Thứ 6, 26/04/2024, 23:39[GMT+7]

Tại sao đau viêm loét dạ dày lại hay bị tái phát?

Thứ 6, 03/03/2023 | 16:48:48
2,924 lượt xem

Các triệu chứng của đau viêm loét dạ dày. Ảnh minh họa

1. Hiểu một cách đơn giản về viêm loét dạ dày

- Viêm loét dạ dày là một vết thương, giống như vết trầy xước da ở tay hoặc chân vậy. Nếu bị trầy xước da tay, chân mà ta không cầm máu, không băng lại, không kiêng, không giữ vệ sinh, vẫn cứ làm việc, vô tình va chạm vào vết thương, lại làm đau, lại chảy máu tái phát, rất lâu lành; ở vết loét dạ dày cũng như thế.

- Viêm loét dạ dày là hậu quả của sự mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ dạ dày (lớp chất nhày cùng với lớp niêm mạc dạ dày) và các yếu tố tấn công vào niêm mạc dạ dày như: vi khuẩn HP, dịch a xít, men tiêu hóa...
Vì vậy, cứ khi nào hiện tượng mất cân bằng đó diễn ra kéo dài lại làm cho niêm mạc dạ dày trở nên viêm loét và đau tái phát.

- Viêm loét dạ dày là hậu quả của việc ăn uống tùy tiện, xô bồ, không vệ sinh, không khoa học (kể cả uống thuốc chữa bệnh).

2. Nguyên nhân viêm loét dạ dày tái phát

2.1. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP)

Vi khuẩn HP là thủ phạm gây viêm loét dạ dày. Có tới 80% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày là do nhiễm vi khuẩn HP. Nếu sau khi điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân bị tái nhiễm vi khuẩn HP thì viêm loét dạ dày sẽ dễ tái phát.

Các nguyên nhân gây tái nhiễm HP gồm:

- Lây nhiễm HP do thói quen ăn chung, uống chung: vì vi khuẩn HP có khả năng lây nhiễm cao qua đường miệng - miệng. HP tồn tại trong thức ăn, nước uống, khoang miệng của người mang mầm bệnh. Trong khi đó, người Việt Nam có thói quen ăn, uống chung nên có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP rất cao. Khi HP đã đi vào cơ thể, nguy cơ tái phát viêm loét dạ dày là rất cao.

- Lây nhiễm HP do điều kiện vệ sinh kém: Vi khuẩn HP có thể theo phân ra ngoài môi trường. Với người có thói quen ăn đồ sống, không rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn HP xâm nhập, là nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày tái đi tái lại nhiều lần.

2.2. Bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị

- Có rất nhiều người bệnh viêm loét dạ dày thường không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, hay bỏ dở giữa chừng khi thấy triệu chứng thuyên giảm, hoặc tự ý mua thuốc để trị bệnh.

- Trong khi đó, nếu sử dụng thuốc kháng sinh không đúng phác đồ thì có thể khiến vết loét dạ dày nặng hơn, có thể vi khuẩn HP kháng thuốc kháng sinh, dẫn tới khó điều trị dứt điểm và bệnh dễ tái phát.

2.3. Lối sống ăn uống, sinh hoạt tùy tiện không khoa học: như ăn nhiều chất chua, cay; ăn uống không đúng giờ; nhịn đói, uống nhiều rượu bia; chất kích thích, làm việc căng thẳng, stress,... là nguyên nhân khiến viêm loét dạ dày hay bị tái phát.

3. Phòng và hạn chế tái phát đau loét dạ dày

Dạ dày đau viêm loét tái phát là điều có thể xảy ra, kể cả ngay sau khi đã điều trị bệnh. Nếu ta biết phòng và điều trị đúng thì sẽ hạn chế bệnh tái phát.

3.1. Điều quan trọng nhất là phát hiện viêm loét dạ dày từ sớm, điều trị sớm, điều trị đúng hướng và tích cực.

3.2. Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày cần tuân thủ 5 từ khóa vàng sau đây:

CHU - HỆ - KẾ - KIÊN - TRUNG, có nghĩa là:
- CHU là chu đáo
- HỆ là hệ thống
- KẾ là kế hoạch
- KIÊN là kiên trì
- TRUNG là trung thực
Điều trị đau viêm loét dạ dày cần thực hiện một cách chu đáo, hệ thống, kế hoạch, kiên trì, trung thực.

3.3. Trong quá trình đang điều trị đau viêm loét dạ dày, không được dừng thuốc giữa chừng khi vừa mới thấy đỡ hoặc hết đau, mà phải dùng thuốc đủ và hết liều thuốc theo đơn đã kê của bác sĩ.

Sau mỗi đợt điều trị dù chưa khỏi hay đã khỏi, vẫn nên gặp lại và xin lời khuyên tư vấn của bác sĩ điều trị.

3.4. Người hay đau viêm loét dạ dày nên kiêng hoặc hạn chế tối đa ăn uống các đồ sau:

- Tỏi và hành sống, hạt tiêu bắc, riềng sả ớt...

- Các loại quả chua, đồ muối chua và ủ cho lên men (chanh, cam, bưởi, khế, cóc..., dưa chua, măng chua, nem chua, mẻ, dấm chua...).

- Các đồ uống có ga có cồn, chè đặc, cà phê...

3.5. Người đau viêm loét dạ dày không nên để dạ dày trống rỗng lâu (không nên nhịn đói lâu). Tạo thói quen nhai kỹ đồ ăn, hạn chế ăn các đồ dai, rắn khó tiêu.

3.6. Cảnh giác với một số loại thuốc tây có tác dụng phụ gây kích ứng niêm mạc dạ dày như (Coticoid, thuốc hạ sốt giảm đau, thuốc mỡ máu...).

Bác sĩ thường kê đơn những thuốc trên kèm theo các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày (mặc dù trong thời gian đó bệnh nhân không có đau viêm loét dạ dày). Vì thế chúng ta cần tuân thủ uống đủ các loại thuốc đã chỉ định theo đơn của bác sĩ.

3.7. Xả stress và hóa giải các bức xúc trong cuộc sống.

Một trong những nguyên nhân gây đau viêm loét dạ dày là yếu tố thần kinh căng thẳng thường xuyên và kéo dài.

Vì thế ta không nên tích tụ lâu ngày, cần phải giải tỏa, xả sớm cho hết những điều buồn bực khó chịu trong tất cả các mối quan hệ: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, xã hội, đó là liều thuốc tốt để phòng bệnh đau viêm loét dạ dày.

3.8. Kinh nghiệm đông y cho thấy nếu dùng thường xuyên một số lá thảo dược nấu uống hàng ngày thay cho nước chè, sẽ có tác dụng tốt phòng và làm giảm thiểu đau viêm loét dạ dày. Có nhiều loại lá nhưng tốt nhất và an toàn nhất là chè dây và lá khôi.

Bác sĩ  Bùi vũ khúc