Thứ 7, 27/04/2024, 08:32[GMT+7]

Cà phê và sức khỏe

Thứ 2, 16/01/2023 | 10:52:50
5,466 lượt xem

Ảnh minh họa.

(Tiếp theo và hết)

* Ảnh hưởng tới gan:
Theo nghiên cứu của Viện quốc gia về tiểu đường, tiêu hóa và thận: với một lượng cà phê vừa phải có thể giúp giải độc gan. Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều cà phê sẽ gây ra tác dụng ngược lại, gây trở ngại đến chức năng gan.

* Tăng nguy cơ gây loãng xương:
Uống cà phê có chứa caffeine có thể làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, dẫn đến suy yếu xương. Nếu bạn bị loãng xương thì nên hạn chế tiêu thụ cà phê.

* Tác hại của cà phê với phụ nữ mang thai:
Cà phê có thể an toàn cho phụ nữ mang thai nếu uống 1 tách cà phê mỗi ngày hoặc ít hơn. Tuy nhiên, uống nhiều hơn sẽ không tốt cho thai nhi, có thể tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, bé sinh ra nhẹ cân, dị tật.

3) Lưu ý khi uống cà phê
Nhằm phát huy các lợi ích mà cà phê mang lại, bạn nên lưu ý một số vấn đề khi sử dụng loại đồ uống này như sau:
* Không uống cà phê quá nhiều với nồng độ quá đặc.

* Việc lạm dụng cà phê để cải thiện tinh thần tỉnh táo khi làm việc và học tập, tưởng chừng như có lợi nhưng nếu duy trì thói quen này sẽ gây hại cho sức khỏe.

* Việc dùng cà phê đậm đặc sẽ làm cho tim đập nhanh và huyết áp cao bất thường, kèm theo nhiều triệu chứng như bất an, chân tay run, bồn chồn, bủn rủn...

* Không cho quá nhiều đường, sữa vào cà phê.

Thêm nhiều đường sữa vào cà phê sẽ cải thiện được độ đắng và hợp khẩu vị hơn, nhưng cần hạn chế.
Đường sẽ kích thích sự hoạt động của insulin, khiến hàm lượng đường trong máu tăng lên và làm rối loạn chuyển hóa trao đổi đường diễn ra trong cơ thể.

* Không uống rượu sau khi uống cà phê.
Rượu và cà phê đều là những đồ uống có chất kích thích khiến cho não bị tác động rất nhiều, có thể gây ức chế thần kinh, kích thích sự giãn nở của huyết quản và làm tăng quá trình tuần hoàn máu.

Kết quả của việc uống rượu sau khi uống cà phê sẽ làm cho tim hoạt động mệt hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe.

4) Những đối tượng cần tránh và hạn chế uống cà phê
* Những người bị bệnh tim, như loạn nhịp tim nên tránh bởi lẽ:
Ngoài việc kích thích hệ thần kinh, trí não thì caffeine cũng kích thích cả hoạt động của hệ tim mạch, gây rối loạn hoạt động của cơ quan này. Nó có thể gây tăng huyết áp và tăng nhịp tim tạm thời.
Những người đang mắc các vấn đề về tim mạch nên nói chuyện với bác sĩ để biết được hàm lượng cà phê nên uống bao nhiêu là an toàn.

* Người đang cho con bú nên tránh cà phê:
Vì caffeine là một chất kích thích và lợi tiểu, nên mối quan tâm là một người mẹ đang cho con bú có thể có nguy cơ bị mất nước.

Bên cạnh đó, chất caffeine trong cà phê có thể thông qua máu đi vào sữa mẹ. Do chức năng tim và chức năng bài tiết của thận ở trẻ còn khá yếu, cho nên khi trẻ bú sữa mẹ có caffein sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Hiệp hội mang thai Mỹ đề nghị người mẹ tránh caffeine càng nhiều càng tốt trong thời kỳ mang thai và cho con bú.

* Với người bị tiêu chảy:
Vì caffeine là một chất lợi tiểu sẽ kích thích đi tiểu nhiều, gây mất nước. Đối với người bị tiêu chảy, mất nước là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, người đang mắc vấn đề về tiêu chảy cần tuyệt đối không uống cà phê để bảo đảm sức khỏe.

* Người có mức độ lo lắng cao:
Caffeine là một chất kích thích, có thể làm trầm trọng thêm sự lo lắng ở một số người. Nếu bạn thường xuyên trải qua các cơn lo lắng hoặc hoảng sợ, bạn có thể cân nhắc việc tránh dùng hoặc giảm lượng cà phê có chứa caffeine của mình.

* Trẻ em dưới 12 tuổi:
Mặc dù caffeine có thể khiến bất kỳ ai trong chúng ta hơi bồn chồn nhưng nó có thể gây ra nhiều tác dụng phụ đáng chú ý hơn và thậm chí nghiêm trọng hơn ở trẻ em.

Trẻ em tiêu thụ nhiều caffeine có thể dẫn đến tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo lắng, khó tập trung và đau bụng.

* Cà phê có tính axit khá cao, do đó có thể làm hỏng men răng và tăng nguy cơ sâu răng.

* Người bị trào ngược dạ dày thực quản:
Caffeine có thể nới lỏng cơ vòng thực quản dưới, là van giữa thực quản và dạ dày. Điều này có thể khiến các chất axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây nóng rát cổ, khó chịu hoặc bỏng thực quản.

Nếu bạn bị trào ngược dạ dày thực quản, hãy xem việc chuyển sang dùng loại cà phê đã khử caffeine như cà phê decaf hoặc có thể bỏ cà phê hoàn toàn.

Hãy tự điều chỉnh lượng dùng cà phê phù hợp cho bản thân.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc