Thứ 4, 07/08/2024, 10:23[GMT+7]

Tiếng thở dài, có điều gì ẩn chứa đằng sau? Lời khuyên cho những ai hay buông tiếng thở dài

Thứ 7, 17/02/2024 | 21:15:33
9,280 lượt xem

Ảnh minh họa.

I/ HIỂU VỀ TIẾNG THỞ DÀI

1. Trong suốt cuộc đời, chẳng ai là người không từng buông tiếng thở dài.

Ở một số người thì chỉ khi nào có vấn đề về sức khỏe hoặc có vấn đề về tâm lý thì mới buông tiếng thở dài.
Nhưng cũng có người chỉ mới mệt mỏi đôi chút mà đã lạm dụng, thường xuyên buông tiếng thở dài ảo não khiến cho môi trường cuộc sống xung quanh trở nên nặng nề, ảm đạm.

2. Thở dài:

- Xét về yếu tố sinh lý, thở dài là cách mà cơ thể điều chỉnh nhịp thở, để cải thiện chức năng của phổi.

- Tuy nhiên, khi tiếng thở sâu và dài xảy ra quá thường xuyên thì khi đó có thể là có sự tác động ảnh hưởng của bệnh lý nào đó kèm theo, bạn nên quan tâm lưu ý điều này.

3. Nguyên nhân hay thở dài là gì?

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra tiếng thở dài, trong đó có 3 nguyên nhân chủ yếu sau:

a) Do căng thẳng:

Có rất nhiều yếu tố gây căng thẳng về tâm lý và thể chất, xoay quanh cuộc sống thường ngày của mỗi người như: Khó khăn, túng thiếu, suy nghĩ, lo lắng, thất vọng, chờ đợi, thổn thức, mất ngủ, mệt mỏi, đau đớn, bệnh tật...
Mỗi khi đối mặt với tình huống gây căng thẳng, cơ thể của bạn sẽ có nhiều thay đổi tức thời như vã mồ hôi, tim đập nhanh, thở nhanh, thở gấp… Những thay đổi đó làm giảm lượng không khí lưu thông trong phổi, khiến bạn khó thở. Khi đó bạn tự cảm thấy cần phải hít thở thật sâu để điều chỉnh nhịp thở của mình và tự nhiên cơ thể phát ra tiếng thở dài.

b) Do trầm cảm:

Ngoài cảm giác căng thẳng hoặc lo lắng, bạn cũng có xu hướng tạo ra nhiều tiếng thở có độ dài hơn khi buồn bã hoặc tuyệt vọng. Điều này lý giải vì sao những người bị trầm cảm thường xuyên hít thở sâu và kéo dài nhịp thở. Tạo ra tiếng thở dài mang tính chất bệnh lý của người bị trầm cảm.

c) Do bệnh ở đường hô hấp:

Người mắc bệnh ở đường hô hấp thường có triệu chứng khó thở. Khi đó, họ phải hít thở sâu hơn và dài hơn để cảm thấy dễ chịu hơn. Và như vậy tiếng thở dài sẽ phát ra trong quá trình bị mắc bệnh đường hô hấp.

II/  THỞ DÀI CÓ TỐT KHÔNG?

1. Thở dài cũng có thể giúp con người cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau khi trải qua một khó khăn.

- Nghiên cứu khoa học cho thấy rằng hít sâu và thở dài có thể làm giảm căng thẳng ở những người nhạy cảm với lo âu.

- Bên cạnh đó, thở dài cũng đóng một vai trò quan trọng về mặt sinh lý để duy trì chức năng khỏe mạnh của phổi.

- Vì vậy, nếu thở dài ở mức độ nhất định là tốt. Cụ thể, khi đang thở bình thường, các túi khí nhỏ trong phổi được gọi là phế nang đôi khi có thể xẹp xuống một cách tự nhiên.

- Thông qua một hơi thở sâu, một tiếng thở dài có thể giúp tái tạo hầu hết các phế nang đang bị xẹp.

2.  Thở dài mệt mỏi quá mức và xảy ra quá thường xuyên có thể là dấu hiệu tiềm ẩn cảnh báo về một vấn đề liên quan đến tình trạng bệnh đường hô hấp, lo lắng hoặc trầm cảm...

- Ngoài ra, việc bạn liên tục than vãn thở dài mệt mỏi không chỉ khiến cho những người  thân cận khó chịu mệt mỏi theo mà còn khiến mối quan hệ trở nên xa lánh và làm tổn thương cả tình cảm.

III/ HÃY QUAN TÂM ĐẾN TIẾNG THỞ DÀI

1. Với tiếng thở dài sinh lý bình thường:
Nếu mỗi khi bạn gặp phải các vấn đề, các tình huống tức thời về tinh thần, tâm lý hoặc chỉ mệt mỏi nhất thời thì lời khuyên chân thành là bạn nên trút đi một tiếng thở thật dài.

Mục đích là:

- Làm cho bình tâm lại để chuẩn bị đón nhận và bình tĩnh, sáng suốt xử lý những vấn đề sắp xảy ra.

- Hoặc là xả vơi đi những dồn nén, nín thở chờ đợi khi các vấn đề đã xảy ra, đã qua đi (gọi là thở phào nhẽ nhõm).

2. Với tiếng thở dài mệt mỏi, bệnh lý:

Khi tần suất thở dài thường xuyên liên tục tăng cao, bạn nên đến các cơ sở y tế để khám tư vấn bác sĩ:

- Nếu nguyên nhân thở dài do bệnh trầm cảm thì cần điều trị bệnh trầm cảm.

- Nếu nguyên nhân bệnh lý thuộc đường hô hấp thì cần điều trị bệnh về đường hô hấp.

3. Đừng lạm dụng tiếng thở dài:

- Đôi khi ta chỉ nghĩ tới ta mà cứ buông ra những tiếng thở dài, mà không hề nghĩ rằng chính những tiếng thở dài đó khiến cho người kế bên phải lo âu, mệt mỏi, chán nản theo cùng.

- Ta hãy biết ta, hài lòng về ta và chấp nhận chính ta để mà điều tiết, kìm nén hoặc buông tiếng thở dài đúng lúc, đúng chỗ, cho văn hóa tế nhị.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

  • Từ khóa