Thứ 3, 29/04/2025, 14:30[GMT+7]

Vị thuốc quý từ sen

Thứ 6, 08/09/2023 | 10:28:03
1,144 lượt xem

“Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Quả thực, những  câu ca dao ngợi ca về sen không chỉ đẹp ở hình thức mà còn đẹp cả về giá trị giành tặng cho cuộc sống.

Rất nhiều món ăn bổ dưỡng, thực dưỡng được chế biến từ sen đã có mặt cả ở bữa ăn cung đình và bữa ăn gia đình đều được thể hiện.

Từ xa xưa trong y văn đã đưa tất cả các bộ phận của sen như: lá sen, cuống lá, hoa sen, nhụy sen, hạt sen, tâm sen, đài sen, củ sen, ngó sen vào làm các vị thuốc chữa bệnh.

I. TÊN CÁC VỊ THUỐC TỪ SEN

1. Lá sen (hà diệp, liên diệp):

- Cách bào chế: Lấy lá sen tươi phơi trong bóng râm cho khô hoặc dùng tươi.

- Tính vị: vị đắng chát, tính bình.

- Quy kinh: vào các kinh tâm, tỳ, vị.

- Công dụng: thanh thử thấp, cầm máu.

- Chủ trị: chữa sốt mùa hè, say nắng, tiêu chảy.

- Liều dùng: từ 12 - 20g/ngày, dưới dạng nước ép, hoặc thuốc sắc, hoặc dạng thuốc bột.

2. Nhụy sen (liên tu, tua sen):

- Cách bào chế: nhụy của hoa sen phơi khô.

- Tính vị: ngọt sáp, tính bình.

- Quy kinh: vào 2 kinh tâm và thận.

- Công dụng: thanh tâm, bổ thận sáp tinh.

- Chủ trị: chữa băng lậu, hay quên, cầm máu, di tinh.

- Liều dùng: 5 - 10g/ngày.

3. Ngó sen (liên ngẫu, ngẫu tiết):

- Cách bào chế: ngó sen tươi giã tinh bỏ bã lấy nước cốt.

- Tính vị: vị ngọt, tính mát.

- Quy kinh: vào kinh tâm, can, tỳ.

- Công dụng: lương huyết, cầm máu, thanh tả vị hỏa, tiêu thực, bổ tâm, thanh nhiệt.

- Chủ trị: chữa chảy máu cam, đái ra máu, ỉa ra máu, chữa sản hậu bị tổn thương sau đẻ.

- Liều dùng: 12 - 20g/ngày dưới dạng thuốc sắc hay dùng sống, có thể phơi khô sao thơm để dùng.

4. Đài sen (liên phòng, gương sen):

- Cách bào chế: gương sen già đã lấy bỏ hạt, phơi khô.

- Tính vị: vị đắng, tính chát ôn.

- Quy kinh: vào 2 kinh can, tâm bào.

- Công dụng: tiêu ứ, cầm máu.

- Chủ trị: chữa băng lậu ra máu, đi tiểu ra máu, đẻ xong nhau thai ra chậm.

- Liều dùng: 8 - 12g/ngày.

5. Hạt sen (liên nhục):

- Cách bào chế: hạt sen đã bỏ vỏ cứng.

- Tính vị: ngọt sáp, tính bình.

- Quy kinh: vào 3 kinh tâm, tỳ, thận.

- Công dụng: bổ tâm an thần, ích tỳ sáp trường, cố tinh, sinh dưỡng cơ nhục.

- Chủ trị: các chứng tâm tỳ hư mất ngủ, tâm phiền, tiêu chảy kéo dài, người gầy yếu, cơ bắp teo nhẽo, trẻ em bụng ỏng đít beo…

- Liều dùng: 12 - 20g/ngày.

6. Thạch liên nhục (hạt sen còn nguyên vỏ chưa bóc):

- Cách bào chế: hạt quả sen phơi khô còn cả vỏ cứng, liên nhục và tâm sen.

- Tính vị: tính hơi hàn, vị đắng.

- Quy kinh: vào 2 kinh can, tỳ.

- Công dụng: thanh nhiệt ở tâm vị, sáp tinh, sáp trường chỉ lỵ, thanh tâm hỏa.

- Chủ trị: chữa di tinh, chữa lỵ mãn tính, chứng tâm hỏa gây mất ngủ hoặc tâm hỏa dồn xuống bàng quang gây đái buốt, đái đục.

- Liều dùng: 6 - 12g/ngày.

7. Tâm sen (liên tâm):

- Cách bào chế: là mầm trong hạt sen phơi hay sấy khô.

- Tính vị: vị đắng, tính hàn.

- Quy kinh: vào 2 kinh tâm và thận.

- Công dụng: thanh tâm, an thần trừ phiền.

- Chủ trị: chữa mất ngủ, trấn tâm an thần, giải phiền lao, chữa nói nhảm, di mộng tinh, tăng khí lực.

- Liều dùng: 1 - 3g/ngày.

II. MỘT SỐ BÀI THUỐC CÓ SEN

Có rất nhiều bài thuốc chữa bệnh từ sen, tuy nhiên bài viết này chỉ nêu một số bài thuốc đã được chuyên ngành đông y nghiên cứu ứng dụng và cho hiệu quả khả quan.

1. Chữa tiêu hóa kém ở trẻ em, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, phân sống, gầy yếu, phù thũng, vàng da:

Hạt sen 4g, bạch truật 12g (sao), phục linh 6g, nhân sâm 8g, thục địa 4g, chích thảo (cam thảo sao tẩm mật ong) 3g, gừng nướng 3 lát, táo ta 2 quả. Sắc uống trong ngày.

2. Hỗ trợ chữa sốt xuất huyết:

Lá sen, ngó sen (nếu không có ngó sen thì thay bằng cỏ nhọ nồi), rau má, mỗi vị 30g; bông mã đề 20g. Nếu có xuất huyết, tăng thêm cuống lá sen, ngó sen lên 40g. Sắc uống ngày 1 thang.

3. Thuốc bổ tỳ giúp ăn ngủ ngon, đại tiểu tiện dễ dàng:

- Hạt sen, hà thủ ô đỏ, hoài sơn, ý dĩ, cây râu mèo, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

- Hạt sen 16g, sâm bố chính 12g, hoài sơn 12g. Tán bột hoàn viên với mật ong, uống mỗi ngày 20 - 30g.

4. Chữa suy nhược thần kinh:

Hạt sen, thục địa, hoài sơn, tang ký sinh, hà thủ ô đỏ, quả kim anh, mỗi vị 12g; quy bản, kỷ tử, thỏ ty tử, ngưu tất, đương quy, táo nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

5. Chữa suy nhược cơ thể ở người thiếu máu, phụ nữ sau khi đẻ mất máu:

Hạt sen, sa sâm, mạch môn, kỷ tử, mỗi vị 12g; long nhãn 9g; tâm sen, táo nhân, mỗi vị 8g; đăng tâm 6g. Sắc uống ngày một thang.

6. Chữa rong huyết:

Ngó sen 12g, quy bản 24g, mẫu lệ 20g, sinh địa 16g; hoàng cầm, a giao, sơn chi, địa du, mỗi vị 12g; địa cốt bì 10g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

7. Chữa tiểu tiện ra máu do viêm nhiễm cấp tính đường tiết niệu:

Ngó sen 12g, sinh địa 20g, hoạt thạch 16g; tiểu kế, mộc thông, bồ hoàng sao, đạm trúc diệp, sơn chi, mỗi vị 12g; chích thảo, đương quy, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

8. Chữa chứng hồi hộp, đau lưng mỏi gối, ăn kém, ngủ ít:

Hạt sen 12g; hoài sơn 16g; thục địa 12g; trạch tả, phụ tử chế, táo nhân, mỗi vị 8g; nhục quế 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

9. Chữa khí hư:

Hạt sen, đảng sâm, ý dĩ, khiếm thực, mã đề, mỗi vị 16g, bạch truật, hoài sơn, mỗi vị 12g; trần bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Những bài thuốc trên nếu muốn dùng, nên tìm mua tại những hiệu thuốc đông y có uy tín. Có thể xin tư vấn thêm từ các bác sĩ đông y.

Bác sĩ: Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày