng hoặc tiền sử gia đình có bố mẹ, anh, chị em ruột và con cái đã bị ung thư đại tràng, cần soi đại tràng 3 năm/lần.

- Những người bị viêm loét đại tràng chảy máu hoặc bị bệnh Crohn thì cần soi đại tràng từ 1 - 2 năm/lần.

- Người có polyp đại tràng, thời gian lý tưởng để nội soi là 3 - 5 năm/lần để tầm soát bệnh (vì thông thường thì sau 5 - 10 năm một polyp đại tràng có thể tiến triển thành ung thư).

Tuy nhiên, nếu phát hiện polyp trong quá trình nội soi, căn cứ vào kết quả sinh thiết, bác sĩ sẽ chỉ định lại thời gian nội soi, có thể là 6 tháng/lần hoặc từ 1 - 2 năm/lần.

- Đối với bệnh nhân ung thư đại tràng mà trước khi mổ đã được nội soi đại tràng toàn bộ thì thời gian lý tưởng để nội soi tiếp theo là thời điểm 1 năm, 3 năm, 5 năm sau khi được phẫu thuật.

- Đối với bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc các bệnh như viêm đại tràng mạn tính hay viêm đại tràng mức độ nặng hơn, người bệnh đang trong quá trình điều trị thì thời gian lý tưởng để nội soi tầm soát là 2 lần/năm. Tuy nhiên, thời điểm này có thể thay đổi căn cứ vào tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ để có phác đồ điều trị thích hợp.

Thực tế có nhiều người đi nội soi và phát hiện sớm ung thư đại tràng, được bệnh viện phẫu thuật cắt đoạn ruột, loại bỏ nguyên nhân gây ung thư và phối hợp điều trị tích cực nên bệnh nhân đều ổn định, sức khỏe tốt.

Nội soi đại tràng có thể gây ra tai biến trong quá trình thực hiện thủ thuật như: phản ứng thuốc gây mê hoặc tai biến thủng ruột do nguyên nhân ruột bị viêm nhiễm lâu ngày làm cho thành ruột mòn mỏng dễ bị thủng trong khi nội soi... Vì vây, nên chủ động đến các bệnh viện tuyến trên, có đủ các điều kiện tốt để làm thủ thuật nội soi đại tràng sẽ an toàn hơn và nếu có tai biến xảy ra thì điều kiện xử lý cũng bảo đảm tốt hơn.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc