Thứ 7, 03/08/2024, 17:14[GMT+7]

Chuyện người "Thương binh nhẹ"

Thứ 3, 26/07/2011 | 16:58:50
1,160 lượt xem
Anh tự nhận mình như thế. Quả thực, nếu so với các thương binh ở Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công (Sở Lao động - TBXH) thì thương tật của anh thuộc dạng nhẹ, nhưng công việc anh làm trong suốt hơn ba chục năm qua thì chẳng “nhẹ” chút nào.

Nhập ngũ tháng 7 năm 1977, sau hai lần bị thương, được xác định mất 31% sức khỏe và xếp hạng thương tật 4/4, Nguyễn Trung Lập rời quân đội và chuyển công tác về ngành Lao động – TBXH Thái Bình năm 1981, làm nhiệm vụ chăm sóc các thương binh, bệnh binh tại Khu điều dưỡng thương binh nặng, nay là Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công. Từ đó đến nay vừa tròn 30 năm người “thương binh nhẹ” này cùng các đồng nghiệp phục vụ những người đồng chí, đồng đội từng một thời khói lửa, đạn bom với mình. Thời điểm cao nhất, đơn vị của anh đón tiếp và phục vụ trên 100 đối tượng. Hiện nay, số thương binh, bệnh binh còn ở Trung tâm là 27 người. Trong 27 người ấy có 23 người là thương binh hạng ¼, mất 81% sức khỏe trở lên (4 người còn lại đều là bệnh binh).

Là một trong những người làm nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc thương binh, bệnh binh, anh Lập hiểu rõ tính chất công việc của mình nên luôn xác định lập trường tư tưởng vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ cơ quan giao. Do đa phần thương binh, bệnh binh đều tuổi cao, bệnh nặng, sức khỏe ngày một suy giảm nên công việc của anh cũng ngày một vất vả hơn. Bình thường làm công tác phục vụ tại đơn vị còn đỡ chứ mỗi khi “trái gió, trở trời” hoặc bệnh cũ của các đồng chí thương binh tái phát, phải nhập viện - cả ở tỉnh và trung ương, thì lúc đó sự nhọc nhằn, vất vả tăng lên rất nhiều.

Anh Lập kể lại rằng, đã có thời kỳ một mình anh phục vụ thương binh hạng ¼ Vũ Trọng Văn, bị tràn dịch màng phổi, suốt ba tháng liền ở Bệnh viện lao và bệnh phổi Trung ương. Chín mươi ngày đằng đẵng xa gia đình, vợ con, ăn ngoài quán, ngủ ngoài hiên bệnh viện, tất cả mọi việc đều đến tay, để chăm sóc một người không phải ruột già, thân thích của mình, vậy mà anh vẫn không mảy may than phiền, kêu ca.

Khi được hỏi về cảm nghĩ trong những ngày ấy, người thương binh có khuôn mặt hiền lành, chất phác thật thà chia sẻ: Bản thân tôi chỉ là “thương binh nhẹ”, lại có chuyên môn về y tá từ lúc còn tại ngũ trong Quân đội nên khi được phân công về công tác tại Trung tâm tôi luôn tâm niệm phải sống và làm việc bằng tất cả tình thương và trách nhiệm. Trách nhiệm với những người đã cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trách nhiệm với những người đồng chí, đồng đội của mình.

Với suy nghĩ ấy, khi thương binh Lê Ngọc Luých phải điều trị ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tại Hà Nội, anh Lập và các đồng nghiệp đã thay phiên nhau phục vụ suốt tám tháng trời, riêng anh phục vụ hai tháng. Rồi khi thương binh hạng đặc biệt Đoàn Trọng Kiến ở xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà có bệnh, ngay ngày mùng 4 Tết, anh Lập đã xuống tận gia đình phục vụ, đến đầu tháng 3 âm lịch mới thôi.

Thương binh Phạm Hữu Dực cũng đã nhiều lần được anh phục vụ tại Bệnh viện E, Bệnh viện lao và bệnh phổi Trung ương... Trong quãng thời gian ba chục năm công tác tại Trung tâm anh đã trực tiếp phục vụ hàng trăm trường hợp phải đi viện dài ngày, “một, hai tháng là chuyện bình thường” – anh kể.

Với một người luôn đề cao tinh thần trách nhiệm với công việc như Nguyễn Trung Lập thì việc anh được lãnh đạo đơn vị cũng như các đồng chí thương binh tin tưởng, “chọn mặt gửi vàng” mỗi khi phải nhập viện cũng là chuyện dễ hiểu. Trước mỗi lần đưa đối tượng đi bệnh viện, anh đều chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ mọi vật dụng cần thiết, để khi lên đến viện “còn có cái mà dùng, đỡ tiền mua”. Anh cũng chú ý phải luôn đến sớm để lo các thủ tục nhập viện, không để đối tượng của mình phải chờ đợi lâu. Trong quá trình ở bệnh viện, anh cố gắng thu xếp mọi việc chu toàn để đối tượng yên tâm điều trị. Chính vì những lẽ đó mà giờ đây nhiều đồng chí thương binh, bệnh binh ở Trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công khi phải nhập viện đều yêu cầu đích danh “phải có ông Lập đi cùng”. Và chẳng bao giờ anh từ chối. Người thương binh được đơn vị đánh giá là “mũi nhọn” trong công tác này dường như lúc nào cũng luôn sẵn sàng cho những chuyến công tác mới.

Giờ đây, khi đã ở tuổi ngoại ngũ tuần, “thương binh nhẹ” Nguyễn Trung Lập hàng ngày vẫn gắn bó với nhiệm vụ của mình, vừa phục vụ những người có công với đất nước, vừa truyền lại cho thế hệ trẻ của đơn vị những kinh nghiệm về công việc tuy thầm lặng nhưng rất đỗi vẻ vang này. Người con gái thứ hai của anh theo học ngành y và cũng có nguyện vọng được về đơn vị của bố công tác. Khi đó, anh sẽ “lui về hậu phương”, bên người vợ thân thương của mình. Bao năm qua, dù sức khỏe không được tốt, dù điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, chị vẫn gắng thu xếp chu đáo mọi công việc trong gia đình để anh được toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngoài sự thừa nhận, tôn trọng của lãnh đạo và đồng nghiệp trong đơn vị, hay những danh hiệu như Chiến sĩ thi đua, Nguyễn Trung Lập còn có một phần thưởng lớn hơn. Đó là tình cảm, là niềm tin yêu, mến phục mà các đối tượng chính sách và gia đình họ dành cho anh. Trong tâm trí họ, hình ảnh về một con người mẫn cán trong công việc thật khó phai mờ.

Hương Giang

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày