Thứ 7, 18/05/2024, 20:56[GMT+7]

Phải gió là gì?

Chủ nhật, 05/05/2024 | 10:17:52
1,331 lượt xem
Trong thiên nhiên thì có lục khí: PHONG (gió), HÀN (lạnh), THỬ (nắng), THẤP (ẩm ướt), TÁO (khô táo), HỎA (lửa, nóng). Lục khí mà xâm nhập vào cơ thể gây ra bệnh thì gọi đó là lục tà.

Ảnh minh họa.

PHẢI GIÓ là hiện tượng cơ thể đột ngột nhiễm gió hoặc nhiễm mưa hay nhiễm khí lạnh, thông qua đường mũi miệng và lỗ chân lông xâm nhập vào cơ thể, khiến cho cơ thể bị mất cân bằng âm dương, mất cân bằng hàn nhiệt; gây rối loạn khả năng bài tiết mồ hôi và sinh ra hiện tượng cảm. Theo đông y gọi đó là cảm phong hàn. Theo tây y gọi là cảm không rõ nguyên nhân.

Hiện tượng phải gió, ở mỗi vùng miền có cách gọi khác nhau như: phải gió, trúng gió hoặc là ngộ gió.

PHẢI GIÓ XẢY RA TRONG ĐIỀU KIỆN NÀO?

- Có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nhưng thường là những khi chuyển mùa, trời mưa, khí lạnh hoặc thay đổi thời tiết. 

- Hay xảy ra vào ban đêm, sáng sớm, lúc ngủ dậy, mở cửa đi ra ngoài đột ngột... 

- Có thể gặp ở bất cứ ai nhưng dễ gặp ở những người yếu, có bệnh nền, phụ nữ sau sinh đẻ, người có sức đề kháng kém, người vừa uống nhiều rượu, bia...

CÁC BIỂU HIỆN NGAY KHI BỊ PHẢI GIÓ

Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà có thể gặp một số các biểu hiện như: Người ớn lạnh, rùng mình, nổi gai ốc...; chóng mặt, đau đầu, sổ mũi, hắt hơi, có thể nôn mửa...; toàn thân và vai gáy đau nhức...

Trường hợp nặng có thể bị méo miệng và nhân trung lệch về một bên, không nhắm được kín mắt, chảy nước mắt và nước miếng, có thể liệt nửa mặt, vẹo cổ...

XỬ LÝ THẾ NÀO KHI BỊ PHẢI GIÓ

- Ngay lập tức người bệnh phải được di chuyển vào phòng ấm, không có gió lùa.

- Xoa dầu gió vào: mũi, hai bên thái dương (huyệt thái dương), giữa đỉnh đầu (huyệt bách hội), giữa 2 cung lông mày (huyệt ấn đường), chỗ hõm hai bên chân tóc sau gáy (huyệt phong trì), xoa dọc từ cằm xuống cổ đến hõm ức (huyệt thiên đột); xoa vào 2 gan bàn chân huyệt dũng tuyền).

- Day bấm (chìm, chậm, sâu) vào huyệt nhân trung (điểm giữa khe môi trên, ở giữa 2 lỗ mũi). Đồng thời day bấm vào các điểm huyệt đã xoa dầu gió.

- Uống 1 cốc nước ấm pha đường với 1 nhánh gừng tươi giã nát, giúp làm ấm cơ thể khi bị trúng gió.

- Đối với người bị bất tỉnh, cần bấm huyệt nhân trung mạnh và gọi hỏi cho bệnh nhân tỉnh lại. Đặt bệnh nhân nằm đầu thấp hơn chân để tăng lượng máu nuôi dưỡng não, để tư thế nằm nghiêng đầu sang một bên (tránh tụt lưỡi hoặc hít phải chất nôn vào phổi), đắp chăn ấm, tránh gió lùa.

- Khi bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn có thể cho ăn cháo hành, tía tô để nhanh hồi phục.

- Lưu ý: Trong trường hợp bệnh nhân không tỉnh lại, hoặc có các biểu hiện trầm trọng như: lờ đờ, mệt mỏi, khó thở, hãy đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

PHÒNG TRÁNH PHẢI GIÓ

- Người già, phụ nữ sau sinh, người có bệnh nền, sức đề kháng kém, cần thận trọng mỗi khi đi ra trời mưa, gió, lạnh, sáng sớm hoặc ban đêm.

- Mỗi khi ngủ dậy, nên nằm trên giường mươi phút để xoa day: mặt, tai, mũi, mắt, cổ gáy, đầu tóc... và hít thở thật sâu, sau đó rồi hãy dậy đi ra khỏi giường.

- Mùa đông, trời nồm, hoặc trời có mưa, gió lạnh; khi đi ra ngoài nên xoa dầu gió vào các huyệt như đã giới thiệu ở trên.

- Luôn giữ ấm chân, đầu, cổ và cơ thể khi trời lạnh. 

PHÂN BIỆT PHẢI GIÓ VÀ ĐỘT QUỴ

Không ít người nhầm lẫn giữa trúng gió với đột quỵ, nhưng đây hoàn toàn là hai hiện tượng khác nhau.

- Nguyên nhân gây trúng gió là do sự hoạt động quá mức của hệ thần kinh đối giao cảm khiến cho tim đập chậm lại còn mạch máu bị giãn nở ra và huyết áp tụt xuống. 

- Đột quỵ xảy ra do ngưng trệ đột ngột dòng máu cung cấp cho não cùng với hệ thần kinh trung ương. 

- Để tránh nhầm lẫn đột quỵ với trúng gió khiến cho việc xử lý sai, cần nhớ rằng:

+ Yêu cầu người bệnh cười mỉm, những người không thể cười được, thường là thiên về bị đột quỵ. + Hỏi một vài câu đơn giản nếu người bệnh không thể trả lời hoặc không thể trả lời trọn câu và rõ chữ tức là đã bị đột quỵ. 

+ Yêu cầu người bệnh giơ hai tay lên cao, nếu không thực hiện được động tác này tức là bị đột quỵ chứ không phải bị trúng gió. 

+ Người đang khỏe mạnh nếu bỗng nhiên nằm xuống, sốt trong người thì có thể là bị trúng gió. Nhưng nếu sờ thấy lạnh thì nguy cơ bị đột quỵ. 

Những trường hợp đột qụy thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Bác sĩ:  Bùi Vũ Khúc