Chủ nhật, 19/05/2024, 06:27[GMT+7]

Những cuộc đấu trí ở Pa - ri Linh hoạt lúc “cương”, lúc “nhu”

Thứ 2, 14/01/2013 | 13:46:25
1,978 lượt xem
Ngoài những lúc căng thẳng, quyết liệt trên bàn đàm phán công khai hay bí mật, giữa đoàn ta và đoàn Mỹ cũng có những phút khá thoải mái và cư xử thiện chí với nhau.

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kít-xinh-giơ tại cuộc đàm phán Pa-ri. Ảnh tư liệu

Cái đập bàn của ông Cố vấn

 

Đàm phán ở Pa-ri, khi cần ta cũng rất “cương” để tỏ thái độ với Mỹ. Nguyên tắc của ta là khi Mỹ tỏ ra hiếu chiến, ngoan cố và bảo thủ lập trường ỷ thế mạnh thì mình cũng phải xử sự lạnh nhạt, kiên quyết theo thế của mình. Điển hình nhất là vụ Mỹ đưa B-52 đánh bom miền Bắc trong Chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II”. Hôm họp lại sau vụ này, chuyện bác Thọ “mắng” Kít-xinh-giơ là Mỹ “lật lọng, thô bạo, xảo trá, điên rồ…” thì đã được nhắc nhiều. Còn chuyện ít người biết là ta không ra mở cổng, mở cửa để đón đoàn Mỹ như những lần trước. Cũng không niềm nở, vui vẻ bắt tay như mọi khi. Bình thường khi ô tô đoàn Mỹ đến họp ở trụ sở của ta, ngoài cổng sẽ có bảo vệ mở cổng để xe vào. Nhưng lần đó chẳng ai ra mở cổng nên đoàn Mỹ phải cho người xuống xe, tự thò tay mở cổng để lên nhà. Lên đến nơi, ta cũng không mở cửa mà họ phải tự đẩy cửa vào. Khi họ vào, đoàn ta đã đông đủ bên trong, mặt ai nấy đều lạnh lùng, nghiêm nghị. Khi ngồi vào bàn là bác Thọ “nổ súng” luôn. Từ ngữ thì bác đã chuẩn bị từ lúc đang ngồi trên máy bay khi từ trong nước sang. Nói làm sao để tỏ đúng thái độ của mình mà không xúc phạm đến dân tộc Mỹ.

 

Có lúc Mỹ đe dọa ta trên bàn đàm phán như trong phiên họp ngày 24-11-1972. Ngay mở đầu phiên họp, Cố vấn Kít-xinh-giơ đã đem ra đọc 2 bức điện của Tổng thống Ních-xơn gửi cho ông ta với lời lẽ mà chính Kít-xinh-giơ coi là “không ngoại giao lắm”. Trong đó, Tổng thống Mỹ đe dọa ngừng đàm phán, tiếp tục hoạt động quân sự, nếu VNDCCH không sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của Mỹ. Khi đó, Kít-xinh-giơ tiếp tục dồn ta về vấn đề rút quân ra miền Bắc.

 

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ khi đó phản ứng lại gay gắt lắm. Ông đập bàn và đáp lại thẳng thừng: “Tôi đã nói với ông nhiều lần, đe dọa chúng tôi chẳng có tác dụng gì đâu… Tổng thống Ních-xơn thường nói đến danh dự nước Mỹ. Chúng tôi cũng có danh dự của chúng tôi… Làm sao chúng tôi có thể ký một hiệp định có câu ám chỉ quân đội miền Bắc trong vấn đề rút quân, những người bị bắt không được thả, chính phủ ba thành phần, Thiệu vẫn còn đó… Thiện chí của chúng tôi tiến tới hòa bình cũng phải có mức độ nhất định. Nhân nhượng quá chỉ còn là đầu hàng trá hình. Đánh nhau đã hơn 10 năm rồi, đàm phán cũng đã nhiều năm. Nhân dân chúng tôi không bao giờ đầu hàng. Ông nghiên cứu lịch sử nước chúng tôi hẳn ông biết rồi. Chúng tôi có trách nhiệm với nhân dân, với Tổ quốc chúng tôi”.

 

Lời lẽ thẳng thắn, đanh thép của ông Cố vấn đặc biệt đã khiến đối phương phải lùi một bước. Mỹ rút lại các điều ám chỉ quân miền Bắc rút quân, chấp nhận có tên CPCMLTCHMNVN trong hiệp định.

 

Phiên họp ngày 24-11 ấy được đánh dấu bằng hai bức điện hiếu chiến, có ý dọa dẫm của Ních-xơn gửi Kít-xinh-giơ và ba lần Kít-xinh-giơ đe dọa ta sẽ tiếp tục chiến tranh. Nhưng đổi lại, phía Mỹ chỉ nhận được những lời lẽ đanh thép của đồng chí Lê Đức Thọ và trưởng đoàn Xuân Thủy của ta rằng, Việt Namon> kiên quyết chống chiến tranh xâm lược, bất chấp những lời dọa dẫm. Trong suốt gần 5 năm đàm phán, cả trưởng đoàn Mỹ Ha-ri-man và Cố vấn Kít-xinh-giơ đều dọa dẫm ta kiểu như thế nhưng không được gì.

 

Tách trà nóng của ông Thứ trưởng

 

Cũng có lúc ta “nhu” để thúc đẩy đàm phán nhưng không phải là nhượng bộ mà vẫn giữ vững đường lối và nguyên tắc. Mà “nhu” tùy lúc, đợi tới lúc Mỹ “mót” lắm ta mới đồng ý. Mỹ nhất định không chấp nhận Điều 1 của dự thảo Hiệp định ghi “Hoa Kỳ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Namon>…”.

 

Thương lượng đi thương lượng lại vậy mà cũng mất mấy tháng trời với một chi tiết nhỏ này. Nắm được tâm lý rất muốn rút quân về nước nhưng phải trong danh dự của Mỹ, nên cuối cùng ta đã đề nghị ghi “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập,…”. Vậy là chỉ cần thêm vài chữ là Mỹ đồng ý ngay vì như thế giữ thể diện được cho Mỹ mà không phạm tới nguyên tắc của ta. Đây thực chất là phương án đã được ta chuẩn bị từ trước rồi nhưng không vội vàng đồng ý ngay mà đợi tới khi Mỹ “cần” lắm ta mới “cho”.

 

Ngoài những lúc căng thẳng, quyết liệt trên bàn đàm phán công khai hay bí mật, giữa đoàn ta và đoàn Mỹ cũng có những phút khá thoải mái và cư xử thiện chí với nhau. Những lúc họp ở trụ sở của ta, ta cũng mời họ ăn uống lúc giải lao. Ban đầu thường có cả những món ăn của ta như phở, nem, bánh cuốn và kiểu Mỹ như san-uých. Nhưng sau biết đoàn Mỹ thích ăn món của ta hơn, nhất là món phở, nên từ sau ta chỉ làm món ăn Việt Nam.

 

Cách cư xử văn hóa của ta đã gây ấn tượng với đoàn Mỹ. Có lần Đại sứ Mỹ Xu-li-van, chuyên gia đàm phán của đoàn Mỹ, họp với Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Trợ lý cho Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ. Lần họp này cũng khá quyết liệt vì hai bên thương lượng mọi chi tiết cuối cùng để hoàn thành văn bản Hiệp định cũng như các thủ tục ký chính thức… Buổi đàm phán đó kéo dài, Đại sứ Xu-li-van đang phát biểu thì bị ho sặc sụa nên cầm cốc nước lạnh để uống. Ông Nguyễn Cơ Thạch đã ngăn lại và nói: “Ông đừng uống nước lạnh, sẽ bị ho thêm”. Sau đó, ông gọi người phục vụ Việt Namon> lấy một tách trà nóng cho ông Xu-li-van. Cử chỉ rất văn hóa này đã gây thiện cảm đối với cả đoàn Mỹ lúc đó.

 

Sau này chính Ngoại trưởng Mỹ Uy-li-am Rô-gơ (William Rogers), người ký chính thức Hiệp định Pa-ri cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh, từng nói “ông Xu-li-van thích ông Thạch vì ông ấy rất… cứng”. Ông Xu-li-van và ông Nguyễn Cơ Thạch với vai trò Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam sau này đã phát triển tốt mối quan hệ cá nhân và tích cực đóng góp vào thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.

 Theo qdnd.vn

  • Từ khóa