Thứ 5, 28/03/2024, 21:01[GMT+7]

Tâm lý ngại đi khám bệnh nếu bạn thay đổi sẽ rất có ích

Thứ 6, 27/01/2023 | 09:06:11
5,054 lượt xem

1. Những điều đơn giản về bệnh tật đối với cuộc sống con người

* Cuộc sống đầy áp lực như hiện nay, tâm lý số người ngại đến bệnh viện khám bệnh là không ít, có rất nhiều lý do khiến bạn rùi rắng, chần chừ. Cứ như vậy ngày tháng trôi qua, bệnh tình tích tụ và cuối cùng khi đến viện thì bệnh đã trở nặng rồi.

* Bệnh tật diễn ra trong cơ thể con người, chẳng khác nào như 1 củ khoai nhím, ban đầu nó chỉ là 1 nốt sần nho nhỏ, sau cứ thối dần, ruỗng dần và lan rộng; hoặc giống như con đập bị rò rỉ nước, cứ thấm cứ chảy cho tới khi vỡ bờ lúc nào không hay.

* Bệnh tật cũng như vậy, ban đầu chỉ là sơ là nhẹ, ho cũng mới là hơi thúng thắng, đau cũng phảng phất mơ hồ, sốt cũng chỉ là hâm hấp... hoặc nếu là bệnh tiểu đường, huyết áp, hay kể cả ung thư thì ban đầu chưa hề có biểu hiện gì đáng kể, nó cứ thầm lặng cho tới một khi thấy mệt, thấy đau, hoặc ngất xỉu, hoặc di căn đa phủ tạng, khối u to rõ mới nhận thấy.

* Y học thì chia ra 4 giai đoạn của bệnh đó là: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và cuối cùng là lui bệnh. Nếu ta tầm soát được trước hoặc trong thời kỳ ủ bệnh thì rất có giá trị cho việc phòng và chữa bệnh mang lại hiệu quả khả quan.

2. Tâm lý đi khám bệnh

* Thường thì bạn chỉ đi khám bệnh khi thấy có dấu hiệu bất thường làm bạn sợ, hoặc không chịu được nữa, đó là lúc bệnh đã nặng rồi.

* Khá nhiều người không chủ động đi khám bệnh định kỳ, khi cơ thể tưởng như đang bình thường, nhưng thực tế đôi khi không phải như vậy, vẫn có thể mắc bệnh tiềm ẩn và bệnh đang ủ ở bên trong.

* Đến bệnh viện khám bệnh, nếu không quen biết thì bạn có cảm giác đúng như chim chích vào rừng, chẳng biết đường nào mà lần, nên bạn rất ngại đến bệnh viện.

* Tâm lý sợ rằng đi khám bệnh sẽ tốn nhiều tiền cũng là một trở ngại lớn.

* Thực tế điều kiện khám bệnh bảo hiểm y tế hiện nay cũng chưa đáp ứng theo mong muốn nguyện vọng của người bệnh. Nhiều người có triệu chứng biểu hiện, nhưng nếu như chỉ khám thông thường sẽ không tìm ra bệnh. Một số trường hợp tìm ra bệnh phải điều trị, nhưng thuốc men thiếu thốn, bệnh tình không khỏi nên làm cho bạn mất niềm tin...

3. Lời khuyên bạn cần thay đổi điều gì?

* Bạn nên đi khám bệnh sớm khi có các triệu chứng nghi ngờ, kể cả khi các triệu chứng còn rất nhẹ.

* Bạn cần khám sức khỏe định kỳ, kể cả khi không có triệu chứng bệnh.

* Có thể khám định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, tùy điều kiện của từng người.

* Trong cuộc sống, bạn nên kết giao với ít nhất một bác sĩ để khi cần thì xin tư vấn. Bác sĩ sẽ giúp bạn định hướng khi nào thì cần đi khám bệnh, nên đến khoa nào, bệnh viện nào để khám và điều trị cho đúng bệnh. Ngoài ra bác sĩ còn giúp bạn nhiều điều bổ ích khác.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc