Thứ 7, 23/11/2024, 08:19[GMT+7]

Khoai lang - Thực phẩm hỗ trợ đắc lực cho bệnh táo bón và bệnh tiểu đường tuýp II

Thứ 6, 23/06/2023 | 14:36:50
4,591 lượt xem
Nói đến khoai lang, nhiều bạn nghĩ rằng: khoai lang thì ai mà chả biết, quan trọng gì đâu mà phải nói lắm. Ấy thế mà sau khi đọc xong bài viết này sẽ làm bạn đổi chiều suy nghĩ. Đôi khi ta chỉ ăn rau khoai lang như một món rau đổi bữa, hoặc thỉnh thoảng luộc nồi khoai ăn cho vui, chứ chưa hẳn đã nhiều bạn biết dùng khoai lang đến nơi đến chốn để mà phòng và chữa bệnh. Khoai lang có thể dùng để chữa nhiều bệnh khác nhau, nhưng ở bài viết này xin giới thiệu tác dụng của khoai lang với 2 bệnh táo bón và bệnh tiểu đường tuýp 2.

KHOAI LANG
Là một loại rau củ phổ biến trong đời sống kể cả nông thôn và thành thị.Theo đông y, rau và củ khoai lang đều có vị ngọt, tính bình; vào kinh tỳ, vị và đại tràng.

Công dụng:
Củ khoai có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, sáng mắt. Nó được dùng chữa vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú, phụ nữ kinh nguyệt không đều (dùng trước kỳ kinh), nam giới di tinh, trẻ em cam tích, lỵ.

Rau khoai lang bổ cơ thể, ích khí lực, kiện tỳ vị, bổ thận âm, dùng chữa tỳ hư, kém ăn, thận âm bất túc.
Khoai lang kể cả củ và rau đều có tác dụng nhuận tràng, làm cho phân mềm thành khuôn, phòng chữa táo bón và bệnh trĩ rất tốt.

KHOAI LANG VỚI BỆNH TÁO BÓN, BỆNH TRĨ
Kể cả rau khoai và củ khoai lang đều có chứa nhiều chất xơ, kết hợp với chất nhớt, tính mềm nhuyễn có trong rau và củ khoai lang, giúp tác dụng nhuận tràng được phát huy tốt trong lòng đại tràng, trực tràng và hậu môn. Kết quả của việc ăn rau và củ khoai lang thường xuyên sẽ giúp phòng, chống được táo bón và cả bệnh trĩ.

Cách dùng:
Khi nào bạn thấy bị táo bón, kể cả phân rắn như quả táo hoặc là phân khô rắn ở đầu bãi, khó đi ngoài lúc ban đầu, tức là khi đó cơ thể bạn đã có biểu hiện bị nhiệt (nóng); cũng có thể bạn bị bệnh trĩ kèm theo... Khi đó bạn nên ăn rau khoai lang luộc với lượng 100 - 150g rau khoai lang luộc mỗi bữa, ngày chỉ nên ăn 1 bữa, ăn liên tục từ 5 - 7 ngày liền cho tới khi hết táo bón thì dừng.

Bạn kết hợp ăn củ khoai lang luộc vào những bữa không ăn rau khoai lang trong ngày. Ăn khoai luộc ngày 1 - 2 bữa, mỗi bữa 1 củ nhỏ, khoảng 100 - 150g; ăn cho tới khi khỏi táo bón, bạn vẫn nên ăn củ khoai lang luộc thường xuyên, giúp cho đại tràng nhu động mềm nhuận, phòng táo bón.

Cách chế biến:
+ Rau khoai lang có thể luộc hoặc xào đổi món.
Nếu luộc, bạn nên luộc 2 lần, lần đầu nhúng rau qua nước sôi rồi vớt ra ngay, đổ nước đi, cho nước mới vào đun sôi rồi thả rau vào luộc tiếp cho tới khi chín kỹ. Nước rau luộc lần 2 dùng để ăn cả nước rất tốt.
Nếu xào, cũng luộc nhanh qua nước sôi rồi cho rau vào xào (lưu ý chỉ cho 1 chút tỏi cho thơm, vì cho nhiều tỏi ăn sẽ bị nhiệt).
+ Củ khoai nên rửa sạch, để cả vỏ, luộc kỹ sẽ có tác dụng chữa bệnh tốt hơn so với luộc chín tới.

KHOAI LANG VỚI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
* Rau khoai lang:
Theo nghiên cứu khoa học cho thấy, trong ngọn dây khoai lang nói chung (khoai lang đỏ sẽ tốt hơn) có chứa một chất gần giống insulin, do đó người bị tiểu đường có thể dùng rau khoai lang như là một thực phẩm hỗ trợ bệnh đái tháo đường.

Cách dùng: người bệnh tiểu đường nên ăn rau khoai lang luộc mỗi tuần vài bữa sẽ tốt hơn cho bệnh tiểu đường. Mỗi bữa cũng chỉ nên ăn từ 100 - 150g rau lang luộc, hạn chế ăn rau lang xào. Cách chế biến như đã nêu ở phần trên.

* Củ khoai lang:
- Khoai lang có lượng calo thấp và góp phần làm cho chỉ số đường huyết thấp hơn, vì vậy người bệnh đái tháo đường có thể ăn khoai thay thế cho 1 phần cơm trắng (100g cơm trắng cho 130 calo, trong khi đó 100g khoai lang luộc chỉ cho 86 calo, bên cạnh đó khoai có nhiều chất xơ hơn). Do đó, người bệnh đái tháo đường cần phải chọn thực phẩm phù hợp để kiểm soát đường huyết. Lựa chọn khoai lang vào bữa ăn là sự lựa chọn tốt cho người bệnh tiểu đường.

- Các loại khoai lang nên lựa chọn:
+ Khoai lang tím: Có vỏ và ruột đều màu tím. Ngoài các chất dinh dưỡng, khoai lang tím còn chứa anthocyanin có tác dụng tốt trong việc điều hòa lượng đường huyết, cải thiện tình trạng kháng insulin, ngăn béo phì nên người bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể ăn khoai lang tím với lượng thích hợp.
+ Khoai lang cam: Có màu nâu đỏ ở bên ngoài và màu cam ở bên trong. Nhờ hàm lượng chất xơ cao, chỉ số đường thấp nên khoai lang cam dùng tốt cho người bệnh tiểu đường.

* Người bệnh tiểu đường thường có các bệnh khác kèm theo như cao huyết áp, táo bón, mắt kém; vậy nên cần ăn rau và củ khoai lang sẽ hỗ trợ ổn định các bệnh nêu trên.

NHỮNG LƯU Ý
- Kể cả rau và củ khoai lang cần phải được luộc chín kỹ.

- Ăn khoai lang để chữa bệnh thì nên ăn luộc là tốt nhất.

- Khoai rán dễ làm giảm các thành phần chống ôxy hóa của khoai và ngấm nhiều dầu mỡ sẽ không có lợi; khoai nướng làm cô đặc lượng đường, nếu ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.

- Khoai đã bị hà, thối, khoai đã có mầm và vỏ xanh chứa chất độc nên loại bỏ không ăn.

- Không ăn khoai lang với quả hồng, bởi lẽ khi 2 thực phẩm này kết hợp với nhau sẽ thúc đẩy mạnh quá trình lên men dạ dày, tăng acid dịch vị, dẫn đến trào ngược dạ dày, loét bao tử...

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày