Thứ 3, 29/04/2025, 11:21[GMT+7]

Phòng và chữa trị các chứng bệnh về Mồ hôi

Thứ 2, 26/12/2022 | 07:46:45
5,659 lượt xem

I/ MỒ HÔI

Mỗi chúng ta trong cuộc sống ai cũng phải làm việc đổ mồ hôi sôi nước mắt thì mới có được miếng cơm manh áo, ai cũng có lúc toát mồ hôi vì gặp phải những tình huống rủi ro bất lợi, hoặc đôi khi bệnh mồ hôi đã làm ta mất đi sự tự tin và khó chịu...

1) Mồ hôi là gì?

Mồ hôi là chất lỏng được tiết ra bởi tuyến mồ hôi, được tiết qua da. Ở người hiện tượng đổ mồ hôi là một phương thức điều hòa nhiệt độ. Khi cơ thể cảm thấy quá nóng, cơ thể bắt đầu tiết mồ hôi để làm mát, thúc đẩy quá trình điều hòa lại nhiệt độ cơ thể.  

2) Tuyến mồ hôi

Là cấu trúc hình ống nhỏ của da có công dụng sản xuất ra mồ hôi. Tuyến mồ hôi là tuyến ngoại tiết, sản xuất và tiết ra các chất trên bề mặt biểu mô bằng ống dẫn.

3) Thành phần chủ yếu của mồ hôi là: nước (98%) và một số khoáng chất khác như: Natri 0,9 gram/lít; Kali 0,2 gram/lít; Canxi 0,015 gram/lít; Magiê 0,0013 gram/lít.

Một số nguyên tố vi lượng khác cũng được bài tiết qua mồ hôi như: Kẽm 0,4 miligam/lít; Đồng 0,3 0,8 miligam/lít; Sắt 1 miligam/lít; Crom 0,1 miligam/lít; Iken 0,05 miligam/lít; Chì 0,05 miligam/lít.

4) Tổng thể tích mồ hôi: sản xuất phụ thuộc vào số lượng tuyến mồ hôi và kích thước của bề mặt da. Mức độ hoạt động bài tiết được điều chỉnh bởi các cơ chế thần kinh và nội tiết tố (nam giới thường đổ mồ hôi nhiều hơn phụ nữ). Khi tất cả các tuyến mồ hôi hoạt động ở công suất tối đa, thể tích mồ hôi có thể đạt đến 3 lít mỗi giờ và có thể dẫn đến mất nước và điện giải. Điều này có thể dẫn đến một số rối loạn và nguy hiểm nhất định.

5) Một số tuyến mồ hôi chính trong cơ thể

Có hai loại tuyến mồ hôi được công nhận là Eccrine và Apocrine.

5.1. Tuyến mồ hôi Eccrine:

Có ở khắp mọi nơi trên cơ thể, ngoại trừ ở môi và ở một số nơi trên bộ phận sinh dục. Các tuyến mồ hôi Eccrine có ba chức năng chính:

- Điều chỉnh nhiệt: Mồ hôi có tác dụng làm mát bề mặt da và làm giảm nhiệt độ cơ thể.

- Tác dụng bài tiết: Giúp cơ thể bài tiết nước và chất điện giải.

- Tác dụng bảo vệ: Tuyến mồ hôi Eccrine có thể bảo tồn lớp phủ axit của da, giúp bảo vệ da khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và các sinh vật gây bệnh.

5.2. Tuyến mồ hôi Apocrine

Các tuyến mồ hôi Apocrine được tìm thấy ở nách, quầng vú, ở giữa hậu môn và bộ phận sinh dục, bên trong tai và trong mí mắt. Tuyến mồ hôi Apocrine thường nằm sâu ở dưới biểu bì da và phát triển ở tuổi dậy thì. Trước tuổi dậy thì, tuyến mồ hôi Apocrine không hoạt động, khi đến tuổi dậy thì, sự thay đổi nội tiết tố khiến các tuyến Apocrine tăng kích thước và bắt đầu tạo ra mồ hôi. Các chất được tiết ra bởi tuyến Apocrine dày hơn mồ hôi thuộc tuyến Eccrine. Tuyến Apocrine tiết ra có mang theo cả chất dinh dưỡng, do vậy tạo môi trường cho vi khuẩn trên da hoạt động và gây ra mùi cơ thể, mùi hôi nách và hôi chân. Các tuyến mồ hôi Apocrine hoạt động mạnh mẽ nhất trong thời gian căng thẳng, stress và trong khi hoạt động tình dục.

Tuyến mồ hôi Apocrine chứa các hợp chất giống Pheromone để thu hút các thể khác giới đồng loại. Do đó, đối với một số người, mồ hôi Apocrine có thể dẫn đến sự quyến rũ và sự hưng phấn tình dục.

5.3. Ngoài 2 loại tuyến mồ hôi nói trên vẫn còn một loại tuyến mồ hôi chưa được phân loại, gọi chung là Apoeccrine. Các tuyến này lớn hơn Eccrine nhưng nhỏ hơn các tuyến Apocrine. Phần bài tiết của các tuyến này hẹp và hoạt động tương tự như các tuyến Eccrine.

