Thứ 2, 20/05/2024, 23:19[GMT+7]

Đông Xá Phát triển chăn nuôi tập trung còn nhiều khó khăn

Chủ nhật, 05/10/2014 | 15:01:34
1,743 lượt xem
Trong nhiều năm qua, xã Ðông Xá là một trong những địa phương điển hình của huyện Ðông Hưng về phát triển nông nghiệp, nhất là chăn nuôi gia súc, chủ yếu là lợn choai và lợn thịt.

Mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại mang lại hiệu quả kinh tế cao của nông dân xã Ðông Xá (Ðông Hưng).

 

Hiện nay, trên 90% hộ gia đình trong xã tham gia chăn nuôi, trong đó có 38 gia trại chăn nuôi từ 50 - 100 con lợn thịt và lợn nái. Tính đến tháng 4/2014, tổng đàn lợn toàn xã có 14.277 con, trong đó lợn nái có 218 con. Ðông Xá là điểm cung cấp lợn giống và lợn thịt có uy tín trong và ngoài tỉnh.

 

Phát triển chăn nuôi nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi, nhất là nguồn thức ăn sẵn có nhờ tận dụng những nông sản do chính bà con làm ra, do đó giảm đáng kể chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, chính quyền quan tâm sâu sát trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Nguồn vắc-xin do tỉnh, huyện hỗ trợ được cán bộ thú y trực tiếp chuyển tới bà con đầy đủ, khuyến khích thường xuyên phun hóa chất khử trùng để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, đồng thời bảo vệ môi trường xung quanh. Xã còn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để chuyển đổi đất nông nghiệp vùng úng, trũng sang xây dựng trang trại, gia trại, khu chăn nuôi tập trung, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để các thương lái dễ dàng thu mua sản phẩm tại địa phương.

 

Những điều kiện thuận lợi trên góp phần không nhỏ vào sự phát triển chăn nuôi tại vùng đất thuần nông này. Tuy nhiên, muốn phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, Ðông Xá cần phải nỗ lực hơn nữa, đó là phải xây dựng được khu chăn nuôi tập trung. Ðây là việc tương đối khó khăn của địa phương khi đa số các hộ dân chăn nuôi theo mô hình gia trại trên đất thổ cư của gia đình mình. Và như vậy, hiệu quả chăn nuôi không cao, nhỏ lẻ, manh mún. Trên địa bàn xã cũng có diện tích đất chuyển đổi từ vùng quanh năm ngập, úng trũng, cấy lúa năng suất thấp sang xây dựng trang trại, gia trại. Tuy nhiên, thực tế vùng chuyển đổi chưa phát huy được hiệu quả kinh tế khi đa số các hộ dân nơi đây chưa  xây dựng được mô hình trang trại theo các tiêu chí quy định về trang trại. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Lê Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do bà con không có vốn đầu tư vì đầu tư cho một trang trại chăn nuôi không hề nhỏ. Nội lực gia đình không có trong khi vay vốn từ các tổ chức tín dụng cũng chỉ đáp ứng được một phần nào đó. Ngoài ra, bà con nông dân chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại do tâm lý sợ thua lỗ.

 

Là một trong những hộ gia đình đầu tiên xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại khép kín tại Ðông Xá, anh Phạm Xuân Thành (thôn Ðông Bình Cách) chia sẻ: Gia đình tôi có truyền thống chăn nuôi lợn choai, lợn nái từ nhiều năm nay. Do có kinh nghiệm chăn nuôi đồng thời không ngừng học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên từ đầu năm 2014 gia đình tôi quyết định đầu tư xây dựng chuồng nuôi khép kín, bảo đảm mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Hiện tại, trong gia trại có 14 lợn nái ngoại, trong đó 13 con đã đẻ, mỗi lợn nái đẻ trung bình từ 10 - 12 lợn con. Với giá 1.4 triệu đồng/con lợn giống, ước tính gia trại anh Thành thu về gần 200 triệu đồng. Mặc dù nuôi lợn nái mang lại giá trị kinh tế cao nhưng gia trại của anh Thành lại nằm trong khu dân cư. Vệ sinh môi trường được anh xử lý tốt song việc bó hẹp diện tích đã làm giảm hiệu quả chăn nuôi.

 

Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết thêm: Gia đình cũng có nguyện vọng ra vùng chuyển đổi phát triển chăn nuôi song diện tích đất chuyển đổi bị thu hẹp, nơi có điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi thì không còn. Hơn nữa, gia đình tôi mới tập trung vốn đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, giờ ra ngoài vùng chuyển đổi cũng không còn vốn để đầu tư. Cũng phát triển chăn nuôi tại hộ, anh Nguyễn Văn Thế (thôn Tân Tích) cho biết: Từ nhiều năm chăn nuôi, gia đình đã đầu tư xây dựng chuồng trại, do đó thời gian sắp tới gia đình vẫn tiếp tục duy trì chăn nuôi tại gia với đàn lợn trên 100 con. Chăn nuôi nhỏ lẻ tại gia đình không tạo được vùng chăn nuôi tập trung. Mỗi hộ gia đình có cách chăn nuôi khác nhau nên chất lượng vật nuôi khác nhau, không đồng đều. Bên cạnh đó, do chăn nuôi manh mún nên không tạo được thị trường ổn định, người dân gặp đâu bán đấy, được giá là bán, không cứ lợn to hay nhỏ. Do vậy, việc phát triển chăn nuôi tại đây gặp không ít khó khăn.

 

Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa ở Ðông Xá còn nhiều gian nan. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi. Tiếp tục quy vùng chăn nuôi tập trung, khuyến khích những hộ gia đình có mô hình chăn nuôi tốt ra vùng chuyển đổi để có thể mở rộng quy mô sản xuất, tích cực cùng bà con tìm kiếm thị trường ổn định, đó sẽ là những việc làm cần thiết lúc này tại Ðông Xá.

Hà Chuyên

 

  • Từ khóa