Thứ 6, 22/11/2024, 11:03[GMT+7]

Ngành giáo dục: Nhân rộng, tôn vinh các điển hình tiên tiến

Thứ 4, 15/05/2024 | 21:19:25
7,118 lượt xem
Những năm qua, ngành giáo dục đã tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với các cuộc vận động theo hướng toàn diện, thực chất. Từ phong trào, ngành đã phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng, tôn vinh các điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Trường Mầm non Thái Hòa (Thái Thụy) cùng trẻ tham gia hoạt động ngoài trời.

Khó khăn vẫn thi đua dạy tốt 

Hơn nửa cuộc đời gắn bó với sự nghiệp trồng người, từ một cô giáo trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, đến nay cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Trường Mầm non Thái Hòa (Thái Thụy) trở thành một giáo viên có bề dày thành tích, vững vàng trong chuyên môn. Với lòng nhiệt huyết, say mê với nghề, không ngại khó khăn, vượt lên trên tất cả, cô đã lựa chọn và khẳng định bản thân mình trong hành trình ươm mầm tri thức. 

Cô giáo Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: Tôi vào nghề từ năm 1998, bắt đầu đứng lớp ở nhóm nhà trẻ, sau đó là lớp ghép 3 - 4 tuổi. Bằng tình yêu nghề, tôi luôn phấn đấu làm tốt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2013, tôi chính thức được biên chế và trở thành khối trưởng khối 4 tuổi.

Mặc dù dạy hợp đồng đến 15 năm, đồng lương ít ỏi nhưng cô giáo Nguyễn Thị Nhung vẫn luôn tạo cho mình phong cách làm việc riêng khiến nhiều người nể phục. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn truyền đạt những kiến thức đã học được cho trẻ bằng cả tấm lòng, trái tim, hết mực yêu thương và quan tâm học trò. Cô còn chỉ đạo tổ chuyên môn kết hợp với các giáo viên xây dựng nội dung chương trình bài học, bài tập, các kỹ năng đơn giản phù hợp với tình hình thực tế như: quay video gửi cho phụ huynh để tạo gắn kết giữa gia đình và giáo viên trong nuôi dạy trẻ; tích cực tổ chức cho học sinh trong lớp tham gia giao lưu cùng cô trò các lớp học khác để tạo thêm sự hứng thú, mới mẻ cho trẻ khi học tập... 

Cùng với nhiệm vụ của một giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Nhung còn là một Chủ tịch Công đoàn năng nổ, nhiệt tình, cùng với Ban Giám hiệu đưa các hoạt động chung của trường đạt nhiều thành tích nổi bật và được cấp trên ghi nhận trong nhiều năm liền. Chính sự nỗ lực của mình, cô có 4 năm đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, 5 lần nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. 

Đặc biệt, vào dịp 20/11 năm học vừa qua, cô giáo Nguyễn Thị Nhung đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Được nhận nhiều phần thưởng cao quý nhưng có lẽ điều khiến cô cảm thấy vui nhất đó chính là sự tin tưởng của phụ huynh học sinh, của đồng nghiệp và người dân địa phương. 

Với tình yêu nghệ thuật nói chung và đặc biệt là tình yêu hội họa, cô giáo Ngô Thị Mến, Trường Tiểu học Nguyên Xá (Vũ Thư) đã lan tỏa tới các em học sinh niềm yêu thích, tư duy sáng tạo trong việc vẽ tranh và thực hành làm những sản phẩm mỹ thuật. Những tiết học do cô giảng dạy luôn mang lại niềm hứng khởi cho học sinh bởi nó không chỉ bó hẹp trong bốn bức tường mà được cô mở rộng ra không gian sân trường, vườn trường. Học sinh vô cùng thích thú và hăng say học tập, chủ động lĩnh hội kiến thức, từ đó khơi dậy trong các em tình yêu thiên nhiên, yêu lao động, yêu hội họa, các em có tư duy sáng tạo, thưởng thức mỹ thuật và tự tay tạo hình nên những sản phẩm mỹ thuật đẹp mắt, ý nghĩa.

 Ngoài những giờ lên lớp, cô giáo Ngô Thị Mến lại rong ruổi trên khắp cung đường, len lỏi vào từng ngõ ngách, thôn làng hay cheo leo lưng chừng núi, hòa mình với sóng đại dương để trực họa. Các tác phẩm hội họa của cô được chọn tham dự nhiều triển lãm lớn nhỏ trong và ngoài nước. 

Cô giáo Ngô Thị Mến tâm sự: Đã là giáo viên dạy môn Mỹ thuật thì càng phải giúp học sinh hiểu được giá trị nghệ thuật của nước nhà, phải biết gìn giữ và trân trọng những tác phẩm mang tính lưu truyền. Để tạo hứng thú và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, tôi thường thiết kế bài dạy phù hợp và chuẩn bị đồ dùng dạy học chu đáo. 

Với sự cần mẫn, chăm chỉ, chịu khó học hỏi, cô giáo Ngô Thị Mến đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: 2 lần được Tỉnh đoàn tặng bằng khen; nhiều năm đạt giáo viên, tổng phụ trách giỏi cấp huyện. Đặc biệt, cô có nhiều tác phẩm đạt giải như: tác phẩm “Rơm vàng của mẹ” tham gia dự thi sáng tác về người phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đạt giải khuyến khích; tham gia thi vẽ tranh trang trí trâu tại lễ hội Tịch điền ở Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) năm 2023 và đạt giải khuyến khích; tham gia trại sáng tác tại Hà Giang và có tác phẩm ủng hộ quỹ trồng cây phủ xanh biên cương do Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang tổ chức. 

Cô giáo Ngô Thị Mến, Trường Tiểu học Nguyên Xá (Vũ Thư) bên tác phẩm hội họa của mình. 

Nhân rộng điển hình tiên tiến 

Cô giáo Nguyễn Thị Nhung và cô giáo Ngô Thị Mến là 2 trong rất nhiều điển hình tiên tiến của ngành giáo dục thời gian qua. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thi đua là yêu nước yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”, ngành giáo dục đã quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh về công tác thi đua, khen thưởng và các phong trào thi đua, các cuộc vận động tới các đơn vị trong toàn ngành. Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể của đơn vị trong ngành luôn phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, với nhiều cách làm hay, sáng tạo thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động riêng của ngành như: thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn; mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo... Cùng với các phong trào thi đua trong cán bộ, giáo viên, người lao động toàn ngành, các cơ sở giáo dục đã phát động và triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong học sinh, sinh viên như các phong trào: tự học, tự quản; sáng tạo, khởi nghiệp; làm theo lời Bác... gắn với các chủ đề của từng năm học. Do vậy, các phong trào thi đua ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả. 

Để phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch năm học, ban hành các văn bản hướng dẫn gắn với chủ đề năm học, kế hoạch truyền thông và ban hành tiêu chí chấm thi đua, khen thưởng trong toàn ngành, qua đó phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng mô hình, gương điển hình tiên tiến. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Phát huy vai trò điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành giáo dục có tác dụng tích cực đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, thúc đẩy giáo dục toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu giáo dục và đào tạo của tỉnh. Toàn ngành đang quyết tâm duy trì, thực hiện tốt các phong trào thi đua, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, đưa ngành giáo dục tỉnh trở thành điểm sáng về công tác thi đua, khen thưởng; biến mục tiêu thi đua trở thành tâm huyết của mỗi nhà giáo, từ đó thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. 

Đặng Anh  

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày