Thứ 2, 20/05/2024, 23:18[GMT+7]

Kiến Xương Nỗ lực phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích cây vụ đông

Thứ 3, 23/09/2014 | 08:26:55
1,344 lượt xem
Vụ đông năm 2014 được xác định là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn do khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, thời vụ chậm… Riêng với huyện Kiến Xương, do đặc điểm đồng đất phần lớn là đất thịt nặng gây nhiều khó khăn trong phát triển, mở rộng diện tích cây vụ đông. Tuy nhiên, với sự tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nông dân các địa phương trong huyện đang tích cực đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu gieo trồng 3.700ha cây vụ đông đã đề ra.

Nông dân Vũ Lễ ( Kiến Xương) thu hoạch khoai tây vụ đông 2013.

 

Vụ đông năm 2013, Kiến Xương và các huyện, thành phố gặp khó khăn chung là ảnh hưởng của 4 cơn bão làm chậm tiến độ gieo cấy lúa mùa, đặc biệt cơn bão số 14 ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng rau màu. Do đó, diện tích gieo trồng vụ đông toàn huyện đã giảm 327ha so với năm 2012. Theo kế hoạch, vụ đông năm 2014, huyện tập trung gieo trồng các đối tượng cây màu chủ lực là khoai tây, bí xanh, dưa chuột, đậu tương… Ðể giành thắng lợi trong sản xuất vụ đông, huyện đã quy hoạch vùng tập trung ở những nơi có truyền thống, trình độ thâm canh cao, sớm xây dựng kế hoạch sản xuất để bố trí cơ cấu giống lúa phù hợp với chân đất được quy hoạch làm vụ đông.

 

Trên diện tích được quy hoạch sản xuất vụ đông, huyện chỉ đạo bà con sử dụng giống lúa ngắn ngày, đồng thời đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy, chăm bón và thu hoạch, bảo đảm đúng lịch thời vụ đề ra. Bên cạnh đó, Kiến Xương đặc biệt chú trọng đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích những xã chưa có truyền thống và kinh nghiệm nhiều về sản xuất vụ đông nỗ lực mở rộng diện tích.

 

Cùng với hỗ trợ của tỉnh, huyện Kiến Xương hỗ trợ một phần kinh phí mua giống với các hộ đăng ký trồng bí xanh và một số giống khác có bao tiêu sản phẩm: ngô ngọt, dưa chuột bao tử, khoai tây giống… Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, biện pháp thâm canh. Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất vụ đông, các xã, thị trấn trong huyện đều căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương mình để xây dựng kế hoạch chi tiết, đồng thời lựa chọn các trà, cơ cấu giống, kỹ thuật cho những vụ tiếp theo.

 

Xã Vũ Lễ là một trong những địa phương dẫn đầu huyện về diện tích gieo trồng cây vụ đông. Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm nhằm tăng thu nhập cho bà con nông dân nên quan điểm chỉ đạo của xã là duy trì cây màu truyền thống, tích cực chuyển đổi, đưa các cây trồng có năng suất, chất lượng cao, đầu ra cho sản phẩm ổn định vào sản xuất trên đất chuyên màu và đẩy mạnh thâm canh trên đất hai lúa.

 

Ông Phùng Ðình Chiểu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp cho biết: Là một trong những địa phương có truyền thống sản xuất cây vụ đông, những năm qua, Vũ Lễ dành nhiều nguồn lực đẩy mạnh phát triển cây vụ đông. Theo đó, xã đã triển khai kế hoạch và chỉ đạo các thôn có giải pháp thực hiện ngay từ đầu vụ, bố trí quy vùng, xây dựng cơ cấu giống lúa, trà lúa để có quỹ đất làm vụ đông. Cùng với đó, thống nhất cơ cấu cây trồng, tập trung thực hiện các giải pháp mở rộng diện tích cây vụ đông bằng việc khuyến khích bà con đưa vào trồng các loại cây cho giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng. Ðể chủ động quỹ đất trồng cây vụ đông, vụ lúa mùa năm 2014, xã đưa vào cấy thử nghiệm giống lúa Gia Lộc 102 với diện tích trên 3ha. Ðây là giống chất lượng thương phẩm cao, kháng bệnh tốt, thời gian sinh trưởng cực ngắn, thích hợp đưa vào gieo trồng vụ mùa, đẩy nhanh lịch thời vụ.

 

Chúng tôi về xã Ðình Phùng, một trong những địa phương có diện tích gieo trồng cây vụ đông thấp của huyện. Vụ đông 2014, Ðình Phùng xây dựng kế hoạch phấn đấu gieo trồng 7,96ha. Lý giải cho con số đó, ông Phạm Tiến Lăng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp cho biết: Phát triển diện tích trồng cây vụ đông ở Ðình Phùng gặp nhiều khó khăn do đồng đất nơi đây chủ yếu là đất thịt nặng; lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vừa thiếu, vừa yếu hơn nữa thu nhập ổn định từ các ngành nghề phụ: xây dựng, may, cơ khí, mộc… khiến người dân không mấy gắn bó với đồng ruộng. Toàn xã có 208ha đất nông nghiệp, năm 2013, diện tích đất bỏ hoang nơi đây là 8ha, năm 2014, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, huyện, diện tích bỏ hoang giảm còn trên 4ha. Những khó khăn ở Ðình Phùng cũng chính là khó khăn chung của nhiều địa phương trong huyện Kiến Xương đang gặp phải. Ngoài ra, chưa có đầu ra bao tiêu sản phẩm ổn định cũng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích vụ đông của huyện chưa có sự bứt phá.

 

Việc mở rộng, phát triển diện tích cây trồng vụ đông là giải pháp quan trọng để tăng thu nhập cho nông dân và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ðể đạt chỉ tiêu 3.700ha cây vụ đông năm 2014, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt, đồng thời đẩy mạnh liên doanh, liên kết giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Lưu Ngần

 

  • Từ khóa