Thứ 2, 25/11/2024, 07:42[GMT+7]

Hôi miệng tự phòng bệnh một cách hữu hiệu nhất

Thứ 2, 27/05/2024 | 10:16:32
3,770 lượt xem

Hình minh họa

I/ KHOANG MIỆNG

1- Miệng là một khoang vừa kín vừa hở

- Miệng là khoang tiếp chuyển đồ ăn thức uống, khói thuốc (đối với những người hút thuốc).

- Khi ngậm miệng, khi đêm ngủ thì miệng là một khoang kín, lúc đó là cơ hội cho các vi khuẩn kị khí hoạt động. 

- Khi ăn, khi nói thì miệng là một khoang hở, tạo điều kiện cho vi khuẩn ưa khí hoạt động. 

- Nếu ăn uống, hút thuốc xong mà không được làm sạch miệng ngay thì thức ăn dắt trong các khe kẽ sẽ bị các vi khuẩn ưa khí và kị khí làm cho lên men, sinh hơi, bốc mùi chua, hôi thối. 

- Các nghiên cứu cho thấy, thức ăn lưu dắt trong khoang miệng chỉ sau một vài giờ đã bị vi khuẩn phân hủy thối rữa, bốc mùi.

2- Hàm răng có rất nhiều khe kẽ

Khi trẻ thì các khe in khít, lúc cao tuổi thì kẽ răng thưa, lợi hở nhiều hơn và dắt nhiều thức ăn hơn. 

(Chuyện vui kể rằng: Có một cụ ông ca thán là vừa đi ăn cỗ, chén liền 5 - 6 miếng thịt gà, ăn xong bị đau bao tử phải mổ cấp cứu ngay. Mổ ra trong dạ dày chỉ có vài miếng da gà mà chẳng thấy thịt gà đâu cả. Chuyển bác sĩ nha khoa xem cho hàm răng, thì phát hiện thịt gà dắt hết ở khe răng, đang lên men bốc mùi - khổ thế chứ).

3- Mũi họng thông với các các xoang

- Khoang mũi thông xuống khoang miệng.

- Các xoang trán, xoang mặt, xoang mũi, xoang hàm... khi viêm nhiễm, có thể hở và thông với khoang mũi miệng.

II/ NGUYÊN NHÂN HÔI MIỆNG

Có 5 nguyên nhân chính gây ra hôi miệng đó là:

1- Thức ăn dắt vào các kẽ răng, vi khuẩn hoặc nấm hoạt động làm cho lên men thối. 

2- Ăn uống các gia vị hoặc thức ăn có mùi hôi, chua, khó chịu như: hành, tỏi, măng chua... cùng với uống bia rượu, làm cho lên men bốc mùi. 

3- Viêm mũi họng, viêm lợi, viêm xoang, sâu răng, sinh ra dịch viêm... gây mùi hôi khi nói, khi thở. 

4- Trào ngược dạ dày (hở van tâm vị) làm cho hơi men chua từ thức ăn trong dạ dày trào ngược ra miệng, có mùi hôi khó chịu. 

5- Hút thuốc lá, thuốc lào 

- Khói thuốc lâu ngày ám vào khe kẽ răng giống như lớp bồ hóng vậy (nếu ai đun bếp củi hoặc đun rơm rạ lâu ngày, sẽ tạo ra lớp bồ hóng đen kịt trên mái nhà bếp). 

- Bản thân người hút thuốc thì không hề thấy mùi khó chịu nhưng hơi thở của người hút thuốc trước mặt người đối diện, thì rất dễ nhận biết.

III/ XỬ LÝ HÔI MIỆNG

Nguyên tắc quan trọng nhất là làm sạch miệng

1) Xỉa răng

- Thói quen dùng tăm tre để chòi chọc xỉa răng ngày nay đã lỗi thời. Bởi nó không sạch hết và lại dễ gây xước lợi quanh chân răng, gây viêm nhiễm.

- Tốt nhất là dùng tăm nha khoa (tăm chỉ hình dây cung). Ban đầu dùng chưa quen thấy khó nhưng sau khi dùng thành thạo, cảm thấy rất sạch và an toàn. 

- Lưu ý: Mua loại tăm có dây chỉ nhỏ, dễ luồn vào khe kẽ răng để làm sạch. Tránh không chà mạnh chỉ nha khoa lên vùng lợi ở chân răng dễ gây trầy xước. 

2) Đánh răng

 - Tốt nhất là đánh răng sau tất cả các bữa ăn chính, ăn phụ và ăn đêm. 

- Dù đánh răng có kỹ càng và đúng cách đến đâu thì cũng không thể nào sạch hết được thức ăn còn sót lại các khe kẽ răng. Vì vậy, nên dùng chỉ nha khoa trước khi đánh răng. 

3) Lau sạch mặt răng 

- Kể cả sau khi đã dùng chỉ nha khoa và đánh răng, các bề mặt răng vẫn có thể sót lại phần nghiền nhuyễn của bột thức ăn bám đọng. - Dùng khăn mềm lau chà nhẹ các mặt trong, mặt ngoài, mặt trên của răng.

- Sau khi đã lau sạch răng, cảm giác của lưỡi lia vào các mặt răng thấy trơn nhẵn, sạch, dễ chịu.

4) Súc miệng 

- Sau mỗi lần vệ sinh sạch sẽ răng miệng, ngậm 1 ngụm nước pha loãng với dầu phật linh trong miệng một lúc rồi nhổ đi. Tác dụng khử mùi hôi, phòng viêm họng, miệng, sạch răng miệng. 

(Cách pha: 1 lọ dầu phật linh 1,5ml pha với 1 lít nước lọc. Nhớ mỗi lần súc ngậm, lắc mạnh cho dầu tan đều rồi hãy ngụm súc).

 - Mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, chiêu 1 ngụm nhỏ rượu hạt cau, ngậm trong miệng một lúc rồi nhổ đi. Rượu cau làm khít chặt chân răng, chống viêm, giảm đau, bảo vệ răng sâu, khử hôi miệng rất tốt.

5) Chữa các bệnh viêm, nhiễm trùng khoang miệng 

- Nếu có các biểu hiện: đau răng, đau họng, ho, khạc đờm hôi, có thể sốt... cần phải đi khám các chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. 

6) Chữa bệnh trào ngược dạ dày 

Nếu có các biểu hiện: đau vùng thượng vị (vùng dạ dày), ợ hơi, ợ chua, nóng rát cổ, miệng thở ra có mùi chua hôi... thì nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

TÓM LẠI 

Khi bạn giữ sạch răng miệng, thở ra không có mùi hôi, bạn cảm thấy rất tự tin khi giao tiếp. Sức khỏe được bảo đảm và chất lượng cuộc sống tăng lên.

Bác sĩ: Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày