Thứ 2, 18/11/2024, 16:13[GMT+7]

Vị thuốc từ bưởi và những lưu ý khi ăn bưởi

Thứ 2, 02/01/2023 | 12:50:30
13,157 lượt xem

Bưởi có là vị thuốc hay không?

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi giới thiệu trong cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” thì bưởi có nhiều bộ phận được sử dụng làm thuốc đó là: lá, vỏ, múi và hạt bưởi.

Trong bưởi chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe. Bưởi nghèo calo nhưng lại chứa hàm lượng lớn chất xơ và vitamin C, vitamin A cùng nhiều khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Thường xuyên ăn bưởi sẽ giúp giảm cân, giảm mỡ máu chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể chống lại stress, các bệnh liên quan với hen suyễn và viêm khớp...

Theo đông y và từ kinh nghiệm dân gian đã dùng bưởi như là những vị thuốc chủ trị các bệnh: xông cảm mạo, trị các bệnh về đường tiêu hóa, ăn uống khó tiêu, ho đờm, phù thũng, bệnh tiểu đường, mỡ máu, giảm cân, giảm béo...

Dùng bưởi chữa bệnh như thế nào?

Bưởi có lợi cho sức khỏe và dùng bưởi để hỗ trợ chữa nhiều bệnh khác nhau. Bài viết này chỉ tổng hợp, nghiên cứu và giới thiệu một số cách chữa bệnh cụ thể từ bưởi:

1. Chữa viêm loét dạ dày hành tá tràng

Hạt bưởi để cả vỏ cứng 100g, rửa sạch cho vào cốc thủy tinh to, rót 200ml nước sôi, đậy kín, ủ nóng trong 2 - 3 giờ. Vỏ hạt bưởi sẽ tiết ra chất nhầy làm cho cốc nước đặc sánh, gạn bỏ hạt uống nước đó sau các bữa ăn 2 giờ. Uống liên tục hàng ngày khi hết đau thì thôi.

Chất nhầy vỏ hạt bưởi là chất pectin, có tác dụng như chất gell bao bọc vết loét, tác dụng giảm đau và cầm máu, giúp làm lành vết loét.

2. Chữa nôn ọe ở phụ nữ có thai

Bưởi ngon 6 - 7 quả, bóc múi bỏ hạt, ép lấy nước, đun nhỏ lửa cho sôi, thêm vào 500g mật ong, 100g đường kính, 10ml nước ép gừng tươi, đun thành dạng sền sệt rồi cho vào lọ dùng dần. Mỗi lần một thìa canh pha với nước sôi ấm, ngày uống 2 lần. Và lúc có nôn ọe thì ngậm một chút và nuốt dần.

3. Chữa đầy bụng, ăn uống không tiêu, đau bụng

Vỏ bưởi khô sao vàng thơm 12g, vỏ quýt sao thơm 12g, gừng tươi 3 lát. Tất cả sắc với 300ml nước lấy 100ml, chia làm 2 lần uống nóng trong ngày.

4. Chữa ho nhiều, đờm khí nghịch lên cổ

Bóc lấy múi tép bưởi 100g, rượu gạo 15ml, mật ong 30ml, chưng cách thủy cho chín nhừ, chia ra ngậm và ăn vài lần trong ngày.

Khi nào không nên ăn bưởi?

1. Không nên ăn bưởi vào lúc đói. Vì bưởi cho ít calo mà lại nhiều a-xít, ăn bưởi lúc đói sẽ gây hại cho dạ dày.

2. Không ăn bưởi khi bị tiêu chảy, tiêu hóa kém. Theo đông y, bưởi là hoa quả có tính lạnh đặc biệt khắc với những người bị tiêu chảy, kiết lỵ, phân nhày, hệ tiêu hóa kém. Chua lạnh sẽ càng làm cho tình trạng đường tiêu hóa khó khăn thêm.

3. Không ăn bưởi khi đang sử dụng thuốc sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Đặc biệt là đang dùng các thuốc chống dị ứng có thể gây đau đầu, tim đập nhanh... gây nguy hiểm.

4. Không ăn bưởi khi bị suy thận. Vì bưởi là loại trái cây giàu kali, mà bệnh nhân suy thận, nếu không kiểm soát lượng kali ăn vào thì dễ xảy ra hiện tượng kali máu tăng cao, bệnh nhân có thể bị loạn nhịp tim.

5. Không ăn bưởi khi đang uống thuốc tránh thai. Vì chất tự nhiên có trong bưởi là furanocoumarin có thể tương tác với thuốc tránh thai dẫn đến làm mất tác dụng của thuốc và có thể vẫn thụ thai ngoài ý muốn.

6. Không nên ăn bưởi khi đang dùng thuốc hạ huyết áp. Vì bản thân bưởi cũng có tác dụng hạ huyết áp; nếu ăn nhiều bưởi cùng lúc uống thuốc hạ huyết áp khiến huyết áp giảm đột ngột, gây đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

7. Không ăn bưởi khi uống thuốc hạ mỡ máu nhóm statin. Vì nước bưởi có chứa một chất có thể liên kết với các enzyme phá vỡ statin trong hệ thống tiêu hóa, làm mất tác dụng của thuốc.

8. Người bị bệnh gan nói chung không nên ăn bưởi. Vì bưởi có chứa một hoạt chất có khả năng ức chế một loại enzyme trong đường ruột khiến quá trình chuyển hóa bình thường bị xáo trộn, ảnh hưởng đến quá trình giải độc gan, làm rối loạn chức năng gan và gây ra các phản ứng bất lợi khác, thậm chí gây ngộ độc.

9. Không ăn bưởi cùng với cua. Nếu ăn nhiều bưởi cùng lúc với cua thì dạ dày sẽ bị kích thích, gây đau bụng và nôn mửa.

Bác sĩ  Bùi vũ khúc



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày