Thứ 2, 20/05/2024, 22:07[GMT+7]

An Ấp Để trái ớt cay cho lòng dân quả ngọt

Thứ 6, 26/09/2014 | 08:51:00
1,760 lượt xem
Trong những năm qua, An Ấp là một trong những xã đi đầu trong phong trào trồng cây vụ đông của huyện Quỳnh Phụ, với thế mạnh là cây ớt, nhờ đó đời sống nhân dân được cải thiện, kinh tế của địa phương từng bước phát triển đi lên.

Nông dân xã An Ấp chăm sóc cây ớt vụ đông

 

Về xã An Ấp những ngày cuối tháng 9, khi cơn bão số 3 vừa đi qua, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động khẩn trương trên những cánh đồng màu trồng ớt của bà con nông dân nơi đây. Bác Nguyễn Văn Ðài, thôn Xuân Lai đang vun đất cho những luống ớt chia sẻ: Năm 2013, gia đình bác trồng 5 sào ớt kim, năng suất trung bình đạt 5 tạ/sào, với giá 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình bác thu lãi gần 100 triệu đồng. Không chỉ gia đình bác Ðài mà còn rất nhiều những gia đình khác trong xã An Ấp làm giàu từ cây ớt.

 

Ông Phạm Văn Tổng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã An Ấp luôn xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân nên hầu hết các hộ gia đình trong xã đều tích cực, chủ động tham gia sản xuất vụ đông. An Ấp là một trong những xã luôn đứng đầu huyện Quỳnh Phụ về diện tích gieo trồng ớt. Ngay sau khi thu hoạch lúa tái sinh, từ đầu tháng 8 bà con nông dân tập trung ra đồng làm đất để trồng ớt. Ớt là cây màu vụ đông dài ngày, song trồng chỉ hơn 1 tháng đã cho thu hoạch, chăm sóc tốt có thể thu hoạch đến tháng 2 năm sau.

 

Ðể tạo quỹ đất mở rộng diện tích cây vụ đông ưa ấm, đặc biệt là những cây trà sớm như ớt kim, việc giải phóng đất được xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ðể giải quyết được vấn đề đó, ngay trong đề án sản xuất vụ mùa và vụ đông Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp rất chú trọng các khâu kỹ thuật, chọn giống, chăm sóc lúa tái sinh, bảo đảm đến cuối tháng 7 diện tích lúa tái sinh của xã có thể cho thu hoạch. Theo ông Phạm Văn Tổng, những năm qua, diện tích trồng lúa tái sinh của xã An Ấp đạt hiệu quả cao và cho thu hoạch sớm, thời gian sinh trưởng ngắn chỉ từ 50 - 60 ngày, không mất tiền cho chi phí làm đất, đầu tư phân bón ít nhưng năng suất đạt khá từ 15 - 20 tạ/ha. Nhờ giải phóng được đất sản xuất, đến nay, 120ha trồng lúa tái sinh đã được phủ kín cây màu, trong đó, diện tích gieo trồng cây ớt kim đạt trên 95ha, còn lại là các cây màu khác như: hành, rau màu…

 

Năm 2013, diện tích gieo trồng cây màu vụ đông của An Ấp đạt 185ha, trong đó riêng diện tích cây ớt là 110ha, năng suất ước đạt 5 - 6 tạ/sào, trung bình thu nhập từ 18 - 20 triệu đồng/sào, góp phần quan trọng đưa thu nhập bình quân của xã lên trên 17 triệu đồng/người/năm. Ðời sống của nhân dân trong xã được nâng lên, qua đó phong trào tự nguyện đóng góp làm đường giao thông xây dựng NTM ở xã An Ấp được nhân dân hưởng ứng tích cực như thôn An Ấp có những hộ gia đình đóng góp trên 1 triệu đồng/khẩu; đến nay xã An Ấp đã xây dựng được 14km đường giao thông nông thôn trục chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt, sản xuất, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo quê hương.

  

Vụ đông năm 2014, xã An Ấp phấn đấu gieo trồng trên 185ha trong đó cây ớt phấn đấu đạt từ 120ha trở lên, với những giống ớt chủ lực, cho năng suất cao, thị trường ưa chuộng như: ớt An Ðiền 101, ớt Hiểm Lai F1 Demon, ớt chỉ thiên GS 888, ớt Thái Lan… Hiện trên 95ha ớt của xã đã trồng đang trong giai đoạn ra hoa, kết quả. Trước mỗi mùa vụ, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức sản xuất cho nông dân, để khuyến khích, động viên phong trào trồng cây vụ đông của xã. UBND xã chỉ đạo Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với các thôn tiến hành bầu chọn, trao thưởng cho các hộ nông dân trồng cây vụ đông hiệu quả, thu nhập cao vào dịp tổng kết sản xuất cuối năm. Riêng năm 2013, toàn xã có 48 hộ nông dân được nhận giấy khen và phần thưởng.

 

Tuy nhiên, một khó khăn đối với bà con nông dân trong sản xuất vụ đông trong những năm qua ở xã An Ấp đó là đầu ra cho sản phẩm, giá cả lên xuống thất thường do tư thương ép giá, có những thời điểm giá thu mua được đẩy lên 60.000 đồng/kg, nhưng có những lúc xuống còn 7.000 đồng/kg. Ðến nay, UBND xã và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chưa tìm được đơn vị bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Ðể giảm bớt khó khăn cho nông dân, ông Phạm Văn Ðam, thôn Thượng Phúc, người đầu tiên đưa cây ớt kim về trồng đại trà trong xã, đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Toàn Năng, chuyên cung ứng giống, phổ biến kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân trồng ớt trong xã và những địa phương lân cận.

 

Vào những ngày cao điểm chính vụ, trung bình Hợp tác xã Toàn Năng thu mua từ 10 - 15 tấn ớt tươi của bà con nông dân, tạo việc làm cho gần 100 lao động. Với 400m2 nhà xưởng, đầu tư xây dựng hơn 1 tỷ đồng, Hợp tác xã Toàn Năng chuyên thu mua, cung ứng ớt tươi cho thị trường Trung Quốc; ngoài ra còn phơi sấy, ngâm muối các sản phẩm ớt phục vụ cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, những đơn vị như Hợp tác xã Toàn Năng chỉ bao tiêu sản phẩm từ cây ớt, giá cả phụ thuộc rất nhiều vào thương lái Trung Quốc nên không ổn định, chưa đáp ứng hết được nhu cầu sản xuất của bà con nông dân. Ðồng thời còn rất nhiều sản phẩm nông nghiệp từ vụ đông như: ngô, khoai tây, khoai lang, rau màu… của nông dân An Ấp làm ra phải tiêu thụ trên thị trường tự do, ảnh hưởng rất lớn đến công sức và thành quả lao động một nắng hai sương của bà con nông dân.

 

Phong trào sản xuất vụ đông của huyện Quỳnh Phụ phát triển mạnh, có một phần đóng góp quan trọng của xã An Ấp, nhưng để giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững không chỉ cây ớt mà còn rất nhiều cây trồng khác rất cần sự nhạy bén, chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành ở địa phương nơi đây để niềm vui trọn vẹn đến với bà con nông dân.

Trịnh Cường

 

  • Từ khóa