Thứ 2, 20/05/2024, 22:08[GMT+7]

Ngành Công nghiệp Dấu ấn từ những dự án trọng điểm

Thứ 6, 19/09/2014 | 08:16:42
1,410 lượt xem
Thái Bình là vựa lúa của khu vực đồng bằng sông Hồng nhưng những năm qua lại có bước phát triển mạnh ngành Công nghiệp, đặc biệt đã thu hút được nhiều dự án trọng điểm quốc gia như Trung tâm Ðiện lực Thái Bình, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, Dự án Hệ thống thu gom khí, phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình lô 102, 106, Nhà máy sản xuất Amoniac... Ðây là những dự án không chỉ mang lại giá trị sản xuất lớn mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, góp phần đẩy mạ

Nhà máy sản xuất Amon Nitrat xã Thái Thọ (Thái Thụy). Ảnh: Thành Tâm

 

Từ một tỉnh thuần nông đến nay tỉnh ta đã có 6 khu công nghiệp, 31 cụm công nghiệp, thu hút 703 dự án đầu tư vào tỉnh với số vốn đăng ký 100.404 tỷ đồng. Trong đó có 500 dự án sản xuất công nghiệp tổng vốn đầu tư trên 92.000 tỷ đồng. Sự phát triển trên đã đưa giá trị sản xuất ngành Công nghiệp của tỉnh tăng từ 22.792,2 tỷ đồng năm 2010 lên 30.522,8 tỷ đồng năm 2013, tỷ trọng công nghiệp đạt từ 32,3% năm 2010 lên 34,76% năm 2013. Kéo theo đó là sự đóng góp vào nguồn ngân sách nhà nước ngày càng lớn, từ 853,881 tỷ đồng năm 2010 lên 1.406,372 tỷ đồng năm 2013 (tăng 552,491 tỷ đồng).

 

Ðiểm nhấn quan trọng trong thời gian qua là tỉnh ta đã thu hút, xây dựng được nhiều dự án lớn, công nghệ hiện đại, có ý nghĩa quan trọng về chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của tỉnh mà của cả nước. Tiêu biểu như Nhà máy sản xuất Amon Nitrat tại Cụm công nghiệp xã Thái Thọ (Thái Thụy) có quy mô công nghiệp lớn đầu tiên ở Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 5.800 tỷ đồng, thuộc loại công trình công nghiệp cấp đặc biệt, được xây dựng trên diện tích 18,64ha. Ðây là dự án có ý nghĩa lớn trong việc tự chủ, ổn định, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng cho đất nước.

 

 

Ðồng chí Vũ Huy Hoàng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

 

Hiện tại nước ta đang phải nhập khẩu hoàn toàn loại nguyên liệu này với khối lượng khoảng 100.000 tấn/năm và dự báo sẽ tăng lên mức 200.000 tấn/năm vào năm 2015. Việc nhập khẩu nguyên liệu như hiện nay phụ thuộc rất lớn vào sự biến động về giá và thuế, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trong nước, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều lĩnh vực công nghiệp khác như khai thác mỏ, phân bón, thủy điện, xây dựng, công nghiệp quốc phòng... Vì vậy, đây là dự án công nghiệp mới đầu tiên của tỉnh nhằm phụ trợ cho ngành Công nghiệp trong nước chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu Amon nitrat, khắc phục tình trạng lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Không bao lâu, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động, hứa hẹn tạo ra bước đột phá mới về sản xuất công nghiệp cho tỉnh, đồng thời từng bước hình thành một tổ hợp các dự án công nghiệp quy mô quốc tế trên đất Thái Bình.

 

Trung tâm Ðiện lực Thái Bình là dự án công nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đầu tư vào tỉnh ta có tổng công suất đạt 1.800MW với tổng kinh phí xây dựng là 2,1 tỷ USD, tương đương khoảng 40.000 tỷ VNÐ. Dự án được xây dựng trên diện tích 254ha tại xã Mỹ Lộc (Thái Thụy) gồm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 với công suất 600MW và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200MW. Có thể nói, Trung tâm Ðiện lực Thái Bình là công trình điểm của ngành Năng lượng với sự tổng hòa của 3 tập đoàn năng lượng lớn nhất nước. Ðây là dự án quan trọng trong mục tiêu chiến lược phát triển nguồn điện và là dự án nguồn điện cấp bách thuộc tổng quy hoạch điện VI đã được Chính phủ phê duyệt. Dự kiến sau khi Trung tâm Ðiện lực Thái Bình hoàn thành đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 900 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời tạo nhu cầu lớn về các dịch vụ và tạo việc làm cho gần 1.000 công nhân kỹ thuật. Dự án sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh nói riêng, của khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước nói chung.

 

Một điểm nhấn khác nữa trong ngành Công nghiệp của tỉnh ta là năm 2013 Dự án Hệ thống thu gom khí, phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình lô 102, 106’’ cũng được Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đầu tư 64 triệu USD xây dựng ở xã Ðông Minh (Tiền Hải). Ðây là dự án đầu tiên đưa khí từ ngoài khơi, bể Sông Hồng vào bờ nhằm duy trì việc cung cấp khí cho Khu công nghiệp Tiền Hải. Dự án sẽ cung cấp hàng năm khoảng 70 triệu m3 khí tiêu chuẩn vào mạng lưới đường ống khí thấp áp và 130 triệu m3 khí vào một hệ thống để nén thành CNG (khí thiên nhiên nén) vận chuyển bằng thiết bị chuyên dụng đến các tỉnh lân cận. Công trình không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển công nghiệp của tỉnh, nhằm bổ sung nguồn cung cấp khí đang bị sụt giảm hiện nay cho các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tiền Hải, mà còn mở rộng cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ khác trong tương lai. Ðây cũng là dự án thu gom khí đầu tiên của PV Gas tại khu vực miền Bắc, cơ sở cho sự phát triển thị trường khí khu vực phía Bắc và đẩy mạnh phát triển ngành khí trên phạm vi cả nước.

 

Ðể ngành Công nghiệp tiếp tục phát triển, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng khuyến khích phát triển những sản phẩm công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh như hàng dệt may, nông sản, thực phẩm, thủy hải sản, thiết bị điện, điện tử, thủy tinh cao cấp, pha lê, sứ vệ sinh, gạch ốp lát, hàng thủ công mỹ nghệ. Phấn đấu tỷ trọng công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 chiếm 45% cơ cấu kinh tế.

 Thu Thủy

 

  • Từ khóa