Thứ 3, 07/05/2024, 01:59[GMT+7]

Giáo dân Trần Xuân Lưỡng học và làm theo gương Bác

Thứ 5, 09/01/2014 | 08:22:24
1,963 lượt xem
Cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhiều đồng bào công giáo đã nỗ lực học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Điển hình như giáo dân Trần Xuân Lưỡng, ở thôn Tây Nghĩa (xã Quang Hưng, Kiến Xương) đã bám ruộng, bám đồng, chăm chỉ tăng gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của ông Trần Xuân Lưỡng cho thu hoạch trên 60 triệu đồng/năm.

Từ khi việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được các cấp ủy đảng triển khai sâu rộng đến các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, tư tưởng, tình cảm của Bác đã thức tỉnh ông về ý chí tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia lao động sản xuất, làm giàu chính đáng cho gia đình ngay trên mảnh đất quê hương. Năm 2010, ông Lưỡng mạnh dạn đấu thầu 2.520 m2 diện tích đất canh tác kém hiệu quả, chuyển đổi sang diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản theo mô hình “ao cá Bác Hồ”, đồng thời nuôi thêm gia súc gia cầm, phát triển kinh tế gia đình theo hướng gia trại.

Năm 2012, ông tiếp tục mạnh dạn đấu thầu hơn 30 mẫu đất để trồng lúa. Đây là vùng đất canh tác của bà con trong thôn nhưng do đất bị nhiễm phèn chua lại xa khu dân cư gần 4 km, địa hình giao thông đi lại khó khăn, thủy lợi nội đồng không bảo đảm cung cấp nước nên việc canh tác rất khó khăn khiến nhiều người dân bỏ ruộng. Ông làm đơn xin cấp ủy, chính quyền được đấu thầu lại mảnh đất, cải tạo để cấy lúa. Nhìn thực tế từ bà con đi trước thất bại là do hệ thống cơ sở vật chất chưa được đầu tư cải tạo đúng mức, phương thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ, ông nghĩ muốn thành công thì phải chủ động được các khâu trong sản xuất, làm chủ các phương tiện cơ giới hóa nông nghiệp, sản xuất theo hướng tập trung. Vì vậy, ông đã quy vùng hơn 30 mẫu ruộng canh tác theo mô hình cánh đồng mẫu và đầu tư hơn 600 triệu đồng làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng,  đào đắp kênh mương để lấy và giữ nước phục vụ tưới tiêu, phá bỏ các bờ con, san lấp mặt ruộng bằng phẳng và đổ 700 m2 sân bê tông kiên cố để phơi lúa.

Ông còn trang bị các loại máy cơ giới như: máy cày, máy gặt đập liên hoàn, máy bơm nước, máy và bình phun thuốc trừ sâu để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp... Ông áp dụng phương thức gieo sạ 2 vụ/năm với các giống lúa cho năng suất, chất lượng cao. Vì vậy kết quả đạt như mong đợi, lúa phát triển tốt cho năng suất cao, bình quân trên 60 tạ/ha/vụ. Cùng với các mô hình kinh tế “cánh đồng mẫu”, “ao cá Bác Hồ”, ông còn xây dựng kho thóc để làm điểm kinh doanh lương thực. Công việc hiệu quả, ông đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng, lúc thời vụ số người làm lên đến 50 người với mức thu nhập bình quân 150.000 đồng/người/ngày. Từ những thành công của bản thân, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Làm vườn xã Quang Hưng, ông Lưỡng còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, động viên bà con nhà nông: “Đất không phụ công người, là người nông dân phải yêu đất, bám ruộng, chỉ cần có ý chí và lòng đam mê với công việc thì sẽ làm được”.

Bên cạnh đó, ông Lưỡng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phong trào tại địa phương. Ông đã ủng hộ thôn Tây Nghĩa số tiền 5 triệu đồng làm đường giao thông trong thôn, trả trước cho thôn số tiền đấu thầu diện tích ruộng hàng trăm triệu đồng để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Công Triều, Chủ tịch UBND xã Quang Hưng cho biết: “Ông Lưỡng là một gương điển hình vượt khó, vươn lên làm giàu. Là gia đình công giáo luôn gương mẫu thực hiện lời dạy “Kính chúa yêu nước”, chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế của địa phương. Ông có lối sống giản dị, ôn hòa, đoàn kết tình làng nghĩa xóm, được bà con quý mến, tin yêu”.

Thanh Huyền

  • Từ khóa