Thứ 7, 10/08/2024, 14:18[GMT+7]

Về Sông Kôn, vui múa hát cồng chiêng Cơtu

Thứ 4, 11/08/2010 | 14:28:31
2,525 lượt xem
Đến xã Sông Kôn (huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam) trong những ngày này, khắp các bản làng rừng núi hoang sơ, đồng bào Cơtu đang say sưa tập luyện múa hát cồng chiêng, chuẩn bị cho ngày hội “Liên hoan múa hát cồng chiêng xã Sông Kôn lần thứ II, năm 2010”.

Đồng bào Cơtu ở xã Sông Kôn tham gia thi múa hát cồng chiêng lần thứ I, năm 2005

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, cán bộ Văn hoá xã Sông Kôn cho biết: “Chúng tôi muốn đem đến cho du khách những nét độc đáo và mới lạ nhất của lễ hội thông qua thi múa hát cồng chiêng (các điệu múa Ttung, Zază); hát lý đối đáp giao duyên Cơtu (gồm các phần thi Têng Bhnoóch, Chà-chập, Ba-boóch...,); thi duyên dáng các trang phục truyền thống Cơtu; trưng bày các sản phẩm truyền thống làng nghề như: gùi, thổ cẩm, taléc,...

Nét mới trong Lễ hội năm nay là sự cách tân về nghệ thuật cũng như vũ điệu múa hát cồng chiêng Cơtu. Theo đó, nhiều chương trình được quan tâm đầu tư dàn dựng, được xem như “điểm nhấn” là phần thi “Duyên dáng các trang phục truyền thống Cơtu” và cuộc triển lãm trưng bày các sản phẩm truyền thống làng nghề Cơtu. Với nhiều nét mới trong cách thức tổ chức, lễ hội năm nay hy vọng sẽ mang đến cho du khách và công chúng những tiết mục múa hát độc đáo và đặc sắc.

Trước khi làm kế hoạch triển khai về việc tổ chức các chương trình trong lễ hội múa hát cồng chiêng lần thứ II, UBND xã Sông Kôn đã triệu tập mời các già làng, trưởng bản, những người có uy tín và hiểu biết về phong tục văn hoá cồng chiêng của đồng bào Cơtu để cùng bàn luận, góp ý cho các chương trình của lễ hội.

Theo ông Bhnướch Quý, Phó chủ tịch UBND xã Sông Kôn, việc mời các già làng, trưởng bản đến dự cuộc họp triển khai mở rộng như thế này là để lắng nghe ý kiến đóng góp của các già làng trong các khâu tổ chức của chương trình lễ hội.

Theo đó, thông qua nhiều ý kiến hai chiều và thẳng thắn của các già làng để nhằm giúp Ban tổ chức lễ hội đưa ra các quyết định chung, phù hợp với nét văn hoá truyền thống lâu đời của đồng bào Cơtu.

Già làng Bhriu Prăm (84 tuổi, ở thôn Bhờ Hôồng 1) góp ý: “Là một chương trình lễ hội cồng chiêng mang đậm nét truyền thống, điều bắt buộc đối với các diễn viên tham gia lễ hội là phải chuẩn bị đầy đủ các trang phục và vật dụng kèm theo.

Riêng đối với chủ đề (phần lời) để ứng khẩu trong phần thi hát đối đáp giao duyên là cần chú trọng đến các Luật Hôn nhân và gia đình; các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; ca ngợi quê hương đất nước;... Phải thống nhất việc cách tân ở các điệu múa hát cồng chiêng của các đội nhưng không làm sai lệch với bản chất và nguyên bản các điệu múa cồng chiêng truyền thống từ lâu đời”.

Già làng Alăng Bô (78 tuổi, ở thôn K9) nhìn nhận: “Theo phong tục của người Cơtu, mỗi lần đánh cồng chiêng là phải có con trâu, bò để cúng báo với Giàng, nếu không thì không thể làm được.

Chính vì lẽ đó nên rất khó cho đồng bào trong vấn đề tập luyện”. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế không thể đáp ứng được nên đông đảo các già làng cũng đã thống nhất, nếu thôn nào không có trâu, bò thì cũng phải có heo để báo Giàng. Chuyện này tuy không đúng với luật tục nhưng cũng... có thể “châm chước” được.

Để thực hiện có hiệu quả cho các chương trình lễ hội, từ nhiều tháng nay, đồng bào Cơtu ở các thôn trong toàn xã đã cùng nhau tập luyện nghiêm túc, rút kinh nghiệm sau mỗi lần tập. Đêm đến, sau mỗi chuyến lên nương trở về, đồng bào lại kéo nhau đến sân nhà Gươl của làng tập trung, cùng nhau đánh trống, tập múa một cách rất say sưa.

Chị Bhriu Thị Lân (ở thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn) cho biết: “Đồng bào ở đây chờ đợi ngày ni lâu lắm rồi nên dù có mệt đến mấy họ cũng đến đây để tập luyện, chuẩn bị chu đáo trong các phần thi của đội mình. Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã sẵn sàng vào cuộc cho một chương trình lễ hội cồng chiêng mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc mình”.

Ông Nguyễn Cung Tiến, Chánh Văn phòng UBND xã Sông Kôn nói: “Chúng tôi tổ chức lễ hội là nhằm tạo một không khí vui chơi cho đồng bào. Qua đó, cũng nhằm giúp khôi phục, gìn giữ và quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào Cơtu đến với công chúng. Đây sẽ là dịp để các đội tham gia có cơ hội thể hiện nét riêng của mình trong múa hát cồng chiêng truyền thống. Lễ hội năm nay sẽ hứa hẹn nhiều điều thú vị đến với du khách gần xa”.

Theo BTC Lễ hội Múa hát cồng chiêng xã Sông Kôn lần thứ II, lễ hội năm nay sẽ quy tụ hơn 300 diễn viên đến từ 11 đội trong toàn xã; huy động gần 3.000 người dân cùng đến tham gia giúp sức hỗ trợ, cùng BTC triển khai hoàn thành một kỳ lễ hội ấn tượng và độc đáo. Lễ hội dự kiến sẽ tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 1 đến 3.9), tại khuôn viên sân nhà Gươl của thôn văn hoá – du lịch Bhờ Hôồng 1 (xã Sông Kôn).

Theo Văn hóa 

  • Từ khóa