Thứ 3, 09/07/2024, 13:22[GMT+7]

Muối rất cần cho cuộc sống và sự báo động về ăn nhiều muối có tác động xấu đến sức khỏe con người

Thứ 2, 08/07/2024 | 08:34:49
238 lượt xem

Ảnh minh họa

I. NHU CẦU MUỐI HÀNG NGÀY CỦA CƠ THỂ LÀ BAO NHIÊU?

1. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

- Một người trưởng thành, mỗi ngày nên tiêu thụ trung bình là dưới 2g natri (tương đương với dưới 5g muối).

- Mức natri tối thiểu cơ thể phải được cung cấp hàng ngày để bảo đảm hoạt động bình thường được ước lượng vào khoảng 0,2 - 0,5g/ngày (tương đương với 0,5 - 1,25g muối).

- Trẻ nhỏ dưới một tuổi, lượng muối được WHO khuyến cáo là dưới 1,5g và trẻ sơ sinh ăn dưới 0,3g muối.

- Việc dùng muối ít hơn mức tối thiểu và nhiều hơn mức tối đa, đều không tốt cho sức khỏe con người và tiềm tàng lâu dài sẽ sinh ra một số bệnh nguy hiểm.

2. Cách tính lượng muối trong một số đồ tra nấu thường ngày

- Thực phẩm tự nhiên trong bữa ăn hàng ngày có chứa 400mg natri (tương đương 1g muối) và hải sản sẽ có lượng muối cao hơn.

- 1g muối có khoảng 400mg natri.

- 1g hạt nêm có khoảng 200mg natri.

- 1g bột ngọt có 130mg natri.

- 1ml nước mắm có 77mg natri.

- 1ml nước tương có 56mg natri.

- Mỗi gói mì tôm chứa trung bình 4,3g muối (tương đương với 1700mg natri)...
 
II. VIỆC SỬ DỤNG MUỐI CỦA NGƯỜI VIỆT NHƯ THẾ NÀO?

1. Người Việt hiện đang sử dụng lượng muối cao hơn nhiều so với bình thường

- Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong những năm gần đây, mức tiêu thụ muối trung bình của mỗi người trưởng thành ở nước ta đều gấp 2 lần so với ngưỡng khuyến cáo của WHO. Đây cũng chính là căn nguyên của sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm như béo phì, tăng huyết áp, tim mạch và đái tháo đường.

- Theo điều tra của Bộ Y tế, người Việt Nam đang tiêu thụ trung bình khoảng 9,4g muối/người/ngày, gần gấp đôi mức khuyến cáo.

Sự liên quan giữa khẩu phần ăn quá nhiều muối cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nguy cơ bệnh cao huyết áp và bệnh tim mạch.

2. Muối ăn vào cơ thể, có từ những nguồn nào?

- Muối (NaCl), được cấu thành từ hai nguyên tố hóa học là natri và chlorua. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, một thìa 5g muối chứa khoảng 2.000mg natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng trong ngày với một người trưởng thành.

- Trong khẩu phần ăn hàng ngày, lượng natri có hai nguồn gốc: từ tự nhiên có trong thực phẩm và chủ yếu từ việc bổ sung thêm muối cùng các gia vị mặn khi chế biến và đồ chấm thức ăn.

- Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại nước ta chủ yếu là từ muối và các gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn. 11% muối từ thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%. Bột canh và nước mắm là nguồn chính cung cấp muối hàng ngày, cùng với mì chính và muối tinh.

III. ĂN QUÁ NHIỀU MUỐI SẼ GÂY RA ĐIỀU GÌ CHO CƠ THỂ?

Ăn quá nhiều muối sẽ gây ra những vấn đề về sức khỏe và bệnh tật cho cơ thể, trong đó cần kể đến các vấn đề sau:

1. Đầy hơi

Khi dạ dày cảm thấy sưng lên hoặc căng cứng, là một trong những tác động ngắn và phổ biến nhất của việc ăn quá nhiều muối. Nó làm cho cơ thể giữ nước, do đó chất lỏng sẽ tích tụ thêm. Nước luôn tuân thủ theo lượng natri và khi đó thận giúp cơ thể điều hòa chặt chẽ lượng máu và chất lỏng trong cơ thể. Vì vậy, khi ăn một lượng lớn muối (khiến nồng độ natri trong máu tăng lên), thận sẽ bù đắp bằng cách giữ lại chất lỏng để cân bằng và bình thường hóa mức độ hoạt động.

2. Sưng phù

Sưng phù là một dấu hiệu của sự dư quá nhiều natri trong cơ thể. Các bộ phận cơ thể như mặt, tay, chân và mắt cá chân có nhiều khả năng bị sưng tấy nhất. Nếu sưng húp hơn bình thường, hãy xem đang ăn bao nhiêu muối. Các tác động này thường nhẹ và tạm thời nhưng vẫn gây khó chịu. Hãy nên uống nhiều nước và tránh các thực phẩm có hàm lượng natri cao.

3. Tăng cân nhanh

Ăn quá nhiều muối sẽ gây ra hiện tượng giữ nước, cơ thể sẽ tăng cân. Nếu tăng cân nhanh chóng trong một tuần hoặc thậm chí vài ngày, đó có thể là do nạp quá nhiều muối. Nếu tăng hơn 1kg trong một ngày hoặc 2kg trong một tuần, hãy nghĩ lại những thực phẩm đã ăn trong vài ngày qua và cố gắng thay đổi để cắt giảm lượng muối. Hoặc phải tìm nguyên nhân khác.

Bác sĩ: Bùi Vũ Khúc

(còn nữa)