6. Một số thông tin cần biết về mồ hôi

- Các yếu tố kích thích tuyến mồ hôi gồm:

+ Nhiệt độ: Khi nhiệt độ trung bình của cơ thể tăng lên, tuyến mồ hôi hoạt động mạnh để làm mát cơ thể.

+ Tâm trạng: Khi căng thẳng, lo lắng, sợ hãi và đau đớn có thể làm cơ thể tăng tiết mồ hôi. Đổ mồ hôi do cảm xúc có thể xảy ra ở bất cứ đâu nhưng thường phổ biến ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và vùng nách.

+ Thức ăn: Một số loại thực phẩm có thể dẫn đến tăng tiết mồ hôi và mồ hôi có mùi. Thức ăn nóng và cay cũng dẫn đến đổ mồ hôi nhẹ ở mặt, da đầu và cổ. Ăn các thức ăn có mùi như tỏi, tanh, gây thì mồ hôi cũng có mùi đặc trưng các đồ ăn như vậy.

98% của mồ hôi là nước và mô hôi tinh khiết thì không có mùi. Do đó, mùi cơ thể thường là sự kết hợp giữa mồ hôi Apocrine và vi khuẩn phân hủy mồ hôi thành các axit béo (có thể hôi hoặc thơm).
Bản chất của mồ hôi là không có mùi nhưng vi khuẩn hoạt động trong mồ hôi có thể tạo ra mùi hoặc gây nên bệnh hôi nách, hôi chân.

Một chế độ ăn nhiều các loại thức ăn chứa nhiều lưu huỳnh như cải, bắp cải, bông cải xanh, mầm cải có thể dẫn đến sự thay đổi của mùi cơ thể.

II/ CÁC CHỨNG BỆNH VỀ MỒ HÔI

- Mỗi ngày ở một người lớn tiết ra trung bình khoảng 1 lít mồ hôi, do vậy nếu cơ thể tiết ra quá nhiều hoặc không tiết mồ hôi, hoặc ra mồ hôi trộm, hoặc mồ hôi có mùi khó chịu như hôi nách, hôi chân... thì đó là thuộc các chứng bệnh về mồ hôi.

- Bệnh tự hãn: Nếu không hoạt động gắng sức, trời không nóng bức, mà cơ thể vẫn tự tiết ra quá nhiều mồ hôi thì đông y gọi đó là bệnh tự hãn. Phần lớn là do cơ thể suy nhược, sau khi ốm nặng hoặc ốm lâu ngày, phụ nữ sau sinh đẻ... dẫn tới tình trạng dương khí suy kém, dịch thể hao tốn nhiều, phế khí bất cố, khiến mồ hôi dễ ra và ra nhiều.

- Bệnh vô hãn: Nếu không ra được mồ hôi, đặc biệt là lúc có cảm sốt mà cơ thể không có mồ  hôi  thì đông y gọi là bệnh vô hãn. Do dương khí không đầy đủ, tân dịch không đầy đủ, hoặc tà bệnh xâm nhập cơ thể gây rồi loạn.

- Bệnh đạo hãn: Khi ngủ mà tự ra nhiều mồ hôi thì đông y gọi đó là bệnh đạo hãn (mồ hôi trộm). Phần lớn là do lao lực quá độ, dịch thể hư tốn nhiều dẫn đến phần âm suy kém, hư nhiệt phát sinh làm tình trạng vã mồ hôi khi ngủ.

- Ngoài ra còn các bệnh về mồ hôi khác như: hôi nách, hôi chân, hoàng hãn (mồ hôi vàng...).

III/ PHÒNG VÀ CHỮA CÁC CHỨNG BỆNH VỀ MỒ HÔI

1) Nói chung các chứng bệnh mồ hôi về nguyên nhân sâu xa đều do chính khí hư suy, dương khí hư tổn, tân dịch không đầy đủ... làm mất cân bằng âm dương, tạng phủ, biểu lý, hàn nhiệt... mà gây ra.

2) Chính vì vậy, để chữa tận gốc các chứng bệnh về mồ hôi, cần đến các thầy thuốc đông y để chẩn trị cho đúng và mang lại hiệu quả. Ngày nay ngành y học cổ truyền đã phát triển đạt trình độ cao, cả về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh và các thủ thuật độc đáo như châm cứu, lý liệu pháp xoa bóp bấm huyệt... rất có giá trị.

3) Phòng bệnh: Cần ăn uống đầy đủ, duy trì tập luyện thân thể thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống.

4) Những bệnh hôi nách, hôi chân thì việc khử mùi hôi tốt nhất là lau rửa thường xuyên, lau khô và có thể lăn nhẹ lọ lăn nách để hạn chế vi khuẩn hoạt động sẽ giảm bớt mùi hôi. Với chân cần ngâm chân mỗi ngày với nước muối hoặc thuốc ngâm chân, lau khô và để thoáng.

Bác sĩ: Bùi vũ khúc



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày