Thứ 6, 10/05/2024, 05:34[GMT+7]

Giúp ngư dân vươn khơi bám biển

Chủ nhật, 23/11/2014 | 16:16:26
1,418 lượt xem
Những ngày này, tại hầu hết các cảng cá, bến cá của 2 huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải tấp nập tàu thuyền cập bến, với đầy ắp cá, tôm. Những chuyến tàu thắng lợi đã mang đến niềm phấn chấn để ngư dân tiếp tục quyết tâm bám biển.

Niềm vui của ngư dân Tiền Hải sau mỗi chuyến ra khơi. Ảnh: Nguyên Bình

Nhìn hàng trăm tàu thuyền rực đỏ sắc cờ Tổ quốc ra vào cảng cá Cửa Lân (Tiền Hải), chúng tôi không giấu được niềm vui, bởi các tàu, thuyền, với công suất từ nhỏ đến lớn của ngư dân chạy dài ngút tầm mắt. Những con tàu, thuyền neo đậu quanh cảng cũng đang chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm để giong thuyền ra khơi. Anh Trần Văn Huấn, chủ một tàu cá đánh bắt gần bờ xã Nam Thịnh cho biết: Nghề biển nhiều khi cũng gặp may rủi, có ngày đánh bắt được nhiều nhưng cũng có ngày thu được dăm ba cân. Cuộc sống của bà con ngư dân gắn liền với biển đảo quê hương thì phải tiếp tục gắn bó. Với mình, sống và lớn lên từ biển nên không dễ gì giã từ nó. Hơn nữa, mỗi khi chúng tôi ra khơi, bên cạnh các tàu cá của mình còn có lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng hỗ trợ nên không sợ đơn độc. Được tiếp sức, vì thế ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, làm giàu từ biển. Giữa đại dương mênh mông, mỗi tàu, thuyền đánh bắt của ngư dân được xem như một cột mốc góp phần bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Hoàng Trọng Luân, xã Nam Phú chia sẻ: Do không có kinh phí đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ nên tàu của gia đình tôi chỉ khai thác gần bờ. Sau mỗi ngày ra khơi, trung bình chúng tôi thu được vài tạ cá, cũng có khi chỉ được vài chục cân. Thành quả của chuyến đi biển ngắn ngày không nhiều nhưng dôi dư vài trăm nghìn đồng cũng đủ sống.

Ông Đào Văn Trường, Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: Thái Bình có bờ biển dài 54km trải dài 2 huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải, với 22 xã ven biển có ngư dân tham gia hoạt động khai thác, nuôi trồng và dịch vụ thu mua chế biến tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.170 tàu, thuyền đánh bắt, với tổng công suất 78.264CV, trong đó tàu đánh bắt trung và xa bờ 180 chiếc, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động. Năm 2014, dự kiến toàn tỉnh khai thác đạt gần 59.000 tấn hải sản trong 2 vụ cá Bắc - Nam, tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2013. Để giúp ngư dân yên tâm bám biển, làm giàu từ biển, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020…; chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, các địa phương giáp ranh giữa tỉnh Thái Bình, Nam Định khảo sát thực tế vùng giáp ranh làm cơ sở để 2 tỉnh ký kết thỏa thuận ranh giới quản lý, khai thác thủy sản vùng biển ven bờ giữa 2 tỉnh.

Cùng với đó, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản có liên quan về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Vận động bà con ngư dân sửa chữa, tu bổ tàu thuyền, lưới nghề, đóng mới tàu có công suất lớn vươn khơi khai thác xa bờ; chuyển đổi nghề nghiệp từ nghề lưới kéo sang khai thác chọn lọc hơn như câu, lưới rê… góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hiện, Chi cục tập trung rà soát số lượng tàu, thuyền tham gia đánh bắt hải sản trên biển, nắm bắt tình hình sản xuất và ngư trường hoạt động của các loại nghề tham gia. Tiếp tục theo dõi diễn biến ngư trường, nguồn lợi để thông tin kịp thời dự báo ngư trường, giúp ngư dân sản xuất ổn định.

Đồng thời, khuyến cáo ngư dân đánh bắt hải sản theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để tương trợ lẫn nhau khi thời tiết biến động, giúp nhau ổn định đầu ra sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 11 tổ hợp tác xã, 7 đội tự quản tàu, thuyền. Trong những chuyến ra khơi, các tổ, đội đợi chờ nhau để cùng xuất phát. Trên biển, họ chia sẻ với nhau khi phát hiện có luồng cá; hoặc chủ tàu nào đó không có điều kiện để nâng công suất tàu, thuyền thì anh em hội viên trong tổ, đội đóng góp cho vay… Việc thành lập các tổ, đội khai thác thủy hải sản không chỉ giúp ngư dân vững tâm hơn khi tham gia khai thác thủy hải sản trên biển mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Cùng với đó, trước mỗi mùa mưa bão, các thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Chi cục tiến hành kiểm tra các vật dụng cần thiết như phao cứu sinh, lều bạt, kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc. Theo Phó Trạm trưởng, phụ trách Trạm Kiểm ngư Cửa Lân, huyện Tiền Hải Tưởng Tuấn Anh thì: Để triển khai có hiệu quả các phương án phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Trạm chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Đồn Biên phòng Cửa Lân nắm số lượng tàu cá, số lao động đi trên tàu, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân tránh trú bão khi có tình huống xảy ra, góp phần bảo đảm an toàn về người và tàu cá hoạt động trên biển.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến bà con ngư dân thực hiện đúng các quy định bắt buộc của Nhà nước về công tác an toàn cho người và tàu cá, trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin bảo vệ người và tàu cá. Thường xuyên theo dõi, dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển, chủ động thông báo các địa điểm neo đậu, tránh trú bão an toàn cho các tàu, thuyền khai thác thủy sản, giúp ngư dân phòng tránh thiên tai trên biển... Trong những ngày có bão, áp thấp nhiệt đới, Trạm tổ chức trực ban 24/24 giờ tiếp nhận các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, các ngành có thẩm quyền để phối hợp triển khai phương án phòng tránh bão một cách hiệu quả nhất.

Nhằm giúp ngư dân có điều kiện tham gia khai thác hải sản, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành, các địa phương khảo sát nhu cầu đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7/7/2014, về một số chính sách phát triển thủy sản, cũng như đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ các thủ tục về chính sách để cộng đồng ngư dân từng bước tiếp nhận. Hy vọng, với cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng với các giải pháp đang được triển khai thực hiện chắc chắn các ngư dân sẽ nỗ lực đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá để vươn khơi bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa