Thứ 7, 10/08/2024, 22:24[GMT+7]

Công tác khuyến nông trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 5, 19/11/2015 | 09:17:36
933 lượt xem
Thành lập ngày 31/3/1993, tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Thái Bình, trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phát triển, hình thành mạng lưới khuyến nông rộng khắp từ tỉnh đến các xã, góp phần quan trọng vào những thắng lợi to lớn và toàn diện của ngành Nông nghiệp tỉnh nhà.

Mô hình nuôi tôm sú trong ao nước lợ do Trung tâm Khuyến nông triển khai tại xã Đông Minh (Tiền Hải).

 

Nâng cao chất lượng giống

 

Ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm cho biết: Xác định giống giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm đã đưa nhanh nhiều giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào phục vụ nông dân trong tỉnh. Với cây lúa, hàng năm Trung tâm đã thu thập, khảo nghiệm hàng trăm giống lúa mới, trên cơ sở đó đề xuất với ngành đưa vào cơ cấu nhiều giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như: bộ giống lúa thuần năng suất cao có Q5, Khâm dục, BC15…; bộ giống lúa chất lượng có Bắc thơm 7, T10, Hương thơm 1, RVT…; các giống lúa lai có Nhị ưu 838, Nam dương 99, Nam ưu 69, ZZD001… Đặc biệt, đề tài “Nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới BC15 tại Thái Bình” của kỹ sư Đặng Tiểu Bình và một số cán bộ của Trung tâm đã chọn tạo thành công giống lúa có năng suất cao, chất lượng khá, phạm vi thích ứng rộng, được hàng vạn hộ nông dân trong và ngoài tỉnh đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gần đây, trong hàng trăm giống lúa của bộ lúa Nhật, Trung tâm đã khảo nghiệm, chọn tạo được 11 giống có triển vọng, khắc phục được nhiều nhược điểm, chịu rét tốt, kháng sâu bệnh cao, chất lượng và năng suất cao, trong đó nhóm giống chất lượng cao (TBJ03, QJ4…) được Trung tâm đề xuất chọn làm thương hiệu lúa của tỉnh. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã làm chủ công nghệ sản xuất hạt lúa lai, sản xuất thành công một số tổ hợp lai như Bắc ưu 64, Bắc ưu 903, Bắc ưu 253, HYT93, HYT100 với năng suất cao, giá thành hạ, mở ra hướng tự sản xuất giống lúa lai thay thế dần nhập khẩu.

 

Để mở rộng và phát triển cây vụ đông, Trung tâm đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất khoai tây bằng hạt giống với các giống Hồng Hà 2, Hồng Hà 7; đồng thời, khảo nghiệm đề xuất một số giống khoai tây cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như Solara (Đức), Diamant (Hà Lan), Atlantic (Mỹ). Hiện nay, đội ngũ cán bộ của Trung tâm đang tiếp thu công nghệ khí canh để sản xuất củ giống khoai tây siêu nguyên chủng nhằm từng bước cung ứng cho sản xuất giống khoai tây tốt, sạch bệnh, khắc phục việc nhập khẩu củ giống từ nước ngoài.

 

Cùng với trồng trọt, để phát triển chăn nuôi, Trung tâm đã đề xuất nhiều giống gia cầm mới vào sản xuất như gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng, ngan Pháp R71, vịt siêu trứng… Lĩnh vực thủy sản thành công với nuôi ương giống tôm sú, mở ra nghề nuôi đối tượng mới cho hiệu quả kinh tế cao ở các xã ven biển; khảo nghiệm và xây dựng mô hình nuôi sò huyết trong đầm, nuôi cá vược nước ngọt, cá chim vây vàng, tôm he chân trắng… đạt kết quả khả quan.

 

Đưa tiến bộ khoa học đến với nông dân        

 

Khuyến nông là “nhịp cầu” nối nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà khoa học với người nông dân. Hàng năm, Trung tâm đã mở hàng trăm lớp tập huấn cho hàng vạn lượt nông hộ để phổ biến đường lối, chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp, giới thiệu những tiến bộ khoa học kỹ thuật với nông dân; phối hợp xây dựng chuyên mục “Nhịp cầu nhà nông” trên Báo Thái Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình nhằm cụ thể hóa các biện pháp chỉ đạo sản xuất của ngành, tuyên truyền những tấm gương sản xuất giỏi…

 

Song song với công tác tuyển chọn giống, những năm qua, Trung tâm còn tích cực ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như gieo sạ, gieo thẳng bằng công cụ cải tiến, nhờ đó, chỉ trong 3 năm, diện tích gieo thẳng toàn tỉnh đã tăng 20 lần; mô hình trồng đậu tương, khoai tây, ngô theo phương pháp làm đất tối thiểu, cấy lúa theo phương pháp hàng rộng hàng hẹp, canh tác lúa giảm thiểu phát thải khí nhà kính, sử dụng phân bón... góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, thân thiện với môi trường. Đáng chú ý trong chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật của Trung tâm thời gian qua là việc tiếp thu công nghệ bảo quản củ giống khoai tây bằng phương pháp công nghiệp (nhà lạnh), giải quyết được nhu cầu giống khoai tây sạch bệnh, trẻ sinh lý, giảm tỷ lệ hao hụt, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm kho lạnh bảo quản củ giống. Trong chăn nuôi, các trang trại, gia trại hoạt động theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp đã xây dựng bể biogas xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, mô hình sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư; mô hình áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp trong chăn nuôi gia cầm góp phần hạn chế dịch bệnh, bảo đảm cho vật nuôi phát triển ổn định.

 

Ứng dụng các mô hình khuyến nông trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra những bước đột phá lớn, góp phần tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và hiệu quả kinh tế. Phát huy những kết quả đã đạt được, công tác khuyến nông thời gian tới sẽ được đổi mới theo hướng từng bước tăng cường đầu tư cho hoạt động thông tin, đào tạo và xây dựng các mô hình khuyến nông tổng hợp theo nhu cầu thị trường gắn kết với doanh nghiệp nhằm định hướng đầu ra cho sản phẩm.

 

Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày