Thứ 6, 10/05/2024, 03:40[GMT+7]

Công nghiệp Thái Thụy Nhiều dấu hiệu khởi sắc

Thứ 4, 12/11/2014 | 08:08:29
1,321 lượt xem
Mặc dù chịu sự ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, song 10 tháng đầu năm 2014 sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Thái Thụy vẫn đạt kết quả khá. Nhiều công ty đổi mới thiết bị, đầu tư dây chuyền hiện đại, mở rộng mặt bằng sản xuất đem lại doanh thu cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện.

Công ty May TNHH Quý Khang (xã Thụy Dân, Thái Thụy) tạo việc làm cho hơn 100 lao động.

Nắm bắt được khó khăn, ngay từ đầu năm, huyện đã chủ động các giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp về vốn, mặt bằng, thị trường tiêu thụ và nguồn lao động. Đặc biệt, xác định lĩnh vực vận tải biển là thế mạnh của huyện nên đã phối hợp với Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền kịp thời có những đề xuất, kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Toàn huyện hiện có gần 400 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 198 doanh nghiệp đóng tàu, vận tải biển với khoảng 200 tàu, trong đó có trên 30 tàu vận tải hàng đi các nước. Những năm qua, nhiều doanh nghiệp vận tải biển phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu vốn, nguồn hàng vận chuyển giảm, chi phí đầu vào tăng, có thời điểm các doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ tới 2 tỷ đồng/ngày.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay lĩnh vực vận tải biển của huyện đã phục hồi, nhiều doanh nghiệp lãi hàng tỷ đồng. Một số doanh nghiệp mở hướng kinh doanh mới, vận chuyển khối lượng hàng hóa tăng gấp ba so với trước đây, đạt doanh thu lớn. Điển hình như Công ty Cổ phần Vận tải Sông Diêm, mặc dù có 4 chi nhánh hoạt động cùng lúc nhưng 90% nguồn vốn là vốn tự có, Công ty không chỉ đầu tư mua thêm tàu mới đưa vào hoạt động mà còn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước (khoảng 700 triệu đồng từ đầu năm tới nay). Công ty Đóng tàu Đại Dương vừa duy trì là đơn vị sửa chữa tàu lớn nhất tỉnh vừa triển khai dự án đóng tàu vỏ thép đi vào hoạt động trở lại. Ngoài ra, trong đầu tháng 9 vừa qua, Công ty Cổ phần Dũng Thành Trung (xã Thái Thượng) đã đưa đôi tàu vỏ thép mới vào sử dụng đánh bắt xa bờ. Đây là đôi tàu có công suất lớn nhất từ trước tới nay với 810CV/tàu, không chỉ tạo động lực thúc đẩy kinh tế biển phát triển mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sản phẩm bột cá của Nhà máy Chế biến bột cá Thụy Hải được tiêu thụ trên thị trường cả nước.

Ngoài vận tải biển, các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác cũng tiến hành củng cố, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đầu tư dây chuyền thiết bị mới vào sản xuất. Nhà máy Chế biến bột cá Thụy Hải tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với công suất 450 tấn cá nguyên liệu mỗi ngày. Đặc biệt, trong quý III, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà ở thị trấn Diêm Điền cũng đi vào hoạt động với nhiều ngành nghề, vừa mở thêm trung tâm thương mại vừa mở thêm kho xăng dầu để xuất cho các đại lý, nhà phân phối trong cả nước. Đặc biệt, kho xăng dầu của Công ty Hải Hà có sức chứa 18.000m3 và một cảng nhập 3.000 DWT sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng đồng thời tham gia điều tiết thị trường, bình ổn giá xăng dầu khi thị trường có biến động; ngoài ra còn chủ động nguồn hàng cung ứng ra thị trường và tiết giảm được chi phí vận chuyển xăng dầu cho các tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Công ty TNHH Thực phẩm Rich Beauty Việt Nam có 100% vốn nước ngoài, là đơn vị chế biến hải sản cao cấp xuất khẩu sang Nhật Bản cũng đã hoạt động trở lại sau hơn 2 tháng dừng sản xuất, tiếp tục tạo việc làm cho 400 lao động và đưa sản phẩm tôm xuất khẩu trở lại thị trường Nhật. Trong lĩnh vực dệt may, doanh nghiệp hàng đầu của huyện là Công ty May Vinap Shin hwa cũng đã đầu tư thêm 2 dây chuyền mới tạo việc làm cho 400 lao động với thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Đối với khu vực làng nghề, toàn huyện Thái Thụy hiện duy trì 24 làng nghề, trong đó có 4 làng nghề hoạt động tốt như làng nghề rèn thôn An Tiêm xã Thụy Dân, nghề làm hương Lai Triều xã Thụy Dương, chế biến hải sản xã Thụy Hải, mây tre đan, móc sợi xã Thái Xuyên. Điểm nổi bật trong phát triển nghề từ đầu năm tới nay là người dân làm nghề móc sợi cho Doanh nghiệp Mây tre đan Thanh Bình đã dần quen với hình thức chuyển từ làm phân tán sang làm tập trung. Đến nay, lúc cao điểm nhất có khoảng 2.500 lao động đến làm tập trung tại xưởng của Doanh nghiệp. Mặc dù giảm số lao động vệ tinh so với trước nhưng hiệu quả lao động lại đạt cao với thu nhập bình quân khoảng 2,2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nghề may, mộc, cơ khí đang có chiều hướng phát triển mạnh, cho thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, tập trung ở các xã như Thụy Dân, Thụy Thanh, Thụy Văn, Thụy Quỳnh.

Với sự phát triển trên, 10 tháng đầu năm 2014 giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Thái Thụy đạt 714 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2013. Thời gian tới, Thái Thụy sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn; chủ động nắm bắt, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, làng nghề về mặt bằng, vốn, nguồn lao động; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện năm 2014 đạt 855 tỷ đồng.

Thu Thủy

  • Từ khóa