Thứ 7, 03/05/2025, 11:10[GMT+7]

Nhu cầu và mong muốn - Bao nhiêu là đủ? Yêu cầu cơ bản - Đủ là bao nhiêu? Chỉ cần vừa đủ là khỏe và hạnh phúc rồi

Thứ 6, 12/05/2023 | 18:51:42
3,214 lượt xem
Nhu cầu và mong muốn của con người thì vô tận, nhưng thực tế yêu cầu cơ bản của con người cũng chỉ cần ở một mức độ nhất định. Ta hãy trân trọng tuân thủ những điều cơ bản đó ắt là sẽ mạnh khỏe.

Ảnh minh họa.

A/ Bàn luận về nhu cầu và yêu cầu cuộc sống đối với sức khỏe con người.
1) Nhu cầu và mong muốn.
- Khi ta đói thì muốn được no, no rồi muốn ngon, ngon rồi lại muốn sơn hào hải vị, muốn xài của độc lạ quý hiếm...
- Khi túng thiếu ta muốn có 1 đồng, có rồi ta ham muốn 1 tỷ đồng, rồi trăm tỷ, ngàn tỷ, càng nhiều càng ít...
- Khi ta vô gia cư thì mong có 1 căn phòng dù chật hẹp, có rồi thì ta mong có cả một căn nhà to rộng, rồi lại muốn có thêm ngôi nhà thứ 2, thứ 3, thứ n... càng nhiều càng tốt, đất càng rộng càng hay.
- Khi ta còn là người cần lao, thì ta muốn có vị trí, có chức sắc, đầu tiên là be bé, rồi to hơn, rồi muốn thống lĩnh...
- Khi ta còn sống thì ta đã lo chết phải có chỗ chôn, xây mồ tôn mả, có người thì mong được vài mét vuông, rồi cũng có người mong có hàng vài héc ta, chuyện này đã có ngay từ thời phong kiến... Mục đích cũng chỉ là để chôn xác hoặc chôn tro cốt mà thôi.
- Còn hằng hà sa số các nhu cầu và mong muốn khác trong cuộc sống như: tửu, sắc, cờ, bạc, ngao du...
- Ta đã có ít thì muốn có nhiều, nhiều rồi thì lại muốn thêm nữa, cho con ta, cháu, chắt, chút, chít ta và cả những người thân, họ hàng, thông gia, liên gia của ta nữa...
- Mong muốn là rất đời và rất thực, tuy nhiên mong muốn đó còn phải thuận theo quy luật tự nhiên, mong muốn còn phải chịu sự chế ngự của pháp luật và mong muốn cũng cần tuân thủ theo khoa học về nhu cầu cơ bản của con người...

2) Yêu cầu cơ bản.
a- Về ăn uống:
Khoa học đã chứng minh: Một người trưởng thành có cơ thể trung bình và làm việc bình thường thì nam giới chỉ cần 2.500 calo/24 giờ, và nữ giới cần 2.000 calo/24 giờ.
Đồ ăn uống thì chủ yếu là chất đường, bột, chất đạm, chất béo, rau củ quả và vitamin, khoáng chất.
Nếu có ăn vào quá lượng, quá chất thì rồi cũng trở thành cặn bã để tống ra ngoài, hoặc nếu tích lũy vào cơ thể quá mức rồi cũng sinh ra bệnh tật mà thôi, đủ các thứ bệnh khiến ta đau đầu như (tiểu đường, mỡ máu, gút, cao huyết áp, tai biến, đột quỵ, suy tim, suy thận, đau suốt từ đầu, từ răng đến bao tử, đại tràng và đau tới thận, hậu môn, đế gót...).

b- Về tiền của, vật chất, nhà cửa, đất đai, chức tước, quyền lực...
- Nếu ít quá, nhỏ quá thì buồn thì khổ, nhưng nhiều quá, to quá mà không đường đường chính chính, không vô tư trong sáng thì phỏng có sướng được chăng? điều gì sẽ làm tổn hại đến sức khỏe?
Bị ganh ghét ư?
Bị nhòm ngó ư?
Bị kiện cáo ư?
Bị đe dọa ư?
Bị dằn vặt ư?
Bị lừa gạt ư?
Bị tịch thu ư?
Bị sa đọa ư?
- Đất cũng chỉ ở 1 thửa, nhà cũng chỉ ở 1 căn, 1 căn cũng chỉ ở 1 phòng, 1 phòng cũng chỉ nằm 1 giường...
- Mồ mả vài héc ta để mà làm gì, ắt sẽ phải thuê người trông coi, để hoang hóa, lãng phí...
Nằm dưới nấm mồ còn lo chuyện vi phạm luật đất đai, sợ kiện tụng, sợ đào mồ lật mả, sợ bị thu hồi, chết mà như vậy hỏi nào đã được mồ yên mả đẹp? Đến ma cũng phải sinh bệnh chứ đâu được khỏe ma như người mong muốn?
* Như vậy: Tất cả đều được quy về dạng tham mà khổ, đã khổ thì hỏi rằng có khỏe được chăng?

B/ Bàn luận về đủ và vừa chừng - gắn liền với sức khỏe.
1) Biết đủ
- “Biết đủ” khiến con người bình tĩnh hơn, an nhiên, lạc quan và đàng hoàng hơn. Người biết đủ sẽ phân biệt được rõ điều gì nên làm thì làm, điều gì không nên làm thì dừng lại. Sự khác biệt giữa họ chính là hạn độ, đó là sự đúng mực, là trí tuệ. Người biết đủ họ không dễ phạm phải lỗi lầm và đánh mất lương tâm.
- “Biết đủ” là một loại cảnh giới. Người biết đủ sẽ luôn mỉm cười đối mặt với cuộc sống. Trong mắt của người biết đủ sẽ không có điều gì là không thể giải quyết được trên thế gian này. Bởi vì họ sẽ luôn vì chính bản thân mình mà tìm kiếm một cách giải quyết phù hợp nhất, an toàn nhất và tốt đẹp nhất.
- “Biết đủ” là một loại rộng lượng. Lòng rộng lượng có thể dung nạp được đối tác, đối phương, cho nên trong mắt người biết đủ, mọi sự tranh giành và đòi hỏi quá mức sẽ là không cần thiết. Cũng chính bởi vì thế mà tâm lý của người biết đủ luôn có sự cân bằng, họ luôn thấy đủ và thỏa mãn.
- “Biết đủ” còn là một loại khoan dung. Khoan dung đối với người khác, khoan dung đối với xã hội, khoan dung với chính mình, như vậy mới có được một không gian sinh tồn bao la rộng lớn. Chính vì thế mà cổ nhân luôn dạy: “Thấy đủ thường vui!”.

2) Vừa chừng
- Trong giới đông y, ông tổ của nghề bào chế thuốc là Trần Gia Mô đã có câu nói nổi tiếng “Bào chế cốt là ở chỗ vừa chừng. Nếu non quá thì kém kiến hiệu, mà già quá thì mất khí vị”.
- Cuộc đời cũng như vậy, nếu ai muốn bình an thì khôn nhất là biết đủ và chọn lấy hai chữ vừa chừng. Đừng để cuộc đời mất đi khí vị, khí chất và cũng đừng để cuộc sống kém đi kiến hiệu, kém đi cái thi vị đẹp đến vừa chừng.
* TÓM LẠI: Cuộc đời mỗi con người, nếu ai biết đủ, biết vừa chừng thì đó là người mạnh khỏe và hạnh phúc nhất.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày