Thứ 2, 20/05/2024, 22:09[GMT+7]

Ðông Hưng “Quả ngọt” từ những vùng chuyển đổi

Thứ 4, 01/10/2014 | 09:03:07
883 lượt xem
Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi đất nông nghiệp vùng úng, trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản, xây dựng trang trại, gia trại, trong những năm qua huyện Ðông Hưng đã xây dựng được nhiều vùng chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao.

Trang trại của ông Bùi Thọ Thính (xã Đông Sơn, Đông Hưng).

Chúng tôi đến thăm trang trại của ông Bùi Thọ Thính (xã Ðông Sơn) khi cá rô đồng và ếch thịt ở trang trại ông đến kỳ thu hoạch. Ông Thính tâm sự: Ngày mới ra đây lập nghiệp, không ai nghĩ tôi có thể biến vùng đất chua, trũng của vùng chuyển đổi này thành trang trại như ngày hôm nay. Không vốn, không kinh nghiệm, không kỹ thuật nhưng tất cả những khó khăn của buổi ban sơ không làm ông nhụt chí. Ông vay vốn từ người thân, bè bạn, tập trung đào ao thả cá truyền thống như trắm, trôi, chép, mè. Nhưng do đất nhiễm chua quá nặng nên cá nuôi không hiệu quả. Tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo và trực tiếp tham khảo mô hình các trang trại bạn, ông Thính chuyển đổi vật nuôi liên tục nhằm phù hợp với điều kiện môi trường nuôi và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hiện tại, với tổng diện tích 18.000m2, ông dành 10.000m2 đào ao thả cá; phần còn lại xây chuồng nuôi lợn, gà và trồng chuối tiêu. Xác định nuôi trồng thủy sản là hướng đi chính của trang trại nên ông đầu tư xây dựng ao kiên cố, khoa học, tập trung nuôi cá rô đồng lai, cá chim và cá trê đồng. Mỗi năm cá rô thu 2 lứa, mỗi lứa từ 10 - 15 tấn, với giá 40.000 đồng/kg, ông đã thu về hàng trăm triệu đồng. Tận dụng bề mặt ao, ông nuôi 3 - 5 vạn con ếch, sau gần 3 tháng chăm sóc, theo ước tính trung bình 1 vạn con thu về 30 triệu đồng. Không dừng lại ở việc duy trì những con vật nuôi vốn có, ông Thính tiếp tục nuôi thử nghiệm những con vật mang lại giá trị kinh tế cao như cua ra, thỏ. Ông chia sẻ: Làm kinh tế trang trại phải có tư duy nhạy bén, biết định hướng lâu dài và tự chuyển đổi vật nuôi theo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không ngừng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Với cách làm trên, mỗi năm ông thu lãi trên 300 triệu đồng, biến vùng đất thiếu sức sống ngày nào trở thành điểm đến tham quan, học hỏi của nhiều người trong và ngoài tỉnh.

Cũng là một trong những người đi đầu trong phong trào chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng trang trại nhưng anh Nguyễn Văn Dương (xã Ðông La) lại chọn nuôi lợn nái ngoại để làm giàu. Năm  2004, với 2.600m2, anh bắt tay vào đào ao, xây dựng trang trại nuôi gà trắng, lợn nái nội và cá truyền thống. Tuy nhiên, nhận thấy gà trắng không mang lại hiệu quả kinh tế, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng khu chăn nuôi lợn nái ngoại khép kín. Hiện tại, trang trại của anh có 100 con lợn nái ngoại, cung cấp lợn giống cho các xã lân cận và các huyện trong tỉnh. Mô hình chăn nuôi của anh thuộc dự án VietGap nên mọi tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh đều được bảo đảm. Anh Dương cho biết: So với cấy lúa trước đây, chăn nuôi trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều; trong thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục mở rộng chuồng trại, nâng tổng số lợn nái ngoại lên từ 120 - 150 con.

Xã Ðông Sơn là một trong những địa phương có phong trào chuyển đổi đất nông nghiệp mạnh nhất huyện Ðông Hưng. Toàn xã hiện có 30 trang trại. Chia sẻ về thành công, ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi có chủ trương của tỉnh, huyện về chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng trang trại, gia trại, địa phương đã tạo mọi điều kiện để bà con đấu thầu, xây dựng các mô hình chăn nuôi. Bên cạnh đơn giản hóa về thủ tục hành chính, chính quyền địa phương phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cũng như biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ công tiêm vắc-xin, phun hóa chất khử trùng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Chúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðông Hưng cho biết: Nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi, Ðông Hưng đã có những hỗ trợ cho bà con như hỗ trợ dự án phát triển trang trại gà ở Phú Châu; hỗ trợ 1 tấn hóa chất tiêu độc khử trùng, kinh phí tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chi phí tiêm phòng dịch bệnh. Tuy nhiên, để phát triển vùng chuyển đổi thành khu chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa cần có nhiều yếu tố, trong đó việc tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con nông dân còn là bài toán nan giải đối với huyện. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Hà Chuyên

  • Từ khóa