Thứ 7, 10/08/2024, 22:27[GMT+7]

Một cái bắt tay - ba nhà có lợi

Thứ 2, 18/04/2016 | 08:39:58
531 lượt xem
Vụ xuân năm nay, Kiến Xương có 27 mô hình tích tụ ruộng đất với tổng diện tích 168,49ha - là huyện đứng đầu tỉnh về thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất. Ðáng chú ý, có 3 doanh nghiệp lớn đã đầu tư cùng với nông dân triển khai 4 mô hình ở các xã: An Bình, Bình Ðịnh, Thanh Tân và Vũ Quý, bước đầu được đánh giá có nhiều triển vọng. Nói như ông Bùi Ðức Hạnh, Chủ tịch UBND huyện: “Cái bắt tay giữa doanh nghiệp với nông dân hứa hẹn ba nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước) cùng có lợi”.

Khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân trở thành công nhân, lao động trên chính thửa ruộng của mình.

 

Nông dân phấn khởi

 

Gia đình ông Lương Ngọc Giang ở thôn An Cơ Ðông, xã Thanh Tân có 4 sào ruộng. Nhiều vụ qua, vì ruộng úng trũng, gia đình lại thiếu nhân lực nên canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Dù vất vả, một năm nếu chỉ cấy lúa mà được mùa, trừ mọi chi phí, gia đình ông cũng chỉ thu về được từ 60 - 70kg thóc/sào. Nhưng từ vụ xuân 2016, khi cho Công ty TNHH Hưng Cúc thuê đất để trồng lúa thì mỗi năm gia đình ông Giang cầm chắc 70kg thóc/sào do Công ty trả. “Chúng tôi phấn khởi lắm! Bây giờ dù có thiên tai, mưa bão gây mất mùa thì gia đình vẫn có thu nhập. Hơn thế nữa, quá trình gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nếu nhà nào có nhân lực tham gia làm thì còn được Công ty thanh toán ngày công lao động với mức 130.000 đồng/ngày” - ông Giang chia sẻ. Cùng chung niềm vui đó, gần 100 hộ dân ở thôn An Cơ Bắc yên tâm, phấn khởi giao ruộng cho doanh nghiệp Hưng Cúc thuê trong 20 năm với tổng diện tích 11ha.

 

Tại Bình Ðịnh, doanh nghiệp Hưng Cúc bắt tay với nông dân thông qua HTX Sản xuất, kinh doanh DVNN xã. Theo đó, doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, giống lúa, chỉ đạo tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho nông dân và hướng dẫn bà con ghi nhật ký sản xuất và tiêu thụ toàn bộ nông sản sau thu hoạch. Nhiều nông dân tham gia vùng sản xuất cho biết, việc gieo cấy và chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đã làm thay đổi tập quán canh tác và nâng cao trình độ thâm canh của nông dân. Ông Trần Thanh Sơn, Chủ nhiệm HTX Sản xuất, kinh doanh DVNN xã chia sẻ: HTX đứng ra ký cam kết với xã viên có nhu cầu sản xuất trong vùng quy hoạch thực hiện đúng quy trình chỉ đạo của công ty. Ðối với các hộ không có nguyện vọng sản xuất theo quy trình, HTX bố trí chuyển đổi sang diện tích ở vùng khác hoặc hoán đổi với cá nhân có nhu cầu sản xuất, hoặc HTX thỏa thuận đấu lại và xây dựng định mức khoán các khâu công việc cụ thể để trả tiền cho xã viên. Với cách làm này, vụ xuân năm 2016, địa phương đã xây dựng được mô hình tích tụ đất nông nghiệp với tổng diện tích 30ha ở hai thôn Ái Quốc và Công Bình.

 

Ngoài Công ty Hưng Cúc, vụ xuân này, trên địa bàn Kiến Xương còn có các doanh nghiệp Vilitat thuê 16,2ha đất của nông dân xã An Bình trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi; Công ty Vật tư Khang Long thuê 12,1ha của nông dân Vũ Quý trồng lúa hàng hóa với hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân. Ngoài ra còn có 23 cá nhân khác thuê, mượn đất, dồn đổi ruộng có quy mô từ 2ha trở lên để đầu tư sản xuất nông nghiệp hiện đại. Bước đầu, Kiến Xương đã tích tụ được 168,49ha với 27 mô hình ở 8 xã; bà con nông dân đang rất phấn khởi và hy vọng chủ trương tích tụ ruộng đất sẽ được mở rộng tới nhiều nông dân và ở khắp địa phương trong mùa vụ tiếp theo.

 

Doanh nghiệp yên tâm

 

Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho biết: Bắt tay với nông dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chúng tôi sẽ chủ động được nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường. Hiệu quả kinh tế và uy tín của doanh nghiệp với đối tác cũng được nâng lên. Ông Hưng cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đều thống nhất cho rằng, việc doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp tạo ra chuỗi giá trị kinh tế nhưng quan trọng nhất là thu hẹp khoảng cách trung gian từ nơi sản xuất tới người tiêu dùng, tránh được tình trạng thương lái ép giá nông dân và cạnh tranh không lành mạnh làm thị trường mất ổn định.

 

Ðể tiếp cận được thị trường nước ngoài, bên cạnh phải chủ động được nguồn hàng hóa về số lượng, các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến vấn đề chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Lâu nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo đau đầu vì chất lượng gạo của Việt Nam khó lọt qua hàng rào kiểm soát chất lượng của nước ngoài. Bài toán này nay đã được giải vì: khi doanh nghiệp đầu tư vào tích tụ ruộng đất, bắt tay cùng nông dân sản xuất, toàn bộ quy trình kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và bảo quản nông sản sau thu hoạch được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng lúa gạo sẽ bảo đảm. Không còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường, chủ động nguồn hàng hóa bảo đảm chất lượng phục vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp đang đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Kiến Xương cảm thấy yên tâm, phấn khởi tiếp tục mở rộng quy mô tích tụ ruộng đất trong những mùa vụ sau.

 

Nhà nước cũng hưởng lợi

 

Thẩm định những dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp hiện đại và kiểm tra thực tế tại các mô hình đang triển khai, lãnh đạo huyện Kiến Xương và một số địa phương đánh giá cao triển vọng của ngành Nông nghiệp khi thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Chủ tịch UBND xã Thanh Tân Bùi Mạnh Hà cho biết, việc doanh nghiệp đầu tư vào xã trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã tiếp thêm vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật tiến bộ và bao tiêu nông sản là những hạn chế kéo dài đối với nông dân nhiều năm qua. Tình trạng nhiều thửa ruộng màu mỡ bị bỏ hoang do nông dân không thiết tha với cày cấy giờ không còn nữa. Một số diện tích thâm canh kém hiệu quả, nay được chuyển đổi cơ cấu giống và áp dụng kỹ thuật hiện đại hứa hẹn cho giá trị cao gấp 1,5 - 2 lần so với trước.

 

Tuy mới là vụ đầu tiên các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào trồng lúa và hoa màu, nhưng tất cả các địa phương có mô hình tích tụ ruộng đất đều tin tưởng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp của địa phương sẽ được nâng cao, đồng thời sắp xếp lại cơ cấu lao động một cách hợp lý. Một bộ phận nông dân sẽ được rút ra khỏi ngành Nông nghiệp, cùng với cơ chế, chính sách đào tạo nghề cho nông dân để chuyển đổi ngành nghề sang lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được giải quyết và nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

 

"Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đang tạo ra sức bật cho ngành Nông nghiệp để cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế khác giúp Kiến Xương sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Song để thực hiện thành công Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Ðề án tích tụ ruộng đất của tỉnh trong thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn đến với nông dân như: đầu tư đồng bộ hóa hệ thống điện, đường giao thông, thủy lợi, hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng, tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp".

 

(Ðồng chí Phạm Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kiến Xương)

Khắc Duẩn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày