Thứ 2, 01/07/2024, 01:18[GMT+7]

Người gom nhặt hạt ngọc giữa biển đời

Thứ 2, 23/08/2010 | 15:14:03
1,502 lượt xem
Cổ nhân có câu “trung thư hữu kim ngọc”. Nếu trong sách đúng là có ngọc, có vàng thì có thể gọi ông chủ hiệu sách cũ số 5 Bát Đàn là người “giàu” nhất Hà Nội, khi sở hữu một gia tài khổng lồ không dưới mười tấn sách. Và rất nhiều trong số đó là sách cổ, tư liệu vô giá.

Ông Phan Trác Cảnh say mê sưu tầm sách.

Người gom nhặt ngọc quý

Ngôi nhà bốn tầng rộng rãi, khang trang xem ra vẫn quá nhỏ hẹp vì sách. Sàn nhà, các bức tường, chiếu nghỉ cầu thang, chỗ nào cũng như oằn  xuống vì sức nặng của sách. Trong không gian phảng phất mùi giấy cũ, căn nhà gần với một thư phòng trầm mặc. Luôn ở vị trí trung tâm, với tay về phía nào cũng chạm vào sách là nhà sưu tập sách cũ có thâm niên đã mấy chục năm Phan Trác Cảnh. Nho nhã, rất kiệm lời, ở ông mang đậm nét đặc trưng của một con người dành cả cuộc đời đắm chìm giữa muôn trùng sách cũ.

Ai đó đã ví von rất hay, rằng sách cũ là những hạt ngọc quý lưu lạc giữa biển đời. Và những người sưu tập, với niềm đam mê và tình yêu vô bờ bến, gom nhặt những viên ngọc ấy để “một ngày nào đó, những cuốn sách cũ sẽ giúp kể lại lịch sử của đất nước, nhờ sự bảo quản gìn giữ của chúng ta” - như mong muốn lớn nhất của ông Cảnh.

Từng nhiều năm làm công tác quản lý tại khoa Văn, Đại học tổng hợp Hà Nội, niềm đam mê sách đến với ông Cảnh từ bản in đầu tiên tiểu thuyết Nửa chừng xuân của nhà văn Khái Hưng mà ông nâng niu đến tận hôm nay như một kỷ vật vô giá của đời mình.  Để theo đuổi niềm đam mê ấy, những ngày đầu, ông phải nhịn từ suất ăn sáng đến bao thuốc lá quen thuộc để dành dụm tiền gom sách. Lắm bạn bè, đồng nghiệp tưởng ông đổi nghề buôn ve chai khi cứ lẽo đẽo đi lùng sách cũ từ những đống giấy loại, những gánh hàng đồng nát.

Về hưu khi tuổi chưa tròn ngũ thập, hiệu sách cũ giản dị được ông khai sinh sau đó một vài năm. Nằm giữa con phố trung tâm Thủ đô, lọt thỏm giữa những khách sạn, công ty du lịch, nếu chỉ nghĩ đến chữ “nhàn”, gật đầu cho thuê là cả gia đình đủ sống xông xênh. Nhưng dòng chữ đơn sơ Hiệu sách cũ số 5 Bát Đàn vẫn ngự trị bao năm. Và ông chủ vẫn dành trọn toàn bộ không gian riêng, để toàn tâm toàn ý nặng lòng với sách.

Ngọc quý hiện diện khắp nơi

Choáng ngợp là cảm giác của bất cứ ai, khi một lần lạc vào thế giới sách cũ của ông Cảnh. Đây Souvenir de Hue, bản tiếng Pháp in năm 1867 (tác giả  Parchichel Duc  Chaigneau). Kia Hán văn tân giáo khoa thư xuất bản năm 1928. Đây Ngũ thiên tự (1929). Kia An nam chí lược của Lê Tắc đời Trần in tại Huế...

Rồi những đầu báo, tạp chí xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ trước như Phong hóa, Phụ nữ tân văn, Gia Định báo, Văn mới, Gió mới, Nông cổ mín đàm, Nam Phong... vẫn thách thức sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian. Đóng bìa da, dập chữ vàng là trọn bộ tạp chí Viễn Đông Bác cổ bằng tiếng Pháp, từ năm 1901 - 1986.

Rồi bộ sưu tập đồ sộ theo một chủ đề lớn: Việt Nam học. Với 46 cuốn về dân tộc Chàm, 11 tập chuyên nghiên cứu Hoa kiều tại VN. Rồi rất nhiều cuốn sách quý về người Mường cổ, về các dân tộc anh em Thái, Mông, Tày... Như 18 tập về Chămpa, 3 tập về dân tộc Khơme ở Nam Bộ. Hay 12 tập về làng xã Việt Nam. Hoặc cả ngàn trang tư liệu vô giá về ả đào, quan họ, hát xẩm... 

Ấn tượng mạnh nhất với tôi là kho sách đáng ao ước gần ba trăm cuốn về mảnh đất rồng bay. Xưa nhất là Hà Nội chỉ nam của Nguyễn Bá Chính, in năm 1923. Bản sưu tầm mới nhất là Chuyện Hà Nội của nhà văn Vũ Ngọc Phan, ra đời năm 1941.

Kỳ công nhất là trọn bộ Văn hóa tùng biên, xuất bản tại Hà Nội trong ba năm liền từ 1951 - 1954 mà ông phải dành trọn năm năm tập hợp mới đầy đủ. Rồi tác phẩm của những cây đại thụ trong lĩnh vực văn hóa lịch sử cũng tề tựu đầy đủ trên giá sách.

Ông Cảnh trầm ngâm, “lúc đầu tôi cứ tập hợp chung tất cả, giờ thì chuyển sang tập trung vào nội dung nghiên cứu cổ xưa. Tác phẩm văn học hay còn có thể được tái bản. Nhưng sách nghiên cứu cổ, vốn rất kén người đọc nên hiếm hoi vô cùng. Nó đang dần tuyệt bóng trên thị trường”.

Hiệu sách cũ – Một địa chỉ văn hóa

Trong cuốn Tiếng Việt cho người nước ngoài - trình độ trung cấp, trang 273 có một câu ví dụ rất vui. Hỏi: Tôi có thể mua cuốn sách này ở đâu? Trả lời: Anh có thể tìm thấy nó ở hiệu sách cũ của ông Cảnh.

Chẳng biết bao nhiêu người nước ngoài đã tìm đến đúng con phố Bát Đàn để thực hành bài học ngôn ngữ thú vị ấy, chỉ biết rằng rất nhiều - từ sinh viên chuẩn bị làm khóa luận cho đến tiến sĩ, giáo sư nước ngoài đã trở thành những người bạn thân thiết, gắn bó bao năm với ông chủ quán đam mê sách. Trong môt tập dày cộp lưu giữ lại bút tích cùng hình ảnh những khách hàng thân thiết, tôi bắt gặp chàng trai người Nhật Yao Takao – đến với hiệu sách Bát Đàn từ khi là sinh viên cho tới lúc có học hàm giáo sư. Hay vợ chồng nhà khảo cổ Kikuchi Seichi và Abe Yurico. Còn nữa, giáo sư VN học Kenji Tomita. Và chàng thanh niên Mỹ Barley Norton, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về ca trù, từ niềm say mê đàn đáy và nguồn tư liệu vô cùng phong phú mà ông Cảnh cung cấp...

Với đối tượng trí thức trong nước, kho tư liệu dày dặn và vô cùng phong phú của ông đã trở thành nguồn nguyên liệu dồi dào giúp hoàn tất biết bao khóa luận tốt nghiệp, những đề tài cao học rồi nghiên cứu sinh. 

Gần chục năm về trước, ông Cảnh đã hoàn thành cuốn thư tịch mang tựa đề Nghiên cứu VN. Ông bảo, “tôi làm cuốn này từ hàng chục năm trước. Nó vừa là thư mục chọn lọc, vừa kèm theo sách và văn bản, với mong muốn giới thiệu rộng rãi sách Việt cho cả độc giả trong và ngoài nước”.  

Lời cuối ông chia sẻ cứ văng vẳng bên tai tôi, rằng “lòng đam mê cần có nguồn dưỡng khí là sự hiểu biết. Và khi đó sẽ có một tác động qua lại rất thú vị: càng say mê ta càng hiểu biết, và càng hiểu biết lại càng say mê. Quý vật khắc tìm quý nhân, những cuốn sách quý sẽ tìm được con đường đến với người có lòng với sách”. 

Theo SK&DS

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày