Thứ 7, 23/11/2024, 04:57[GMT+7]

Hiểu rõ về hai lá phổi và bí quyết bảo vệ phổi (Tiếp theo và hết )

Thứ 6, 22/12/2023 | 16:44:09
3,290 lượt xem

Ảnh minh họa.

E/ MỘT SỐ TÁC NHÂN ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHỔI
1) Tuổi tác
Khi già đi, những thay đổi theo tuổi sẽ xảy ra khiến phổi của bạn khó thực hiện chức năng thở bình thường. Những thay đổi đó bao gồm:
- Các cơ như cơ hoành, cơ vùng ngực bắt đầu yếu đi. Mô phổi bắt đầu mất tính co giãn, có thể thu hẹp đường thở của bạn.
- Xương và cơ trong khung xương sườn của bạn có thể co lại, để lại ít không gian hơn cho phổi nở ra.
- Hệ thống miễn dịch có thể giảm sút khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.

2) Hút thuốc
Khói thuốc lá có thể thu hẹp và làm viêm nhiễm đường hô hấp và khiến bạn khó thở hơn. Chất nicotin trong thuốc lá thường gây kích ứng phổi và có thể gây ra một cơn ho dai dẳng. Theo thời gian, khói thuốc lá sẽ gây co kéo nhu mô phổi và có thể gây ung thư, gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), làm giảm vận chuyển oxy đến máu của bạn.

3) Các tác nhân ô nhiễm không khí
Không khí chứa oxy và cả các loại khí độc hại, khói bụi, chất gây dị ứng, vi sinh vật... có thể xâm nhập vào phổi khiến cho phổi dễ bị tổn thương hơn.

4) Thời tiết
Thời tiết thay đổi, chuyển mùa, đặc biệt là trời lạnh và không khí mùa nồm ẩm rất dễ ảnh hưởng xấu đến phổi.

5) Vi sinh vật
- Nấm, vi khuẩn hay vi-rút đều là những tác nhân có thể ảnh hưởng không nhỏ tới hệ hô hấp. Chúng gây ra phản ứng viêm và làm cản trở sự trao đổi khí.

- Khi viêm phổi sẽ xuất hiện các triệu chứng chính như: sốt, ho, khó thở... Cần khám điều trị sớm khi có các triệu chứng viêm phổi.

G/ BÍ QUYẾT BẢO VỆ PHỔI
1) Tập luyện đều đặn
- Chỉ khi nào bạn coi tập luyện đều đặn như ăn cơm, uống nước hàng ngày thì phổi của bạn mới no khí và khỏe mạnh được. Tập luyện kể cả khi bạn đang bị bệnh phổi.

- Bạn nhất thiết phải lựa chọn riêng cho mình một bài tập (thể dục, thể thao, yoga, hoặc dưỡng sinh...) phù hợp và duy trì tập đều đặn hàng ngày.

2) Tập thở bụng
Nếu cứ hít vào thở ra như sinh lý bình thường thì chưa đem lại giá trị và hiệu quả cao cho hơi thở cuộc sống.
Cần tập hít thở bằng bụng (thở bằng cơ hoành). Đây là bài tập thở, giúp tăng cường sức mạnh cơ hoành, có nhiều lợi ích ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Thở bụng là cơ sở cho hầu hết các kỹ thuật thiền định hoặc thư giãn, có tác dụng làm giảm mức độ căng thẳng của bạn, giảm huyết áp và điều chỉnh các quá trình chuyển hóa quan trọng khác của cơ thể.

Thở bụng là biện pháp giúp các phế nang trong đường hô hấp được hoạt động tối đa, làm tăng dung tích hô hấp của phổi.

* Cách tập thở bụng:
- Ngồi ở tư thế thoải mái hoặc nằm thẳng trên sàn, giường hoặc một bề mặt phẳng, thật thoải mái.
- Thả lỏng hai vai của bạn.
- Đặt một bàn tay úp lên ngực và một bàn tay úp lên bụng.
- Hít vào bằng mũi, đưa không khí qua ngực, xuống bụng, làm cho bụng phồng lên tối đa.
- Giữ khí trong bụng khi bụng phồng lên (khoảng vài giây).
- Thở ra từ từ qua miệng, ép cho bụng xẹp xuống tối đa, đẩy hết khí ra miệng.
- Lặp lại các bước này nhiều lần để có kết quả tốt nhất.
- Mỗi ngày nên thở bụng vài lần, sáng, trưa trước khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ. Có thể lúc căng thẳng mệt mỏi cũng nên dành vài phút thở bụng cho thư giãn.

3) Giữ ấm cho toàn bộ cơ thể nói chung, đặc biệt là mũi, miệng và ngực.

4) Đeo khẩu trang
Nên tạo thành thói quen đeo khẩu trang mỗi khi đi ra khỏi nhà; vừa tránh bụi, chống vi khuẩn vi-rút, phấn hoa... và giữ ấm mũi miệng.

5) Vỗ rung ngực
Nếu bạn thường xuyên dùng cả lòng bàn tay khum các ngón lên và úp vỗ vào lồng ngực sẽ rất tốt cho phổi, giúp lưu thông khí, chống ứ đọng khí CO2; làm rỗng các phế nang giúp phổi tăng hô hấp, trao đổi oxy cho máu.
Ngày vỗ đều vài lần sáng, trưa và tối sẽ thấy thanh thoát hơi thở, làm cho dễ chịu. Đặc biệt, với người hút thuốc lá, động tác vỗ rung ngực rất có ích.

6) Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: lao, sởi, cảm cúm, ho gà, nhiễm vi-rút corona...

7) Trồng cây xanh
Nơi ở dù rộng hay hẹp cần phải trồng cây xanh quanh nhà. Coi cây xanh như một lá phổi tự nhiên, cùng tham gia quá trình hô hấp, nâng cao sức khỏe cho con người.

Tùy điều kiện có thể trồng ít hay nhiều cây xanh. Trồng ngay ngoài lan can, trồng trong chậu mini để ngay tại bàn làm việc, nơi tập thể dục, khu vệ sinh, hoặc có đất rộng thì trồng xung quanh sân nhà...

Loại cây nên trồng, tốt cho sức khỏe:
+ Những cây có tán bóng mát rộng hoặc dây leo, lá có màu xanh thẫm, ít bị sâu.
+ Cây và dây leo vạn niên thanh, cây ngũ gia bì... vừa là cảnh đẹp, dễ trồng, có thể trồng và để bất cứ chỗ nào ở trong phòng ở, nơi làm việc và sân nhà.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày