Thứ 3, 07/01/2025, 13:24[GMT+7]

Mật và túi mật có vai trò gì trong cơ thể? Các biểu hiện cần nghĩ ngay đến bệnh gan mật

Chủ nhật, 05/01/2025 | 20:06:23
545 lượt xem

Ảnh minh họa.

A - MẬT, TÚI MẬT VÀ VAI TRÒ CỦA CHÚNG 

Mật bao gồm dịch mật, túi mật và ống dẫn mật. Dịch mật được tiết ra từ gan, trữ vào túi mật rồi theo đường ống mật chủ đổ xuống tá tụy, tham gia vào quá trình tiêu hóa. 

1 - TÚI MẬT 

a) Túi mật có hình quả lê, màu xanh xám, nằm ở phần trên bên phải bụng, ngay dưới gan, sau bờ sườn phải. Ở người trưởng thành, túi mật có chiều dài từ 7 - 10cm, đường kính 4cm (ở trạng thái căng đầy mật). Túi mật có thể chứa đến 50ml dịch mật. 

b) Quy trình trữ mật trong túi mật. 

+ Túi mật là một bộ phận rất quan trọng của cơ thể, là nơi dự trữ mật do gan bài tiết ra. Khi ăn uống, túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật qua ống mật chủ vào tá tràng rồi xuống ruột non giúp tiêu hóa thức ăn. Khi không ăn, dịch mật tiết ra sẽ được tích lại trong túi mật. 

+ Túi mật có nhiệm vụ tích trữ và cô đặc mật. Niêm mạc túi mật liên tục hấp thu, khiến các thành phần khác của dịch mật như muối mật, lecithin, bilirubin, cholesterol được cô đặc trong túi mật. Thường mật sẽ được cô đặc khoảng 5 lần hoặc mức độ cô đặc lên tới 12 - 20 lần. Tuy vậy, túi mật vẫn chỉ đóng vai trò phụ, trong một số trường hợp bệnh lý liên quan vẫn có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn túi mật nếu cần thiết. 

2 - DỊCH MẬT 

- Dịch mật tính mát, vị đắng, có độ pH trung tính, hơi kiềm (pH = 7 - 7,6). 

- Dịch mật được bài tiết ở trong tế bào gan sau đó dẫn vào túi mật rồi đổ vào tá tràng (phía dưới dạ dày), từ đó mật tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là tiêu hóa chất béo. 

- Mỗi ngày cơ thể tiết ra khoảng 600ml - 1 lít dịch mật. Tuy nhiên, sự bài tiết dịch mật ở gan còn phụ thuộc vào lượng muối mật trong tuần hoàn gan ruột. Lượng muối mật càng nhiều thì khả năng bài tiết mật của gan càng lớn. 

3 - THÀNH PHẦN CỦA DỊCH MẬT 

Thành phần của dịch mật là muối mật (chiếm 50%) và các thành phần khác như: cholesterol, lecithin, bilirubin cũng như các chất điện giải. 

a) Muối mật:

+ Muối mật là thành phần quan trọng của mật có tác dụng tiêu hóa thức ăn và hấp thu các sản phẩm tiêu hóa của lipid là acid béo, cholesterol, monoglyceride và các lipid ở ruột non. 

+ Muối mật đóng vai trò quan trọng cho việc hấp thu và vận chuyển các vitamin tan trong dầu như A, D, E và K. 

+ Mỗi ngày gan bài tiết khoảng 0,5g muối mật. 

+ Muối mật không bị mất đi và thường được tái hấp thu sau khi đã sử dụng 80 - 90% sẽ theo máu chuyển về gan và kích thích gan sản sinh thêm mật. 

b) Cholesterol:

+ Cholesterol là nguyên liệu chính để sản xuất ra muối mật. 

+ Cholesterol có đặc tính không tan trong nước nhưng được nhũ hóa bởi lecithin và muối mật để ngăn cản sự kết tủa của nó. 

+ Lượng cholesterol có trong mật sẽ phụ thuộc vào lượng (dầu, mỡ) ăn vào hàng ngày. Do đó, nếu ta ăn quá nhiều dầu mỡ trong một thời gian dài thì có thể có nguy cơ dẫn tới sỏi mật. 

c) Sắc tố mật:

+ Sắc tố mật được gan sản xuất từ protein hemoglobin trong quá trình tiêu hủy hồng cầu ở gan. Chất stercobilin có trong sắc tố mật sẽ nhuộm vàng phân và những chất dịch chứa nó. Điều này lý giải vì sao phân ở đại tràng, bình thường có màu vàng; nhưng khi sắc tố mật bị ứ lại, không xuống được ruột do tắc mật, xơ gan hay bệnh lý nào khác... thì sẽ khiến phân mất màu vàng (phân bệch màu).

(còn nữa)

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc 

 


 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày