Thứ 7, 10/08/2024, 22:23[GMT+7]

Hiệu quả mô hình cấy lúa hàng rộng hàng hẹp

Thứ 2, 19/10/2015 | 12:37:10
3,589 lượt xem
Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, có truyền thống thâm canh lúa. Hiện nay, năng suất lúa trong tỉnh gần như đã chạm trần (trên 13 tấn/ha), do vậy, để tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa thì giảm chi phí đầu vào là một giải pháp hữu hiệu. Trên cơ sở phương pháp cấy hiệu ứng hàng biên, vụ mùa năm 2015, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKNKN), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng mô hình cấy lúa hàng rộng hàng hẹp tại xã Phú Lương (Ðông Hưng) nhằm tìm ra mật

Đại biểu các xã của hai huyện Thái Thụy và Đông Hưng tham quan mô hình cấy lúa hàng rộng hàng hẹp tại xã Phú Lương.

 

Áp dụng phương pháp cấy hiệu ứng hàng biên từ vụ mùa năm 2014 với diện tích 3,5 sào, vụ mùa năm nay, xã Phú Lương đã có trên 30ha cấy theo mô hình hàng rộng hàng hẹp do Trung tâm KNKNKN triển khai. Chúng tôi về Phú Lương một ngày đầu tháng 10, trên những cánh đồng đã phủ kín một màu vàng óng. Xen kẽ các hàng lúa, những cây bí xanh mởn đang vươn mình. Cuộc trao đổi giữa chúng tôi với Chủ nhiệm HTX DVNN xã bị gián đoạn bởi đoàn đại biểu các xã của huyện Thái Thụy và một số xã trong huyện Ðông Hưng tới tham quan, học hỏi mô hình cấy lúa hàng rộng hàng hẹp nhưng đã giúp chúng tôi vỡ vạc ra nhiều điều.

 

Dựa trên cùng gieo cấy giống lúa BC15, cùng một điều kiện canh tác, Trung tâm KNKNKN đã xây dựng 4 công thức cấy mật độ khác nhau. Trong đó, các công thức 1, 2, 3 cấy thưa với mật độ khác nhau, hàng sông lớn, hàng sông nhỏ và số khóm khác nhau, công thức số 4 là công thức đối chứng với mật độ người dân cấy tự do. Qua theo dõi, đánh giá, lúa ở các công thức cấy thưa có thời gian từ cấy đến trỗ dài hơn so với phương pháp cấy truyền thống do lúa cấy thưa sẽ tận dụng được nhiều ánh sáng và phát huy hết khả năng đẻ nhánh, do vậy thời gian lúa đẻ nhánh kéo dài hơn. Cùng một giống lúa, cùng chế độ canh tác, các công thức cấy khác nhau có sự khác nhau về chiều cao cây. Sức chống đổ của lúa cấy thưa cũng tốt hơn do bộ rễ khỏe, cây cứng. Ðặc biệt, công thức cấy thưa đến giai đoạn lúa phân hóa đòng, ruộng vẫn thông thoáng, do vậy, khô vằn và rầy ở mức độ thấp, không có chuột phá hoại. Hơn nữa, khi cấy thưa, do lúa đẻ nhánh khỏe nên số bông/khóm nhiều hơn, tuy mật độ cây thấp nhưng số hạt chắc/bông cao vượt trội so với diện tích lúa đối chứng, do vậy năng suất tương đương. Cũng từ những ưu việt ấy, qua hạch toán kinh tế, cấy thưa sẽ giảm chi phí sản xuất từ 270- 315nghin đồng/sào, tương đương từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha.

 

Ðể tuyên truyền cho người dân thấy được hiệu quả của phương pháp cấy thưa, biện pháp hữu hiệu nhất là mắt thấy tai nghe. Thời gian tới, Trung tâm KNKNKN sẽ tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn ở các địa phương để khuyến cáo nông dân nhân ra diện rộng.

 

 

 

 

Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Phú Lương (Ðông Hưng)

 

Qua thực tế sản xuất tại địa phương, mô hình cấy hàng rộng hàng hẹp giúp giảm chi phí đầu vào, giảm công lao động, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, cây lúa cứng, không bị đổ. Qua triển khai với diện tích 30ha, chúng tôi nhận thấy mô hình cấy thưa còn hạn chế chuột phá hoại, ở vụ mùa này hầu như không có. Với Phú Lương, mô hình này còn giúp bà con gối vụ, đưa cây màu ra ruộng (trồng xen vào hàng sông rộng) khi lúa mới đỏ đuôi, vừa bảo đảm năng suất lúa vừa bảo đảm thời vụ gieo trồng cây vụ đông. Dự kiến năm 2016, toàn xã sẽ có 50% diện tích cấy theo mô hình này.

 

Bà Nguyễn Thị Yên, thôn Duyên Tục, xã Phú Lương (Ðông Hưng)

 

Gia đình tôi cấy 1,2 mẫu ruộng, trong đó có 2,5 sào cấy theo mô hình hàng rộng hàng hẹp. Chỉ trong nửa ngày, hai vợ chồng tôi vừa nhổ mạ, vừa cấy là xong diện tích 2,5 sào. Những ruộng cấy truyền thống, gia đình tôi phải mất ít nhất 1kg thóc giống/sào nhưng cấy theo mô hình này chỉ mất 8 lạng thóc giống/sào, thuốc trừ sâu cũng phun nhiều hơn so với ruộng cấy thử nghiệm. Tuy chưa được gặt nhưng với kinh nghiệm nhiều năm làm nông nghiệp, năng suất lúa cấy thưa ngang ngửa hoặc vượt so với ruộng cấy theo phương thức truyền thống.

Ông Bùi Sỹ Tiến, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Thụy Lương (Thái Thụy)

 

Qua tham quan mô hình cấy thưa tại xã Phú Lương, nghe và trực tiếp kiểm chứng hiệu quả của mô hình, thời gian tới, Thụy Lương sẽ tổ chức làm điểm, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con áp dụng phương thức mới này vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.

 

Lưu ý với giống lúa BC15

  • Qua đánh giá của Trung tâm KNKNKN, công thức mật độ cấy 12,6 khóm/m2, hàng sông lớn 45cm, hàng sông nhỏ 21cm, khóm cách khóm 24cm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
  • Cấy 2 dảnh/khóm, không bón lót, chỉ bón thúc và bón đòng; bón vào giữa hàng sông nhỏ, không bón vào hàng sông lớn
  • Phun thuốc trừ ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ; phun thuốc cỏ từ 1 - 2 lần; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, nhất là cách thức cấy và bón phân. Cần điều chỉnh mật độ cấy với từng giống lúa.

 

Lưu Ngần

  • Từ khóa

Hoàng Văn Phòng - 7 năm trước

Xin hỏi, phương pháp cấy lúa hàng rộng hàng hẹp đối với giống lúa BC15 thì không bón lót. Tôi không hiểu không bón lót phân hữu cơ hay phân vô cơ?. xin cảm ơn!

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày