Thứ 6, 10/05/2024, 17:15[GMT+7]

Tiền Hải Hướng tới xây dựng đội tàu khai thác hải sản lớn mạnh

Chủ nhật, 23/11/2014 | 16:21:23
957 lượt xem
Với tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế biển, những năm qua huyện Tiền Hải không ngừng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khai thác, nuôi trồng, thu mua, chế biến và xuất khẩu hải sản. Thực hiện mục tiêu phát triển khai thác, nuôi trồng thủy hải sản trong bối cảnh có nhiều khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân huyện Tiền Hải luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi.

Hiện nay, toàn huyện có hơn 700 phương tiện đánh bắt thủy sản với trên 2.000 lao động. Trong đó, một số địa phương có số lượng tàu, thuyền nhiều như Nam Thịnh 231 tàu, Nam Hồng 87 tàu, Đông Minh 74 tàu... Sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 30.000 - 40.000 tấn. Cùng với khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, Tiền Hải khuyến khích nhân dân phát triển đóng tàu công suất lớn khai thác hải sản xa bờ, mở các cơ sở thu mua, chế biến hải sản và các cơ sở dịch vụ cung ứng lương thực, thực phẩm phục vụ sản xuất, đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, kinh tế biển của huyện Tiền Hải thời gian qua vẫn còn những hạn chế như: phần lớn tàu, thuyền của ngư dân là khai thác gần bờ, công suất nhỏ, hiệu quả chưa cao; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển chưa được đầu tư mạnh mẽ; nhiều hộ ngư dân chưa mạnh dạn đầu tư ngành nghề mới, phù hợp với ngư trường xa bờ. Ngoài ra, huyện cũng chưa phát triển được mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn. Việc khai thác quá mức và sử dụng chưa hợp lý các nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là vùng biển ven bờ dẫn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, môi trường sinh thái bị hủy hoại ảnh hưởng đến sản lượng khai thác và đời sống ngư dân.

Trước thực trạng trên, để kinh tế biển của địa phương ngày càng phát triển thì việc đầu tư cơ sở vật chất, tàu, thuyền góp phần giúp ngư dân vươn khơi, khai thác hiệu quả nguồn thủy sản là việc làm quan trọng và cần thiết. Theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, những trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% giá trị đầu tư đối với tàu công suất trên 400CV; đóng mới tàu vỏ gỗ, sẽ hỗ trợ tối đa 70% giá trị đầu tư. Với những ưu đãi đó, Nghị định số 67 sẽ là động lực để ngư dân mạnh dạn đầu tư  đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản xa bờ. Anh Bùi Quang Đức, thôn Quang Thịnh, xã Nam Thịnh chia sẻ: Hiện gia đình anh có một tàu đánh cá công suất 190CV hoạt động chủ yếu ở vùng biển Bạch Long Vĩ, Cô Tô (Quảng Ninh). Gia đình anh rất muốn đóng mới thêm một tàu đánh cá công suất 400CV trở lên để mở rộng vùng biển đánh bắt hải sản. Khi biết có cơ chế hỗ trợ  kinh phí đóng mới, nâng cấp tàu, gia đình anh đã làm đơn xin được hỗ trợ đóng mới một tàu vỏ thép công suất 400CV, với kinh phí dự tính khoảng 8 tỷ đồng. Anh Đức mong rằng, Nghị định số 67 sẽ sớm được các cấp, các ngành triển khai thực hiện để gia đình anh có cơ hội thực hiện được mong ước của mình.

Thành lập năm 2009, cơ sở thu mua hải sản của gia đình chị Nguyễn Thị Khang tại cảng cá Nam Thịnh khá phát triển với việc thu mua, tiêu thụ thủy sản. Song, lâu nay gia đình chị vẫn trăn trở bởi chưa có đủ vốn để mở rộng kinh doanh. Hiện tại, cơ sở mới đầu tư được một kho bảo quản thủy sản với sức chứa thấp, chưa đóng được tàu để tự đi thu mua mà phải thuê 20 tàu của ngư dân đi thu mua hải sản. Sau khi Nghị định số 67 của Chính phủ được ban hành, gia đình chị đã làm đơn xin hỗ trợ đóng mới 2 tàu làm nghề hậu cần với công suất 800CV/tàu, kinh phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng. Chị Khang cho biết: Việc khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất khiến cho hậu cần nghề cá khó phát triển. Đối với một cơ sở thu mua hải sản nếu không làm tốt khâu bảo quản thì nguy cơ “mất trắng” rất dễ xảy ra, bởi hải sản sau khi đánh bắt nếu trong khoảng 2 giờ không được bảo quản tốt sẽ bị hỏng, bán không được giá, thậm chí người kinh doanh phải bù lỗ. Mặt khác, do không đầu tư được cơ sở vật chất, gia đình chị còn phải chi một khoản kinh phí khá lớn cho nhân công, mua đá lạnh, xốp đóng hàng... Gia đình chị rất vui mừng và hy vọng sẽ được hỗ trợ theo Nghị định số 67 của Chính phủ để gia đình chị cũng như những hộ làm nghề thu mua hải sản có cơ hội đóng mới, nâng cấp tàu phát triển kinh doanh. Theo ông Phạm Văn Vang, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép, vỏ gỗ công suất lớn để dần chuyển từ khai thác hải sản gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao. Chủ trương phát triển kinh tế biển của huyện Tiền Hải trong thời gian tới là chú trọng đầu tư phương tiện đánh bắt và ngư cụ hiện đại để xây dựng đội tàu biển lớn mạnh. Hiện nay Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã nhận được khoảng 30 đơn xin đóng mới tàu. Số đơn này sẽ được thẩm định và chuyển lên cấp trên. Ngay sau khi có hướng dẫn và số lượng phân bổ cụ thể cho địa phương, huyện sẽ triển khai thực hiện Nghị định số 67 một cánh nhanh chóng, nghiêm túc, hiệu quả.

Việc sở hữu tàu cá vỏ thép công suất lớn, trang bị đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày là ước mơ bấy lâu nay của ngư dân các địa phương nói chung và ngư dân Tiền Hải nói riêng. Mong rằng, với mục đích khuyến khích ngư dân khai thác hải sản xa bờ, việc thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ sẽ sớm đến với những đối tượng đủ tiêu chuẩn theo quy định để được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi để họ có thể vững vàng vươn khơi.

            Mai Thư

  • Từ khóa