Thứ 6, 10/05/2024, 19:32[GMT+7]

Thái Thụy Ngư dân háo hức được tiếp nhận vốn vay ưu đãi

Chủ nhật, 23/11/2014 | 16:19:14
1,071 lượt xem
Hiện nay, công tác hỗ trợ ngư dân đóng mới và cải hoán tàu, thuyền theo Nghị định số 67 của Chính phủ và Quyết định số 3044 của UBND tỉnh đang được các cấp, ngành triển khai thực hiện, bảo đảm giúp ngư dân sớm được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo quy định. Theo ghi nhận của chúng tôi hàng trăm ngư dân huyện Thái Thụy đang háo hức tiếp cận vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đóng mới và cải hoán tàu vỏ thép, vỏ gỗ công suất lớn để vươn khơi bám biển khai thác hải sản xa bờ.

Phát triển đánh bắt xa bờ luôn là mục tiêu quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thái Thụy.

Nhằm hỗ trợ ngư dân phát triển tàu cá, nâng cao năng lực đánh bắt hải sản xa bờ, tái cơ cấu nghề khai thác thuỷ sản, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 3044/2013/QĐ-UBND về việc quy định một số chính sách hỗ trợ ngư dân tỉnh Thái Bình đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình sẽ hỗ trợ kinh phí 1 lần cho chủ tàu đóng mới có công suất máy chính từ 300CV đến dưới 500CV với mức hỗ trợ là 150 triệu đồng/tàu; tàu có tổng công suất máy chính từ 500CV trở lên sẽ hỗ trợ 200 triệu đồng/tàu. Đối với những tàu cải hoán có công suất máy chính từ 300CV đến dưới 500CV sẽ hỗ trợ 70 triệu đồng/tàu; tàu có công suất máy chính trên 500CV sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng/tàu.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên đối với tàu cá có công suất trên 90CV; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động, bồi dưỡng nghiệp vụ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên.  Quyết định này nhằm hỗ trợ ngư dân phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ, tăng cường thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí trong quá trình hoạt động khai thác đồng thời góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đến nay, trên địa bàn huyện Thái Thụy đã có hàng trăm ngư dân đang được hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thuyền viên và 3 tàu đăng ký hỗ trợ để đóng mới và cải hoán theo Quyết định số 3044/2013/QĐ-UBND.

Ông Đỗ Quang Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Dũng Thành Trung, thôn Bắc Cường, xã Thái Thượng (Thái Thụy) cho biết: Là một trong những công ty chuyên về đánh bắt hải sản xa bờ, Công ty gặp không ít những khó khăn về vốn. Trước đây, mỗi năm Công ty phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên. Tuy nhiên, theo Quyết định số 3044/2013/QĐ-UBND, hiện nay, Công ty đang được hỗ trợ 100% kinh phí đối với bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên. Vừa qua, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Công ty đã làm đơn đăng ký với UBND huyện vay vốn đóng mới 2 tàu vỏ gỗ, công suất trên 700CV để làm tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Ông Dũng cũng mong muốn, Nhà nước tiếp tục có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Không riêng Công ty Cổ phần Dũng Thành Trung, hiện nay trên địa bàn huyện Thái Thụy đã có hàng chục chủ tàu đăng ký đóng mới và nâng cấp 112 tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Thắng, xóm 1, xã Thái Đô (Thái Thụy) chia sẻ: Hiện nay, ông là chủ của 2 đôi tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có 2 tàu vỏ sắt và 2 tàu vỏ gỗ, công suất mỗi chiếc đều trên 320CV. Đối với đa số ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên biển trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, khả năng đầu tư mua sắm trang thiết bị để khai thác vươn ra khơi xa còn nhiều hạn chế do đó chưa thể bám biển để khai thác dài ngày, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Với hàng trăm ngư dân trên địa bàn huyện Thái Thụy nói riêng và cả nước nói chung, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là chính sách có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là các tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Qua các hội nghị triển khai tại địa phương ông Thắng khẳng định: “Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền các vùng biển đảo của đất nước…”. Hiện nay, ông Thắng đã đăng ký với UBND huyện Thái Thụy, xin được hỗ trợ vay vốn để đóng mới 1 đôi tàu vỏ thép có công suất khoảng trên 800CV. Đây là cơ hội lớn để ông cũng như nhiều chủ tàu khác có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ. Ông hy vọng các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ hơn nữa trong việc rà soát những đối tượng được cho vay vốn để ông cũng như nhiều ngư dân khác sớm được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi này…

Phát huy thế mạnh của địa phương ven biển, những năm qua, huyện Thái Thụy luôn tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngư dân trên địa bàn. Nhất là việc phát triển các đội tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế -  xã hội. Huyện Thái Thụy hiện có 441 tàu khai thác hải sản với tổng công suất 48.020CV, trong đó tàu tầm trung và tàu xa bờ là 181 chiếc với công suất 42.391CV. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 15 tàu thu mua và tàu vận tải hậu cần nghề cá với tổng công suất hơn 4.588CV. Sản lượng khai thác thủy sản 10 tháng đầu năm 2014 đạt 35.278 tấn, đạt 126% kế hoạch đã đề ra; giá trị ước đạt gần 303 tỷ đồng.

Hiện nay ngư dân Thái Thụy đăng ký đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ công suất lớn là rất nhiều, đây là tín hiệu đáng mừng khi cơ chế, chính sách hỗ trợ đi vào lòng dân. Tuy nhiên, việc phân bổ số lượng tàu được hỗ trợ có hạn khiến địa phương lúng túng trong việc lựa chọn đối tượng cho vay để triển khai thực hiện Nghị định số 67 sao cho thật minh bạch, chính xác và công bằng. Trong thời gian  tới, huyện Thái Thụy sẽ tiếp tục triển khai, tuyên truyền tốt các chính sách theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Quyết định 3044/2013/QĐ-UBND tới các xã, thị trấn và ngư dân để tổ chức thực hiện có hiệu quả, đem lại lợi ích cho nhân dân.

Phạm Hưng

  • Từ khóa