Thứ 2, 20/05/2024, 23:00[GMT+7]

Sản xuất vụ đông năm 2014 Chủ động để giành thắng lợi toàn diện

Thứ 5, 18/09/2014 | 09:04:15
1,209 lượt xem
Sản xuất trong điều kiện khó khăn nhưng sản phẩm vụ đông bao giờ cũng cho giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với cây lúa. Vì vậy, nhiều năm nay, vụ đông đã trở thành một trong những vụ sản xuất chính trong năm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người nông dân.

Nông dân xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) chăm sóc rau màu.

 

Ðến ngày 15/9, 75% diện tích lúa mùa toàn tỉnh đã trỗ bông, dự kiến có khoảng 25.000ha thu hoạch trước ngày 5/10, tạo quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm. Tuy nhiên, vụ đông năm nay được cơ quan chuyên môn nhận định gặp nhiều khó khăn: thiếu lao động thời vụ do ngày công lao động cao, lao động chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ; đặc biệt, ảnh hưởng của rét đậm, rét hại làm cho lúa xuân thu hoạch muộn khoảng 7 - 10 ngày so với trung bình hằng năm dẫn đến vụ mùa 2014 chậm khoảng 5 - 7 ngày so với lịch thời vụ nên quỹ đất gieo trồng cây vụ đông ưa ấm có thể bị hạn chế; tiêu thụ nông sản bấp bênh, ngay cả với các mô hình cánh đồng mẫu, chủ yếu qua tư thương, giá cả biến động theo hướng không có lợi cho người nông dân; thời tiết diễn biến phức tạp trong khi hệ thống thủy lợi, công trình thủy nông ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu chủ động tưới tiêu... Do vậy, để mở rộng tối đa diện tích và nâng cao giá trị cho từng loại cây trồng, các huyện, thành phố cần bố trí hợp lý cơ cấu nhóm cây ưa ấm, ưa lạnh và nhóm trung tính; trong đó, nhóm cây ưa ấm cần chú trọng và mở rộng diện tích cây ớt, bí xanh, dưa các loại, ngô, đậu tương, khoai lang; nhóm cây ưa lạnh với các cây chủ lực như khoai tây, rau đậu… Gắn kết với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, mở rộng cánh đồng mẫu, vùng sản xuất hàng hóa; có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân sớm, kịp thời, góp phần tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất vụ đông.

 

Vụ đông năm 2014, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 38.000ha trở lên, tập trung tăng diện tích các loại cây có hợp đồng tiêu thụ, sản phẩm có thể bảo quản lâu dài, không bị tác động của thời tiết bất thuận lúc thu hoạch. Trong đó, cây ngô 7.000ha, đậu tương 5.000ha, khoai tây 4.500ha, bí các loại 4.500ha, khoai lang 3.500ha, ớt 1.500ha, còn lại là rau màu và cây khác. Các địa phương có điều kiện giao thông thuận lợi, gần Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương như Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Hưng Hà nên chủ động liên hệ với đơn vị này để có phương án liên doanh, liên kết ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, với các cây trồng như ngô ngọt, dưa bao tử, bí đỏ... Ðây không chỉ là giải pháp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm vụ đông mà còn góp phần giải quyết những khó khăn trong công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Nhóm cây ưa ấm đòi hỏi tương đối khắt khe về thời vụ, tập trung chủ yếu từ cuối tháng 8 đến tuần 1 tháng 10, do đó cần áp dụng kỹ thuật làm bầu như: bí, dưa chuột, ươm cây con (ớt).

 

Ðối với bầu, bí, dưa chuột, các hộ nông dân cần lựa chọn giống ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt và áp dụng kỹ thuật trồng gối bằng cách rẽ lúa để đặt bầu trước khi thu hoạch lúa nhằm đẩy nhanh thời vụ, mang lại giá trị kinh tế cao. Ðối với cây đậu tương là cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, tốn ít công lao động, giá trị kinh tế khá cao, đồng thời có tác dụng lớn trong việc cải tạo đất, song đậu tương lại đòi hỏi khá khắt khe về thời vụ, do đó các địa phương cần chỉ đạo chặt chẽ, sát sao. Các giống đậu tương có thời gian sinh trưởng trung bình như ÐVN5, ÐVN6, DT84, DT26 nên gieo hạt trước 25/9 và trước 5/10 đối với các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày như ÐT-12, AK06; không gieo đậu tương sau ngày 10/10. Ngô không chỉ dễ trồng để mở rộng diện tích mà còn là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, nông dân cần tranh thủ gieo ngô sớm, thời vụ vào bầu trước ngày 20/9 và đặt bầu trước ngày 5/10. Ðối với ngô nếp, ngô đường, ngô rau, thời gian sinh trưởng ngắn nên thời vụ có thể kéo dài đến 20/10. Khoai tây là cây ưa lạnh, do đó quỹ đất để sản xuất là rất lớn và thời vụ không khắt khe, có thể kéo dài thời gian gieo trồng từ 25/10 đến 10/11 với các giống như Solara, Atlantic, Diamant, Sinora...

 

Ðến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 2.200ha cây vụ đông ưa ấm; trong đó ngô 870ha, ớt 700ha, đậu tương 300ha, còn lại là các cây khác. Hiện các địa phương đang tập trung khuyến cáo bà con nông dân cách chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh cho diện tích cây vụ đông đã trồng. Theo dõi chặt chẽ sâu bệnh trên cây vụ đông để có biện pháp xử lý kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Thực hiện tốt việc bơm và tưới cho cây vụ đông, không để bị khô hạn làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây vụ đông đã trồng.

 

Với sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, sự sát sao của các địa phương và sự chủ động từ phía người dân, hy vọng vụ đông năm nay sẽ giành thắng lợi toàn diện.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa